14:43 08/05/2015

Châu Âu sắp hết kiên nhẫn với Hy Lạp

DIỆU MINH

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đang mất dần kiên nhẫn với Athens

Việc ECB không còn nhiệt tình với việc hỗ trợ Hy Lạp có thể gây ra vấn 
đề lớn cho nước này bởi ECB chính là chủ nợ lớn nhất và cũng là nguồn hỗ
 trợ tài chính cho các ngân hàng thương mại đang gặp khó khăn của Hy 
Lạp - Ảnh: Reuters.<br>
Việc ECB không còn nhiệt tình với việc hỗ trợ Hy Lạp có thể gây ra vấn đề lớn cho nước này bởi ECB chính là chủ nợ lớn nhất và cũng là nguồn hỗ trợ tài chính cho các ngân hàng thương mại đang gặp khó khăn của Hy Lạp - Ảnh: Reuters.<br>
Hy Lạp mới đây tiến hành một cuộc vận động qua con đường ngoại giao trên khắp châu Âu nhằm đảm bảo có được sự hỗ trợ tài chính mà nước này rất cần để tránh bị vỡ nợ, tờ New York Times cho biết.

Tuy nhiên, đa số thành viên có ảnh hưởng của Hội đồng Điều hành Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) tỏ ra không hài lòng với sự liên đới ngày càng lớn của ECB với Hy Lạp. Các thành viên này lo ngại hội đồng đã nới lỏng các quy định nhằm tăng cường hỗ trợ các ngân hàng yếu kém của Hy Lạp do tác động của suy thoái kinh tế ở nước này.

Việc ECB không còn nhiệt tình với việc hỗ trợ Hy Lạp có thể gây ra vấn đề lớn cho nước này bởi ECB chính là chủ nợ lớn nhất và cũng là nguồn hỗ trợ tài chính cho các ngân hàng thương mại đang gặp khó khăn của Hy Lạp.

Ngân hàng Trung ương Châu Âu đã cho các ngân hàng Hy Lạp vay khoảng 110 tỷ Euro, tương đương 120 tỷ USD. Đây là khoản vay lớn nhất mà ECB từng cung cấp cho một nước xét theo tương quan với quy mô nền kinh tế. Các ngân hàng Hy Lạp cần có khoản vay này để cung ứng vốn cho nền kinh tế.

Trong những tháng qua, ECB đã liên tiếp phải nâng hạn mức hỗ trợ tiền mặt khẩn cấp cho các ngân hàng Hy Lạp. Cuối tháng hai vừa qua, các nhà lãnh đạo châu Âu đạt được hỏa thuận gia hạn chương trình cứu trợ tài chính trị giá 240 tỷ Euro cho Hy Lạp và giải ngân thêm 7,2 tỷ Euro từ gói cứu trợ đó.

Hiện tình hình của Hy Lạp không khả quan. Ngay cả khi nước này đủ khả năng trả nợ IMF vào tuần tới như dự kiến, Hy Lạp vẫn đang rất cần nguồn vốn bổ sung để tránh bị vỡ nợ khi đến hạn trả các khoản nợ hàng tỷ Euro trong các tuần sau đó.

Hiện không ai có thể hình dung được hết tác động tài chính và chính trị với khối đồng tiền chung châu Âu khi nếu Hy Lạp vỡ nợ, hoặc bắt buộc hay tự nguyện rời cộng đồng này.

Trong vài tháng qua, sự bế tắc và căng thẳng giữa Hy Lạp và các chủ nợ ngày càng trở nên rõ rệt. Các chủ nợ đã nhiều lần thu hồi các khoản hỗ trợ và yêu cầu Hy Lạp cung cấp danh sách các biện pháp mà nước này sẽ thực hiện nhằm tăng thu thuế, giảm chi tiêu và tái thiết nền kinh tế cho đến khi họ thấy thỏa đáng.

Nếu Ngân hàng Trung ương châu Âu giảm hỗ trợ, các ngân hàng Hy Lạp có thể phải áp dụng các biện pháp quyết liệt, như hạn chế lượng tiền người gửi có thể rút ra.

Nếu chủ nợ không tăng viện trợ, Hy Lạp sẽ gặp khó khăn trong thời gian tới khi đến hạn phải trả nhiều khoản nợ. Tính đến giữa tháng 7, nước này sẽ phải trả IMF gần 3 tỷ Euro cùng với 11 tỷ Euro các khoản nợ ngắn hạn. Đến tháng 8, Hy Lạp cũng phải trả ECB khoảng 6,7 tỷ Euro.

Ủy ban Châu Âu mới đây cũng cắt giảm mạnh mức dự báo cho kinh tế Hy Lạp. Theo đó, bất ổn chính trị sẽ cản trở kinh tế hồi phục và làm tăng các khoản nợ.

Theo các nhà kinh tế, Hy Lạp chỉ bắt đầu phục hồi sau 5 năm suy thoái và nguy cơ rơi trở lại vào suy thoái là rất lớn.