“Cha đẻ” AI: "AI chưa đạt được độ thông minh của một con mèo”
Hiện tại AI vẫn còn những hạn chế và còn xa với việc tạo ra trí tuệ nhất định nào. “Nó chưa đạt được mức độ thông minh của một con mèo”. Nhưng AI sẽ còn tốt hơn trong những năm tới. Để AI gần với trí tuệ con người trong tương lai có thể là 10 năm. Do đó, “chúng ta nên tận dụng các cơ hội và không nên sợ hãi"...
GS Yann LeCun, người được mệnh danh là “cha đẻ” của AI, đã đưa ra quan điểm nhận xét về AI tại tọa đàm "Triển khai AI trong thực tế" diễn ra chiều 4/12 trong khuôn khổ chuỗi tọa đàm "Khoa học vì Cuộc sống", Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2024.
Ông hiện là Phó chủ tịch và Giám đốc Khoa học AI tại Meta, đồng thời là Giáo sư Silver tại Đại học New York, Hoa Kỳ. Giáo sư nổi tiếng với những công trình nghiên cứu về AI, học máy, thị giác máy tính, robot và khoa học thần kinh tính toán…
Đặc biệt, ông đã có những đóng góp to lớn cho lĩnh vực học sâu và mạng nơ-ron tích chập được sử dụng rộng rãi trong các ứng dụng nhận dạng hình ảnh và giọng nói, là nền tảng của nhiều sản phẩm và dịch vụ của các hãng công nghệ toàn cầu triển khai và được hàng tỷ người trên trái đất sử dụng được mỗi ngày.
AI ĐANG “CÁCH MẠNG HÓA” NHIỀU NGÀNH LĨNH VỰC
Trí tuệ nhân tạo (AI) hiện đang là công nghệ nền tảng, đóng vai trò cốt lõi trong việc cách mạng hóa nhiều ngành công nghiệp như kinh doanh, giáo dục, y tế và chăm sóc khách hàng. Các mô hình AI tiên tiến nhất hiện nay như Llama 3, GPT-4 và Gemini 1.5 đã không chỉ nâng cao khả năng xử lý ngôn ngữ tự nhiên mà còn mở ra nhiều cơ hội ứng dụng thực tiễn, giúp tối ưu hóa hiệu suất sản phẩm và dịch vụ, đồng thời cải thiện đáng kể trải nghiệm người dùng.
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu số hóa mạnh mẽ, AI đang trở thành động lực quan trọng thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp và tổ chức khi nắm bắt kịp thời các xu hướng công nghệ tiên tiến.
GS Yann LeCun chia sẻ: AI đã được ứng dụng rất nhiều trong khoa học và y học. Trong y học, AI được ứng dụng trong việc khám phá các loại thuốc mới hoặc tìm hiểu các cơ chế của sự sống. Còn trong khoa học, có thể ứng dụng AI để tìm ra những vật liệu mới. Đây là một điều rất quan trọng trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu cũng như trong việc thúc đẩy tiến bộ khoa học của các ngành vật lý, hóa học, sinh học….
Dẫn dắt tọa đàm, TS Xuedong David Huang, Giám đốc công nghệ của Zoom Video Communications (Mỹ), nhìn nhận AI đang mang lại nhiều lợi ích cho con người. Minh chứng là nhiều công ty chip đang kiếm được nhiều tiền từ AI. Những công ty lớn như Meta, Microsoft... cũng đã phát triển nhiều phần mềm làm việc bằng AI ứng dụng trong y tế và giáo dục đều được thay đổi cũng như mang lại hiệu quả tài chính.
Không những thế, AI có thể giúp có hàng trăm nhà phát triển trẻ tuổi và startup nhỏ khác, tạo sân chơi công bằng, phát hiện ý tưởng mới... là điều tạo nên sự khác biệt.
AI hiện đang được sử dụng trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là trong y học và khoa học vật liệu. AI giúp khám phá các loại thuốc mới và tìm hiểu các cơ chế sinh học, cũng như tìm ra những vật liệu mới có thể hỗ trợ trong cuộc chiến chống lại biến đổi khí hậu; thúc đẩy tiến bộ trong các ngành vật lý, hóa học, sinh học.
Đi vào thực tế ứng dụng AI trong chăm sóc sức khỏe, GS.Đỗ Ngọc Minh, Đại học Illinois tại Urbana-Champaign (UIUC, Hoa Kỳ), cho rằng ở lĩnh vực này, AI có thể mở rộng và thích ứng với điều kiện từng địa phương. Tuy nhiên, cần công nghệ hiện đại và nền tảng kết nối hàng trăm trung tâm y tế với nhau trong thực hiện các công việc cơ bản như: Sinh thiết, xét nghiệm máu… hay các phác đồ điều trị phức tạp đối với các bệnh ung thư, phẫu thuật…
Nhiều ứng dụng đang trong nghiên cứu và phát triển, đã có nhiều bằng chứng cho thấy AI có thể nhận ra 1 đối tượng trong thời gian nhanh chóng với độ chính xác tuyệt đối. Tiềm năng của AI đã được nhắc đến trong thử nghiệm lâm sàng có thể làm được tốt hơn, dữ liệu điều trị chữa bệnh có thể được sử dụng cho AI, hỗ trợ nhiều cơ sở khám chữa bệnh. Vì vậy, theo GS Minh, AI cần được tận dụng hiệu quả hơn, cần được điều chỉnh trong thế giới thực, để thế giới thực thích ứng thực hơn với công nghệ.
Nhấn mạnh tầm quan trọng và ý nghĩa của AI, GS Leslie Grabiel Valliant (Đại học Harvard), cho rằng chúng ta nắm rất rõ tiến trình phát triển của AI và công nghệ. Việc sử dụng AI như thế nào còn là vấn đề rất lớn và có thể sử dụng theo các cách khách nhau. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất cần phải thống nhất đó là tiềm năng lớn của AI trong tương lai.
TIẾP TỤC PHÁT TRIỂN AI THÔNG MINH HƠN, AN TOÀN HƠN
Trong trao đổi về thách thức, đột phá và định hướng tương lai việc mở rộng quy mô AI để tạo ra tác động thực tiễn, GS LeCun dự báo, trong vài năm tới AI sẽ rất khác biệt và tốt hơn rất nhiều.
Tuy nhiên, việc AI có thể đạt được trí tuệ tầm con người vẫn là một tương lai xa, bởi hiện tại, AI chưa có khả năng suy xét, lý luận. Ông dẫn chứng các mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) mới chỉ có khả năng đoán từ chứ chưa thể đoán hình ảnh.
"Cha đẻ" của AI gợi ý, tại Việt Nam, các trường đại học nên tập trung tài năng và thu hút hoạt động nghiên cứu về AI ở đó nhằm tạo động cơ cho người trẻ tuổi. Theo ông, Việt Nam có lợi thế là dân số trẻ, đầu tư cho giáo dục đại học, STEM… nên tạo cơ hội cho người trẻ có cơ hội, tham vọng và kết nối cùng những người khác đã học ở nước ngoài sẽ tụ lại đây.
Trong định hướng phát triển ứng dụng AI, chuyên gia này kiến nghị: hãy bỏ mô hình AI tạo sinh, xác suất hay mô hình học giám sát, tiếp cận cách khác để thông minh hơn. Hãy làm sao để bổ sung kiến thức của con người, để nền tảng AI là mở; cần có 1 hệ thống trong tương lai để có thể nói được mọi ngôn ngữ trên thế giới. Do đó, chúng ta cần 1 mã nguồn mở.
Về thách thức, đột phá và định hướng tương lai của AI, Giáo sư Yann Lecun cho rằng ở thời điểm hiện tại, công nghệ AI còn một số hạn chế, tuy nhiên, công nghệ này sẽ tốt hơn trong tương lai. Thời điểm AI phát triển gần với trí tuệ con người nhất có thể trong 10 năm tới.
Hiện Meta đang nghiên cứu phát triển những ứng dụng như trợ lý hỗ trợ con người trong quá trình làm việc như việc dự đoán từ, ký tự trong thiết lập văn bản, tạo hình ảnh, lập kế hoạch. Các hệ thống AI được thu thập dựa trên tất cả dữ liệu của thế giới, vì vậy chúng hiểu biết mọi ngôn ngữ, mọi nền văn hóa hay hệ thống giá trị. Cuối cùng, AI sẽ trở thành kho lưu trữ tất cả tri thức của con người.
Trước ý kiến lo ngại AI sẽ ngày càng thông minh và có thể cạnh tranh, kiểm soát con người, GS Lecun không cho rằng điều đó có thể sẽ xảy ra và nhận định, AI có thể trả lời mọi câu hỏi và hỗ trợ con người trong cuộc sống hằng ngày. Đến một ngày, chúng có thể thông minh hơn con người. Nhưng con người không nên bị đe dọa bởi điều đó, mà nên cảm thấy có cơ hội tận dụng AI để có cuộc sống tốt hơn.
Song hành với sự phát triển, AI cũng đặt ra nhiều thách thức lớn về đạo đức, quyền riêng tư và bảo mật dữ liệu. Khả năng thu thập và phân tích lượng thông tin khổng lồ của AI làm dấy lên những lo ngại về bảo mật thông tin cá nhân và lạm dụng dữ liệu. Do đó, việc áp dụng các biện pháp bảo mật hiện đại và xây dựng quy trình minh bạch là cần thiết để duy trì niềm tin của người dùng, phát triển bền vững.
“Tôi tin rằng các tổ chức và viện nghiên cứu sẽ tối đa hóa lợi ích của công nghệ AI vào những điều tốt đẹp. Chúng ta cần phải tiếp tục phát triển AI thông minh hơn, vì AI thông minh hơn là an toàn hơn”, GS LeCun nói.
Ở Việt Nam, qua làm việc với các đồng nghiệp và sinh viên về lĩnh vực AI, TS Bùi Hải Hưng, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần nghiên cứu và Ứng dụng Trí tuệ nhân tạo VinAI, nhấn mạnh đây là 1 thời kỳ rất đặc biệt, AI có thể hiểu được ngôn ngữ gần như con người. Khi nói với 1 người không cùng ngôn ngữ sẽ phải dùng rất nhiều cách, biểu cảm, ký hiệu nhưng về ngôn ngữ thấu hiểu thì AI đã làm rất tốt.
"Chúng ta có thể tưởng tượng AI có lúc nào đó sẽ phát triển hơn nữa và tôi thấy người trẻ rất phấn khích khi thấy AI có thể làm được nhiều thứ hơn nữa trong tương lai. Và chúng ta sẽ thấy sự tiến triển rất nhanh trong tương lai", ông nói.
Theo chuyên gia, tương lai không chỉ nằm ở việc tạo ra những công nghệ AI mạnh mẽ hơn, mà còn ở việc đưa công nghệ này tới tay của tất cả mọi người.
Tuy nhiên, để chạy được các mô hình AI, cần có cơ sở hạ tầng tiên tiến và tài nguyên tính toán khổng lồ. Điều này tạo ra rào cản lớn trong việc ứng dụng AI rộng rãi, đặc biệt tại các thị trường đang phát triển. Để giải quyết được bài toán này, cần có những biện pháp tối ưu hóa AI, khiến AI đủ hiệu quả, đủ gọn nhẹ để chạy tốt trên các thiết bị và trên các điều kiện cơ sở hạ tầng khác nhau.
Vấn đề đặt ra là khả năng tiếp cận và chi trả chi phí phù hợp để đưa AI đến với mọi người, làm sao để cắt giảm chi phí để mô hình AI hiệu quả hơn. TS Hưng nhấn mạnh cần có phương pháp đồng bộ để AI có thể hiểu được tất cả ngôn ngữ thế giới. Chat GPT là mô hình mã nguồn mở có năng lực mạnh và đc yêu thích vì chạy được trên máy tính và không quá lớn.