15:41 28/12/2007

Chẩn bệnh đúng để kê thuốc đúng

Tại sao Việt Nam đang có lạm phát cao hơn các nước láng giềng ASEAN mặc dù các nước này cũng bị tác động bởi giá dầu cao?

Nguyên nhân thứ ba của tình trạng lạm phát hiện nay là do những cú sốc lớn không thể kiểm soát như giá dầu và nguyên liệu thô tăng cao trên thị trường toàn cầu.
Nguyên nhân thứ ba của tình trạng lạm phát hiện nay là do những cú sốc lớn không thể kiểm soát như giá dầu và nguyên liệu thô tăng cao trên thị trường toàn cầu.
Bài viết của Giáo sư Kenichi Ohno, Quỹ Phát triển Việt Nam.

Tại sao lạm phát của Việt Nam tăng? Chính xác hơn, tại sao Việt Nam đang có lạm phát cao hơn các nước láng giềng ASEAN mặc dù các nước này cũng bị tác động bởi giá dầu cao?

Lạm phát giá tiêu dùng của Việt Nam đang ở mức trên 10% vào cuối năm 2007 (số liệu của Tổng cục Thống kê là 12,6%), nhưng lạm phát của hầu hết các nước khác trong khu vực năm 2007 lại thấp hơn 5%, trừ Indonesia (xem đồ thị).
Nghiên cứu của Diễn đàn Phát triển Việt Nam (VDF), một dự án nghiên cứu phối hợp giữa trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội (NEU) và Viện Nghiên cứu Chính sách của Nhật Bản (GRIPS), đã chỉ ra ba nguyên nhân của tình hình lạm phát hiện tại của Việt Nam. Hai nguyên nhân đầu liên quan đến tình trạng kinh tế vĩ mô đặc thù của Việt Nam và chỉ nguyên nhân thứ ba là chung cho các nước khác.

Thứ nhất và quan trọng nhất, lạm phát của Việt Nam chủ yếu là do một lượng vốn lớn bên ngoài chảy vào. Với sự ổn định chính trị, một lực lượng lao động cần cù và việc gia nhập WTO đầu năm 2007, Việt Nam được xem như là một ngôi sao đang lên trong các nước đang phát triển.

Người nước ngoài muốn đầu tư, dành viện trợ và mở rộng cho vay với Việt Nam. Ngoài xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa, hiện nay Việt Nam nhận được khoảng 15 tỉ đô la vốn từ bên ngoài (đây là con số của tác giả - con số của các cơ quan nhà nước cao hơn nhiều), tương đương với 25% GDP.

Nguồn vốn này đến dưới các dạng như kiều hối của Việt kiều và của những người lao động nước ngoài, FDI, ODA và các khoản thu từ du lịch. Gần đây, đầu tư vào cổ phiếu và trái phiếu của Việt Nam cũng đã được tính vào khoản vốn này.

Bất kỳ nước nào nhận được một lượng tiền lớn như vậy sẽ có một nền kinh tế quá nóng. Các dấu hiệu của điều này bao gồm bùng nổ tiêu dùng, bùng nổ xây dựng, tăng trưởng cao, lạm phát tăng, bong bóng đất đai và chứng khoán, thâm hụt thương mại, định giá cao tỷ giá hối đoái và dự trữ ngoại tệ tăng lên.

Mặc dù dự trữ ngoại tệ của Việt Nam không được công bố công khai nhưng dường như nó đang tăng nhanh. Và ai cũng có thể cảm thấy rằng Việt Nam đang trở thành một nước đắt đỏ hơn so với trước.

Tuy nhiên, Việt Nam không phải là nước duy nhất nhận được quá nhiều tiền. Thực tế, nhiều nước cũng đang trong tình trạng bùng nổ tương tự, bao gồm Trung Quốc, Nga, Kazakhstan, Anh, Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất, Nigeria, Zambia, Nam Phi, Botswana, Mauritania và Angola.

Kinh tế phát triển quá nóng được tạo bởi một lượng lớn doanh thu từ xuất khẩu hàng hóa như dầu, khí và khoáng sản theo truyền thống được gọi là “Căn bệnh Hà Lan”. Nhưng phát triển quá nóng được tạo ra bởi những nguồn vốn bên ngoài lại chưa có tên. Có lẽ chúng ta có thể gọi là “Căn bệnh Việt Nam”?

Trong sự bùng nổ kinh tế được tạo bởi nguồn vốn bên ngoài, các nhà hoạch định chính sách phải kiểm soát tình hình rất chặt chẽ để tránh sự phát triển quá nóng thành cuộc khủng hoảng kinh tế toàn diện. Một điều cần nhớ là Thái Lan đã có những dấu hiệu như vậy vào đầu những năm 1990 trước khi bùng nổ khủng hoảng đồng baht năm 1997.

Khi một đất nước trở thành nơi ưa thích đối với các nhà đầu tư nước ngoài, các nhà lãnh đạo thường không nhận thức được rằng sự ưa thích này là tạm thời và có thể đảo ngược. Mọi người có khuynh hướng nhận ra bong bóng chỉ sau khi nó đã nổ. Khi Việt Nam hội nhập sâu vào hệ thống tài chính toàn cầu, những bài học từ cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ châu Á phải được xem xét lại.

Không thể chắc chắn là Việt Nam sẽ đối mặt một cuộc khủng hoảng như ở Thái Lan năm 1997. Chúng tôi hy vọng Việt Nam có thể tránh được một cuộc khủng hoảng như vậy. Nhưng kết quả tùy thuộc vào chất lượng của việc quản lý kinh tế vĩ mô trong tương lai gần.

Nguyên nhân thứ hai của lạm phát tăng ở Việt Nam là do chích sách tài chính tích cực. Chính phủ tiếp tục thực hiện một chương trình đầu tư công đầy tham vọng để xây dựng cơ sở hạ tầng nhằm đảm bảo phát triển kinh tế dài hạn. Theo Tổng cục Thống kê, năm 2006 thâm hụt ngân sách của Việt Nam là 5% GDP và đang tăng lên. Nhưng chúng ta phải nhớ rằng đầu tư có hai tác động: phía cung và phía cầu.

Từ phía cung, Việt Nam cần nhiều đường sá, cảng và nhà máy điện trong tương lai. Nhưng từ phía cầu, chi tiêu công tăng trong khi khu vực tư nhân đang bùng nổ là rủi ro. Từ quan điểm này, chính sách tài chính và tiền tệ cần phải thắt chặt vừa phải hơn là mở rộng để kiểm soát tình trạng kinh tế quá nóng và bong bóng.

Đây là một tình trạng tiến thoái lưỡng nan mà các nhà hoạch định kinh tế vĩ mô phải đối mặt. Điều khôn ngoan là Việt Nam cần lắng nghe lời khuyên từ IMF theo đó việc đầu tư công và cấp tín dụng phải được kiềm chế.

Nguyên nhân thứ ba của tình trạng lạm phát hiện nay là do những cú sốc lớn không thể kiểm soát như giá dầu và nguyên liệu thô tăng cao trên thị trường toàn cầu, dịch bệnh như cúm gia cầm, SARS, dịch tiêu chảy cấp và các thảm họa thiên nhiên như bão, lũ lụt. Một số trong những cú sốc đó mang tính toàn cầu và một số khác lại mang tính khu vực hoặc quốc gia.

Các cú sốc này cũng làm tăng lạm phát, nhưng chúng không thể giải thích tại sao giá cả của Việt Nam lại tăng nhanh hơn của các nước ASEAN khác từ năm này qua năm khác. Tập trung quá nhiều vào những nguyên nhân ngẫu nhiên này sẽ cản trở Chính phủ trong việc nhìn nhận hai nguyên nhân chính của lạm phát trên đây và có thể dẫn tới những giải pháp không hiệu quả, chẳng hạn như kiểm soát giá cả và giảm thuế nhập khẩu.

Việt Nam sẽ đối phó với việc nhận được quá nhiều tiền như thế nào? Trước hết, tình hình phải được chẩn đoán chính xác. Nếu vấn đề này được hiểu sai thì sẽ kê đơn thuốc sai và sẽ làm cho mọi thứ tồi tệ hơn.

Thứ hai, dòng vốn đổ vào phải được kiểm soát và nếu cần thiết phải được điều chỉnh. Để thực hiện tốt điều này cần phải học các kinh nghiệm từ cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ châu Á và các cuộc khủng hoảng khác tương tự.

Thứ ba, để hạ nhiệt nền kinh tế, chính sách kinh tế vĩ mô cần phải được thắt chặt vừa phải.

Cuối cùng, Việt Nam cần có một kế hoạch hành động khẩn cấp đối phó với một cú sốc lớn giống như tình hình mà Thái Lan phải trải qua năm 1997. Vì Việt Nam không còn là một nền kinh tế có hệ thống tài chính đóng, bản chất của các vấn đề kinh tế vĩ mô đã thay đổi. Tầm nhìn chính sách cũng phải thay đổi để đối phó với những vấn đề mới này.