Châu Âu vẫn tranh cãi nảy lửa về trần giá dầu Nga
Ba Lan nói họ không thể chấp nhận mức trần quá 30 USD/thùng. Cyprus đòi bồi thường. Hy Lạp muốn có thêm thời gian. Không thể có ngay một trần giá được...
Các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) ngày 23/11 không thể đạt được một thoả thuận về việc nên áp trần giá ở mức nào đối với dầu thô Nga vận chuyển bằng đường biển. Theo dự kiến, cuộc thảo luận căng thẳng này sẽ được nối lại vào ngày 24 hoặc 25/11.
Theo tin từ hãng tin Reuters, đại diện 27 quốc gia thành viên EU đã có cuộc gặp ở Brussels, Bỉ để thảo luận về vấn đề áp trần giá dầu Nga. Việc áp một mức trần lên dầu thô Nga xuất khẩu bằng đường biển là kế hoạch do nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) khởi xướng. G7 đã đề xuất mức trần giá từ 65-70 USD/thùng, nhưng mức này bị cho là quá cao đối với một số nước trong EU và quá thấp đối với một số nước khác trong khối.
“Vẫn đang có những bất đồng về mức trần giá. Chúng tôi cần các cuộc thảo luận song phương”, một nhà ngoại giao EU nói với Reuters. “Cuộc họp tiếp theo của đại sứ các nước thành viên EU sẽ diễn ra vào tối ngày mai hoặc vào ngày thứ Sáu.
Nhóm G7 trong đó có Mỹ, cùng tất cả các nước EU và Australia dự kiến sẽ thực thi kế hoạch áp trần giá lên dầu Nga từ ngày 5/12. Biện pháp này là một phần trong sự trừng phạt nhằm siết chặt nguồn thu của Moscow từ xuất khẩu dầu, từ đó khiến Nga suy yếu trong cuộc chiến tranh ở Ukraine.
Tuy nhiên, việc áp trần giá ở mức nào là một vấn đề gây tranh cãi kịch liệt suốt từ khi kế hoạch được khởi xướng.
Ba Lan, Lithuania và Estonia đều cho rằng mức trần 65-70 USD/thùng sẽ mang lại cho Nga lợi nhuận quá cao, vì chi phí sản xuất dầu của Nga chỉ vào khoảng 20 USD/thùng.
Trái lại, Cyprus, Hy Lạp và Malta - những nước có ngành công nghiệp vận tải biển quy mô lớn và đối mặt với thiệt hại nếu hoạt động vận chuyển dầu đường biển của Nga gặp khó khăn - lại cho rằng trần giá này quá thấp, đồng thời đòi bồi thường thiệt hại kinh doanh hoặc có thêm thời gian để thích ứng.
“Ba Lan nói họ không thể chấp nhận mức trần quá 30 USD/thùng. Cyprus đòi bồi thường. Hy Lạp muốn có thêm thời gian. Không thể có ngay một trần giá được”, một nhà ngoại giao EU khác nói.
Khoảng 70-85% dầu thô xuất khẩu của Nga được vận chuyển bằng tàu biển thay vì đường ống dẫn dầu. Ý tưởng áp trần giá lên dầu Nga nhằm không cho phép các công ty vận tải biển, bảo hiểm và tái bảo hiểm cung cấp dịch vụ cho các lô dầu Nga trừ phi dầu đó được bán không quá trần giá mà G7 cùng các đồng minh của nhóm này đặt ra.
Do các công ty vận tải biển và bảo hiểm chủ chốt đều đặt tại các nước G7, việc áp trần giá sẽ khiến cho Nga rất khó bán được dầu - mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Nga và nước này chiếm khoảng 10% tổng nguồn dầu toàn cầu - với giá cao hơn.
Cùng với đó, chi phí sản xuất được ước tính ở mức khoảng 20 USD/thùng, trần giá vẫn cho phép Nga có lợi nhuận khi bán dầu, và do đó sẽ ngăn được tình trạng thiếu hụt nguồn cung dầu trên toàn cầu.
Dầu thô Urals của Nga bán cho khách hàng Tây Âu hiện đang giao dịch ở mức giá 62-63 USD/thùng, và giá bán cho khách ở khu vực Địa Trung Hải có cao hơn, trong khoảng 67-68 USD/thùng - theo dữ liệu từ Refinitiv.
Các quan chức ngoại giao EU nói rằng hầu hết các nước EU, dẫn đầu là hai thành viên G7 gồm Pháp và Đức, ủng hộ việc áp trần giá nhưng lo ngại về khả năng thực thi được đúng mức trần đề ra. Một quan chức cấp cao của Bộ Tài chính Mỹ nói rằng trần giá dầu Nga có thể sẽ được điều chỉnh vài lần một năm.