23:55 14/10/2023

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri Hà Nội trước Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV

Hà Lê

Chuẩn bị Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, sáng 14/10, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các thành viên Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, đơn vị bầu cử số 1, tiến hành tiếp xúc cử tri các quận Đống Đa, Ba Đình, Hai Bà Trưng...

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trả lời cử tri. Ảnh: TTXVN
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trả lời cử tri. Ảnh: TTXVN

Cùng tham dự có: Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn; lãnh đạo Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Tổng Bí thư; lãnh đạo các sở, ban, ngành của thành phố Hà Nội.

Tại cuộc tiếp xúc cử tri, Giám đốc Công an TP Hà Nội Nguyễn Hải Trung đã báo cáo về dự kiến chương trình Kỳ họp thứ 6 và Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Nguyễn Phi Thường báo cáo tổng hợp trả lời của các bộ, ngành và thành phố Hà Nội về ý kiến, kiến nghị của cử tri 3 quận trong kỳ tiếp xúc trước…

Sau khi nghe các vấn đề cử tri nêu, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải trân trọng tiếp thu các ý kiến đề cập nhiều vấn đề thiết thực, thể hiện trách nhiệm của cử tri và giải trình một số vấn đề cử tri nêu liên quan thẩm quyền của thành phố.

Toàn cảnh tiếp xúc cử tri. Ảnh: TTXVN
Toàn cảnh tiếp xúc cử tri. Ảnh: TTXVN

Với tư cách thành viên Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết mỗi lần tiếp xúc cử tri lại thấy Thủ đô có nhiều thay đổi, càng ngày càng phát triển, đẹp, văn minh, hiện đại hơn.

Các ý kiến phát biểu ngắn gọn nhưng mang tầm khái quát, sâu sắc, tâm huyết và có trách nhiệm, nêu rõ vấn đề, “gãi đúng chỗ ngứa”, thể hiện trình độ của cử tri ngày càng cao. Các ý kiến được ghi nhận đầy đủ để tổng hợp báo cáo Quốc hội và đề nghị các cơ quan có thẩm quyền trả lời cử tri.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, trước các kỳ họp, đại biểu Quốc hội tiến hành tiếp xúc cử tri, báo cáo nội dung chương trình và tiếp thu ý kiến góp ý của cử tri để tổ chức kỳ họp thành công. Nội dung, kết quả kỳ họp phải thể chế hóa chủ trương của Đảng, từ đó thấm vào trong từng người dân, giúp cho “ý Đảng” luôn luôn quyện với “lòng dân”. Do đó, các cuộc tiếp xúc cử tri phải được tổ chức thiết thực, không hình thức.

Trao đổi với đông đảo cử tri, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắc lại Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất do nhân dân bầu ra, thực hiện quyền lực của nhân dân. Quốc hội thực hiện các chức năng, xây dựng luật pháp, giám sát tối cao và quyết định những vấn đề lớn, quan trọng của đất nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Tổng Bí thư nhấn mạnh, Đảng ta lãnh đạo toàn bộ hệ thống chính trị đề ra đường lối chủ trương, nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ. Đó là ba chân kiềng rất chắc chắn, quan hệ biện chứng với nhau.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu với cử tri quận Đống Đa, quận Ba Đình và quận Hai Bà Trưng. Ảnh: TTXVN
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu với cử tri quận Đống Đa, quận Ba Đình và quận Hai Bà Trưng. Ảnh: TTXVN

Trong đó, mỗi chủ thể đều phải thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, tuân theo Hiến pháp và pháp luật. Các cấp, các ngành phải nắm chắc để thực hiện đúng, nhất là phải gần dân, sát dân, tôn trọng nhân dân, bởi “đẩy thuyền cũng là dân, lật thuyền cũng là dân”.

Chia sẻ một số kết quả quan trọng về chính trị, kinh tế - xã hội, nhất là hoạt động đối ngoại thời gian qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định quan điểm nhất quán đường lối đối ngoại và phong cách "ngoại giao cây tre" gốc vững chắc, nhưng thân mềm dẻo, có tình, có lý, có trước, có sau của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.

Tổng Bí thư mong muốn cử tri và nhân dân Thủ đô tiếp tục đóng góp xây dựng Hà Nội xứng đáng là Thủ đô của nước Việt Nam anh hùng và truyền thống nghìn năm lịch sử.

Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV dự kiến khai mạc vào ngày 23/10/2023 và dự kiến bế mạc vào ngày 29/11/2023. Quốc hội sẽ họp tập trung tại Nhà Quốc hội. Kỳ họp tiến hành theo 2 đợt.

Kỳ họp thứ 6 là Kỳ họp cuối năm đồng thời cũng là kỳ họp có ý nghĩa sơ kết đánh giá giữa nhiệm kỳ đối với việc thực hiện các Kế hoạch 5 năm về phát triển kinh tế - xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, đầu tư công trung hạn, tài chính quốc gia và vay, trả nợ công. Quốc hội sẽ xem xét, quyết định khối lượng rất lớn về công tác lập pháp và giám sát.

Về lập pháp, tại kỳ họp thứ 6, dự kiến Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 9 dự án luật và 3 dự thảo Nghị quyết quy phạm pháp luật; cho ý kiến 8 dự án luật.

Về các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước và các vấn đề quan trọng khác: Quốc hội sẽ xem xét, đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2023 và xem xét, quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2024.

Cùng với đó, Quốc hội xem xét đánh giá giữa nhiệm kỳ về việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch 5 năm 2021 - 2025 về phát triển kinh tế - xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, đầu tư công trung hạn, tài chính quốc gia và vay, trả nợ công.

Quốc hội cũng sẽ xem xét, quyết định việc điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết 53/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành và một số nội dung quan trọng khác theo quy định của pháp luật.

Về giám sát tối cao, Quốc hội sẽ xem xét các báo cáo về công tác tư pháp của Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao về công tác của Tòa án nhân dân, báo cáo công tác của Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao; các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng, công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án năm 2023.

Quốc hội tiến hành giám sát chuyên đề “Việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030”.

Quốc hội cũng sẽ dành ít nhất 2,5 ngày để tiến hành chất vấn lại những vấn đề liên quan đến việc thực hiện lời hứa của các thành viên Chính phủ, của Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao trong việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ họp thứ 4.

Đặc biệt, Quốc hội sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn theo Nghị quyết số 96/2023/QH15 của Quốc hội. Đây là lần lấy phiếu duy nhất trong nhiệm kỳ và cũng là nội dung giám sát đặc biệt quan trọng.