12:53 24/03/2021

“Chắc chắn không có việc PGBank sáp nhập vào MSB”

Đào Vũ

Khả năng sáp nhập PGBank vào MSB là một trong những câu hỏi được nhiều cổ đông MSB quan tâm tại đại hội thường niên

Đây là khẳng định của ông Nguyễn Hoàng Linh, Tổng Giám đốc ngân hàng MSB tại Đại hội đồng cổ đông thường niên MSB năm 2021.

Trước đó, hồi trung tuần tháng 5/2020, một "tướng" của MSB là ông Hoàng Xuân Hiệp bất ngờ đầu quân cho PGBank và đảm nhiệm vai trò điều hành và xử lý các công việc của Khối Xử lý và Thu hồi nợ, Phòng Pháp chế và Tuân thủ.

Tiếp đến đầu tháng 11/2020, ông Nguyễn Phi Hùng, nguyên Phó Tổng giám đốc MSB cũng được bổ nhiệm làm Quyền Tổng giám đốc PGBank.

Sau diễn biến trên, thị trường đã đặt dấu hỏi cho việc liệu PGBank sẽ sáp nhập vào MSB.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Hoàng Linh cho biết, khi các nhân sự này chuyển sang PGBank thì đã chấm dứt hợp đồng lao động tại MSB do không còn phù hợp với kế hoạch kinh doanh ngân hàng, đặc biệt với kế hoạch thoái vốn tại FCCOM.

“Quả thật có một số lãnh đạo cũ của MSB đang làm sếp tại PGBank nhưng việc PGBank và MSB về một nhà là điều chắc chắn không thể xảy ra”, ông Linh chia sẻ.

Cũng tại đại hội, MSB đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2021 với tiêu lãi trước thuế đạt 3.280 tỷ đồng, tăng 30% so với năm 2020. Tổng tài sản tăng 8% lên 190.000 tỷ đồng, nợ xấu dưới 3% theo quy định của Ngân hàng Nhà nước

MSB cũng thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 11.750 tỷ đồng lên 15.275 tỷ đồng bằng cách chia cổ tức 2020 bằng cổ phiếu với tỷ lệ 30%. Cổ tức năm 2021, ngân hàng dự kiến chia tỷ lệ tối thiểu 15%.

Với vốn điều lệ tăng thêm 3.525 tỷ đồng, MSB dự kiến sử dụng để bổ sung nguồn vốn trung, dài hạn cho các hoạt động cấp tín dụng, đầu tư trái phiếu chính phủ; đầu tư nâng cấp, cải tạo hệ thống chi nhánh, phòng giao dịch phục vụ hệ thống kênh bán hàng; nâng cao năng lực tài chính, thích ứng với biến động thị trường.

Đối với hoạt động của các công ty con, cuối tháng 12/2020, Hội đồng quản trị MSB đã có Nghị quyết về việc thoái vốn tại MSB AMC để tập trung vào lĩnh vực kinh doanh ngân hàng cốt lõi. Dự kiến giao dịch này sẽ được thực hiện trong năm 2021.

Với Công ty Tài chính TNHH MTV Cộng Đồng (FCCOM), với tổng tài sản gần 622 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu gần 607 tỷ đồng, FCCOM có dư nợ tín dụng 322 tỷ đồng, đem về doanh thu trong năm 2020, đạt 149 tỷ đồng, ghi nhận 2,3 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Tổng giám đốc MSB cho biết, trong bối cảnh nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid – 19, cho vay tiêu dùng trong thời gian qua gặp rất nhiều rủi ro. Do vậy, MSB đang lên kế hoạch chuyển nhượng công ty cho vay tiêu dùng này.

“Hiện ngân hàng đã làm việc với một số đối tác nước ngoài, hy vọng việc chuyển nhượng FCCOM sẽ được hoàn thành trong năm nay”, Tổng giám đốc MSB nói.

Được biết, riêng trong quý 1/2021, các chỉ tiêu kinh doanh của MSB đều tăng trưởng tốt. Trong đó, tiền gửi khách hàng đạt 92.000 tỷ đồng, tăng 11% so với đầu năm; dư nợ tín dụng là 9%, gần hết chỉ tiêu mà Ngân hàng Nhà nước giao là 10,5%; lợi nhuận trước thuế đạt 1.200 tỷ đồng. Các chỉ số ROA và ROE đạt lần lượt 1,7% và 10,3%, hệ số CAR theo Thông tư 41 đạt 9,9%, nợ xấu dưới 2%.

Hiện MSB đã hoàn tất ký độc quyền phân phối bảo hiểm kéo dài 15 năm với Prudential, đầu tháng 4 tới sẽ bắt đầu triển khai trên toàn quốc. Theo lãnh đạo MSB, việc hợp tác độc quyền với Prudential sẽ giúp ngân hàng có một khoản upfront tương đối lớn, giúp thực hiện xử lý một số khoản nợ xấu tồn đọng trong giai đoạn trước, ngoài ra, ngân hàng cũng sẽ có vốn để thực hiện 2 dự án trọng điểm là nâng cấp corebanking và digital factory trong 2 năm tới, đồng thời, đảm bảo tăng trưởng trong hoạt động bancassurance.

Đáng chú ý, đối với nợ quá hạn do ảnh hưởng của Covid – 19, MSB cho biết, nếu áp dụng theo thông tư 01 sửa đổi, tức thoái lãi 30% thì ngân hàng cũng chỉ phải thoái lãi 42 tỷ đồng.