14:30 23/10/2023

Chậm trả lời kiến nghị cử tri, nhiều Bộ, ngành bị điểm tên

Phúc Minh

Một số Bộ, ngành chưa quan tâm đến việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri, chưa trả lời đúng thời hạn với số lượng lớn như: Bộ Tài nguyên và Môi trường; Y tế; Công Thương; Giáo dục và Đào tạo...

Quốc hội nghe Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến Kỳ họp, sáng 23/10. Ảnh - Quochoi.vn.
Quốc hội nghe Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến Kỳ họp, sáng 23/10. Ảnh - Quochoi.vn.

Sáng 23/10, trong phiên khai mạc Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV, Quốc hội đã nghe Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến Kỳ họp.

TÍCH LŨY ĐỦ NGUỒN TÀI CHÍNH ĐỂ THỰC HIỆN CẢI CÁCH TIỀN LƯƠNG

Trình bày nội dung này, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến cho biết, cử tri và Nhân dân đánh giá cao trong bối cảnh khó khăn nhiều hơn thuận lợi, song với sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt của Đảng và Nhà nước, sự nỗ lực của các cấp, các ngành, của cộng đồng doanh nghiệp và sự ủng hộ của các tầng lớp Nhân dân, kinh tế nước ta tiếp tục tăng trưởng, an sinh xã hội được bảo đảm.

Cử tri đánh giá cao việc giải ngân vốn đầu tư công tuy chưa đạt kế hoạch nhưng tăng 5% (tương đương 110.000 tỷ đồng), đã hoàn thành hơn 650 km đường cao tốc; tích lũy đủ tài chính (hơn 500.000 tỷ đồng) để thực hiện cải cách tiền lương theo chủ trương của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. 

Bên cạnh đó, cử tri và Nhân dân còn băn khoăn, lo lắng về tình trạng sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn bấp bênh, thị trường tiêu thụ sản phẩm bị thu hẹp; thu ngân sách Nhà nước gặp khó khăn; triển khai thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Cử tri và Nhân dân mong muốn Đảng, Nhà nước tiếp tục kéo dài thời gian thực hiện các chính sách hỗ trợ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và người dân; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm cho người lao động; có giải pháp hiệu quả hơn nữa để hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ phục hồi phát triển sản xuất kinh doanh.

Về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến cho biết, cử tri và Nhân dân bày tỏ sự tin tưởng và tiếp tục ủng hộ công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng và Nhà nước; tin tưởng vào kết quả điều tra, xét xử các vụ án tham nhũng, tiêu cực, thật sự không có vùng cấm, không có ngoại lệ.

Tuy nhiên, cử tri và Nhân dân còn băn khoăn, trăn trở về tình trạng tham nhũng, tiêu cực ngày một tinh vi hơn, vẫn còn xảy ra tình trạng “tham nhũng vặt”, “nhũng nhiễu” doanh nghiệp và người dân; thậm chí tham nhũng, tiêu cực xảy ra ngay ở một số người làm nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến trình bày báo cáo tổng hợp kiến nghị của cử tri. Ảnh - Quochoi.vn.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến trình bày báo cáo tổng hợp kiến nghị của cử tri. Ảnh - Quochoi.vn.

Cử tri còn bức xúc với tình trạng “quy hoạch treo” dự án đầu tư dở dang ảnh hưởng đến cuộc sống bình thường của người dân; một số người đã đầu tư mua nhà ở, đất ở từ nhiều năm trước đến nay dự án bị dừng, quyền lợi chưa được giải quyết thỏa đáng, gây ra nhiều đơn thư khiếu kiện của người dân.

Ngoài ra, cử tri cũng quan tâm lo ngại về tội phạm lừa đảo, cho vay nặng lãi, đòi nợ kiểu xã hội đen, tổ chức cá độ trên không gian mạng diễn biến phức tạp; tình trạng thiếu giáo viên, thiếu trường, lớp học; một số cơ sở giáo dục lạm thu gây bức xúc cho phụ huynh và học sinh…

THỰC HIỆN HIỆU QUẢ HƠN CÁC CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ NGƯỜI DÂN, DOANH NGHIỆP

Cùng nội dung này, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến cũng nêu một số kiến nghị của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đối với Đảng, Nhà nước.

Theo đó, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam kiến nghị Đảng, Nhà nước chỉ đạo tiếp tục có các giải pháp hiệu lực, hiệu quả hơn nữa hỗ trợ doanh nghiệp và người dân phục hồi phát triển kinh tế, đẩy mạnh đầu tư công, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và góp phần tạo việc làm, ổn định đời sống.

Đồng thời, chỉ đạo các bộ ngành, địa phương kiểm tra, đánh giá tổng thể các nguy cơ về thiên tai, sạt lở đất, cháy nổ, an toàn hồ đập, an toàn giao thông, an toàn khi tổ chức các sự kiện có đông người..., để có giải pháp phù hợp, chủ động đề phòng và xử lý kịp thời khi xảy ra sự cố, bảo đảm an toàn cho người dân. Kiên quyết xử lý các trường hợp thiếu trách nhiệm trong quản lý và thi hành công vụ, công khai danh tính, địa chỉ để Nhân dân giám sát.

Kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ bám sát Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, thảo luận kỹ lưỡng những nội dung còn có ý kiến khác nhau trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), nghiên cứu tiếp thu đầy đủ ý kiến góp ý của cử tri và Nhân dân, nhất là những nội dung liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích chính đáng của người dân khi nhà nước thu hồi đất…

Trình bày báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp, Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình cũng đã chỉ ra nhiều hạn chế.

Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình. Ảnh - Quochoi.vn.
Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình. Ảnh - Quochoi.vn.

Đơn cử như quyền và lợi ích hợp pháp của nhiều người dân bị ảnh hưởng do Bộ, ngành chậm xây dựng, trình ban hành quy định.  

Bên cạnh đó, việc xây dựng trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật của một số Bộ, ngành còn hạn chế, có quy định trong văn bản hướng dẫn chưa phù hợp với luật. Một số kiến nghị của cử tri có phạm vi áp dụng trong toàn quốc nhưng chưa được kịp thời giải quyết.

Cùng với đó, một số kiến nghị của cử tri liên quan đến việc hỗ trợ khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống của người dân đã được các Bộ, ngành nghiên cứu, tiếp thu nhưng đến nay chưa được giải quyết dứt điểm.

Ngoài ra, một số Bộ, ngành trả lời kiến nghị của cử tri không đúng thời hạn theo quy định của pháp luật.

Theo Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình, mặc dù từ nhiều kỳ họp trước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã yêu cầu các Bộ, ngành tập trung giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri đúng thời hạn theo quy định của pháp, nhưng vẫn còn một số Bộ, ngành chưa quan tâm đến việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri.

Từ đó, chưa trả lời đúng thời hạn với số lượng lớn làm ảnh hưởng đến kết quả của hoạt động giám sát, và đại biểu Quốc hội không có thông tin để kịp thời báo cáo với cử tri (Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Y tế; Bộ Công Thương; Bộ Giáo dục và Đào tạo...).

Vì vậy, cử tri kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành tập trung giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri đúng thời hạn theo quy định của pháp luật.