09:44 18/12/2023

Châu Âu đương đầu áp lực thay đổi chính sách tiền tệ từ Mỹ

An Huy

Tuần vừa rồi, các ngân hàng trung ương ở châu Âu khẳng định còn quá sớm để “quay xe” trong cuộc chiến chống lạm phát, dù trước đó Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell thể hiện một quan điểm mềm mỏng tới mức bất ngờ về triển vọng chính sách tiền tệ trong thời gian tới...

Chủ tịch ECB Christine Lagarde (trái) và Chủ tịch Fed Jerome Powell - Ảnh: BLoomberg.
Chủ tịch ECB Christine Lagarde (trái) và Chủ tịch Fed Jerome Powell - Ảnh: BLoomberg.

Nhưng dù Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) thể hiện quyết tâm đẩy lùi những đồn đoán trên thị trường về việc họ sẽ sớm cắt giảm lãi suất, giới kinh tế học cho rằng nỗ lực này của các nhà hoạch định chính sách tiền tệ châu Âu có thể thất bại, vì nhà đầu tư đang đặt cược rốt cục cả ECB và BOE sẽ phải “theo chân” Fed phát tín hiệu cắt giảm lãi suất trong năm 2024.

“Về nguyên tắc, các ngân hàng trung ương lớn có thể đi theo một hướng khác so với hướng đi của Fed, nhưng lịch sử đã cho thấy rằng làm như vậy ở mức độ lớn và trong một khoảng thời gian kéo dài là một việc khó”, ông Nathan Sheets - một cựu quan chức Bộ Tài chính Mỹ, hiện đang giữ vị trí trưởng nghiên cứu kinh tế vĩ mô tại công ty đầu tư trái phiếu PGIM Fixed Income - nhận định với tờ Financial Times.

“Những gì Fed đang làm là dọn đường cho việc giảm lãi suất, và một khi Fed trở nên mềm mỏng hơn, các ngân hàng trung ương lớn khác khó có thể giữ được sự cứng rắn như cũ”, ông Sheets nói.

CHÂU ÂU “SỬNG SỐT” KHI FED BẤT NGỜ XOAY TRỤC

Fed đã khởi xướng một “bữa tiệc” trong giới đầu tư tài chính toàn cầu khi đưa ra tuyên bố sau cuộc họp vào hôm thứ Tư vừa rồi với nhận định rằng lạm phát đang xuống thang và dự báo có thể giảm lãi suất 3 lần trong năm 2024. Trong cuộc họp báo sau đó, ông Powell cũng thể hiện một lập trường mềm mỏng hơn những gì mà thị trường kỳ vọng trước đó.

Nguồn thạo tin tiết lộ với Financial Times rằng những phát biểu mềm mỏng của Chủ tịch Fed hôm thứ Tư đã khiến nhiều thành viên hội đồng thống đốc ECB bất ngờ, và sự bất ngờ này đã được họ chia sẻ tại cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ của ECB tại Frankfurt vào hôm thứ Năm. “Nhiều người trong chúng tôi đã ngạc nhiên”, vị này nói, và nhấn mạnh rằng xu hướng giảm gần đây của lợi suất trái phiếu trên toàn cầu cùng với sự xoay trục của Fed có thể hãm bớt tốc độ giảm của lạm phát.

“Cuộc chiến chống lạm phát vì thế sẽ trở nên khó khăn hơn”, ông nói.

Trước khi bước vào cuộc họp chính sách tiền tệ cuối cùng trong năm 2023, Fed được cho là sẽ giữ vững thông điệp cứng rắn bấy lâu rằng còn quá sớm để nói đến cắt giảm lãi suất vì triển vọng kinh tế có nhiều bấp bênh. Nhưng ông Powell phát tín hiệu có thể xem xét giảm lãi suất trong năm tới vì chính sách tiền tệ với mức độ thắt chặt như hiện nay đã khiến nền kinh tế giảm tốc đủ để đưa lạm phát trượt dần về mục tiêu 2%.

 

Việc phần lớn các quan chức Fed dự báo lãi suất giảm tổng cộng 0,75 điểm phần trăm trong năm 2024 và tròn 1 điểm phần trăm nữa trong năm 2025 cũng phản ánh kỳ vọng của ngân hàng trung ương này rằng lạm phát sẽ giảm mạnh trong 2 năm tới.

“Mục đích của ông Powell và các đồng nghiệp của ông ấy là ngăn sự giảm tốc hiện nay của nền kinh tế dẫn tới một cuộc suy thoái. Nhưng điều kiện tài chính được nới lỏng sẽ chỉ giảm chứ không thể loại trừ rủi ro lớn gây suy giảm tăng trưởng do áp lực lạm phát tăng lên”, một báo cáo của ngân hàng Citigroup nhận định.

Trong các tuyên bố đưa ra vào ngày thứ Năm, ECB và BOE nói rõ họ chưa thể tự tin rằng lạm phát dai dẳng đã được khống chế. Cả hai ngân hàng trung ương này đều nói muốn có thêm bằng chứng rõ rệt về sự giảm nhiệt của thị trường lao động và sự xuống thang của áp lực tăng giá mới có thể cân nhắc dịch chuyển chính sách.

BOE vẫn rất bi quan về lạm phát, dù dự báo nền kinh tế đi ngang trong quý 4 năm nay, nhấn mạnh rằng Anh đang đối mặt với mức lạm phát giá dịch vụ và tiền lương cao hơn so với ở Mỹ và eurozone. Tuyên bố của BOE nói với rủi ro tăng lạm phát vẫn còn đó, các nhà hoạch định chính sách tiền tệ vẫn sẵn sàng tăng lãi suất lên cao hơn.

“Có vẻ BOE không hề có được chút thoải mái nào khi chứng kiến áp lực giá cả giảm bớt ở Mỹ và Eurozone”, chuyên gia Ruth Gregory của Capital Economics nhận định, và nói thêm rằng tuyên bố của BOE “cho thấy ngân hàng trung ương này vui vẻ với việc khởi động động cắt giảm lãi suất sau Fed và ECB”.

Tại họp báo sau cuộc họp của ECB, Chủ tịch ECB Christine Lagarde được nhiều nhà báo hỏi liệu bao giờ ECB sẽ bắt đầu giảm lãi suất. Thay vì đưa ra một mốc thời gian cụ thể, bà Lagarde nói rằng có một “bình nguyên” giữa lần tăng lãi suất gần đây nhất vào tháng 9 với lần giảm lãi suất đầu tiên, và ECB sẽ không nhảy từ tăng lãi suất ngay sang giảm lãi suất.

Tuy nhiên, thị trường tài chính không cảm thấy bị thuyết phục với thông điệp này từ người đứng đầu ECB. Sau cuộc họp của ngân hàng trung ương này, thị trường bắt đầu định giá khả năng Fed và ECB đều cắt giảm lãi suất 6 lần, với tổng lượng cắt giảm là 1,5 điểm phần trăm, trong năm 2024. BOE được cho là sẽ giảm lãi suất ít nhất 4 lần trong năm tới.

Nhiều nhà đầu tư tin rằng một khi Fed bắt đầu giảm lãi suất, ECB sẽ đối mặt với sức ép gia tăng phải hành động theo, vì khi đó áp lực tăng giá so với đồng USD của đồng euro sẽ tăng lên, gây ảnh hưởng bất lợi đến các nhà xuất khẩu châu Âu. Ngoài ra, đồng euro tăng giá cũng làm giá nhập khẩu hàng hoá vào eurozone, giúp giải toả bớt áp lực lạm phát trong khu vực.

RỦI RO KHI ĐIỀU KIỆN TÀI CHÍNH NỚI LỎNG

Nhưng mặt khác, thị trường trái phiếu toàn cầu tiếp tục tăng do kỳ vọng Fed sắp giảm lãi suất sẽ khiến điều kiện tài chính trở nên nới lỏng hơn, kích thích tăng trưởng kinh tế và sự tăng giá ở eurozone, qua đó khiến lạm phát ở khu vực này dai dẳng hơn.

“Tôi không cho là chỉ vì Fed giảm lãi suất mà ECB cũng phải giảm theo”, ông Dirk Schumacher - cựu chuyên gia kinh tế của ECB và hiện làm việc tại ngân hàng Pháp Natixis - nhận định. “ECB có quán tính lớn hơn so với Fed theo cả hai hướng, nghĩa là ECB chậm hơn trong việc phản ứng với lạm phát khi lạm phát tăng, và giờ đây, họ muốn đảm bảo chắc chắn là đã thắt chặt đủ để kéo lạm phát xuống”.

Bên cạnh đó, sứ mệnh của Fed bao trùm cả vấn đề lạm phát và việc làm, còn ECB chỉ tập trung vào ổn định giá cả, nên không có được dư địa lớn như Fed để cắt giảm lãi suất cho mục đích hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. “Fed có mức độ nhạy cảm lớn hơn với tăng trưởng, và tăng trưởng ở Mỹ đang chậm lại”, ông Schumacher nói.

Nhà kinh tế cấp cao Martin Wolburg của General Investments cho rằng ECB sẽ thận trọng một cách có chủ đích với việc giảm lãi suất, và đó là lý do vì sao bà Lagarde “muốn pha loãng ly rượu vang đồn đoán cắt giảm lãi suất”.

“Họ muốn chờ có thêm xác nhận rằng lạm phát đang giảm, để xác định xem những rủi ro lạm phát tăng mà họ nhận diện có trở thành hiện thực hay không, và quan trọng hơn để xem các thoả thuận tiền lương có quá mạnh hay không. Tôi thấy có vẻ như ECB muốn đợi cho tới giữa năm 2024”, ông Wolburg nhận định.

Bà Lagarde nói với các nhà báo rằng quyết định lãi suất của ECB sẽ “tuỳ thuộc vào dữ liệu kinh tế chứ không tuỳ thuộc vào thời gian”. Câu trả lời này phản ánh sự đồng thuận giữa các thành viên hội đồng thống đốc ECB rằng họ sẽ không đưa ra bất kỳ một định hướng nào về thời điểm có thể cắt giảm lãi suất.

“Hoàn toàn không có một định hướng cụ thể nào về thời điểm. Đó là sự đồng thuận của hội đồng”, một quan chức dự họp tiết lộ.

“Hơn cả Fed, ECB không muốn mắc sai lầm thêm lần nữa về lạm phát. Trước đây, họ đã đánh giá thấp về lạm phát, và bây giờ, nỗi sợ đó của họ đảm bảo chắc chắn rằng họ sẽ chậm chân trong việc cắt giảm lãi suất”, trưởng nghiên cứu vĩ mô của ngân hàng Hà Lan ING, ông Carsten Brzeski, nói.

Đối với Mỹ, mối lo lớn nhất bây giờ là sự xoay trục của Fed có thể khiến điều kiện tài chính trở nên nới lỏng, và chính Fed sẽ cản trở nỗ lực của mình trong việc đưa áp lực giá cả về tầm kiểm soát.

“Khi điều kiện tài chính nới lỏng hơn, ảnh hưởng của chính sách tiền tệ thắt chặt đối với nền kinh tế sẽ suy yếu. Những điều kiện duy trì bấy lâu nay - làm nền kinh tế chậm lại và lạm phát xuống thang - đang bắt đầu ‘bay màu’”, ông Sheets nhận định.