08:56 01/11/2014

Chỉ tiêu kinh tế: "Tiêu tiền thì đạt, kiếm tiền thì không”

Nguyên Hà

Với kế hoạch 5 năm, các chỉ tiêu về tiêu tiền thì đạt, còn các chỉ tiêu làm ra tiền thì không đạt

Theo đại biểu Nguyễn Đức Kiên, các chỉ tiêu phát triển kinh tế đều không đạt như tốc độ tăng GDP, tổng đầu tư toàn xã hội, bội chi ngân sách, tỷ lệ huy động thuế, phí vào ngân sách… Trong khi đó thì nợ công, nợ chính phủ, nợ quốc gia và CPI đều đạt và vượt kế hoạch.
Theo đại biểu Nguyễn Đức Kiên, các chỉ tiêu phát triển kinh tế đều không đạt như tốc độ tăng GDP, tổng đầu tư toàn xã hội, bội chi ngân sách, tỷ lệ huy động thuế, phí vào ngân sách… Trong khi đó thì nợ công, nợ chính phủ, nợ quốc gia và CPI đều đạt và vượt kế hoạch.
Với kế hoạch 5 năm, các chỉ tiêu về tiêu tiền thì đạt, còn các chỉ tiêu làm ra tiền thì không đạt. Đây là phát hiện của Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Đức Kiên tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội của Quốc hội, chiều 31/10.

Báo cáo của Chính phủ cho biết, 15/20 chỉ tiêu của kế hoạch 5 năm 2011- 2015 đạt nhiệm vụ đề ra.

Nhưng, từ góc nhìn của người nghiên cứu kinh tế vĩ mô, ông Kiên phân tích, các chỉ tiêu phát triển kinh tế đều không đạt như tốc độ tăng GDP, tổng đầu tư toàn xã hội, bội chi ngân sách, tỷ lệ huy động thuế, phí vào ngân sách…

Trong khi đó thì nợ công, nợ chính phủ, nợ quốc gia và CPI đều đạt và vượt kế hoạch.

“Trong bối cảnh nền kinh tế đang khó khăn như thế, mà chúng ta cứ đưa ra những chỉ tiêu để tiêu tiền, liệu chúng ta có nuôi được nguồn thu cho ngân sách nhà nước không, hay đấy là một trong những nguyên nhân làm cho nợ công tăng lên, phát hành trái phiếu tăng lên”, ông Kiên sốt ruột.

Dẫn thông tin từ trình bày của Bộ trưởng Bộ Tài chính trước Quốc hội trong phiên thảo luận chiều 30/10, đại biểu Kiên nhấn mạnh là bắt đầu từ 2011 đã phải phát hành trái phiếu để đảo nợ.

Chuông báo hết 7 phút, ông Kiên xin nói thêm một câu, đó là chiến lược nợ công của Thủ tướng quy định đến 2020 (chứ không phải 2015) trần nợ công là 65% GDP, nhưng đến hết 2015 đã là 64% GDP. “Như vậy là chúng ta đã tiêu hết của cả 6 năm về sau”, ông Kiên nói.

Nhận xét báo cáo về vấn đề nợ công tại kỳ họp lần này là nhiều nhất, đầy đủ nhất so với tất cả các kỳ họp trước đây, song đại biểu Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) cho rằng “vấn đề là ở chỗ qua các báo cáo của Chính phủ và Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho thấy tình hình nợ công khiến cho đại biểu Quốc hội thấy không yên tâm”.

Bởi dễ dàng nhận thấy dư nợ công trong năm qua tăng nhanh về số tuyệt đối, tiến nhanh đến ngưỡng Quốc hội cho phép và chưa có dấu hiệu giảm đi.

Theo đại biểu Sơn, không thể yên tâm khi nghĩa vụ trả nợ hàng  năm tăng lên trong bối cảnh thu ngân sách hết sức khó khăn nên chỉ có thể bố trí trên dưới 25% để trả nợ, thấp hơn nghĩa vụ phải trả.

Và thực tế nguồn thực trả từ ngân sách cũng chỉ chiếm có 14% trong tổng 25%, phần còn lại là do động tác thực hiện đảo nợ. Tích lũy nợ công ngày càng tăng, chưa biết khi nào chúng ta mới trút hết được gánh nợ nợ công này, đại biểu Sơn lo ngại.

Nhắc lại ý kiến của đại biểu Nguyễn Đức Kiên là 2015 đã tiêu hết cả phần được vay đến 2020, ông Sơn sốt ruột khi ngành nào cũng muốn thêm tiền, địa phương nào cũng muốn thêm tiền, đến lúc đó nợ công chắc chắn sẽ còn rất căng thẳng.

Dẫn thông tin từ phát biểu của đại biểu Đỗ Thị Hoàng, là bình quân nợ công của ỗi người Việt Nam đang phải gánh năm 2013 là 900 USD và năm 2014 có khả năng là thêm 10 triệu tiền Việt nữa và sẽ còn tăng nữa, ông Sơn chốt lại rằng “chúng ta không thể không lo”.

Tình hình nợ công đáng lo như vậy, nhưng theo đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng (Bình Dương) thì kỷ luật tài khóa lại chưa nghiêm.

Cụ thể, báo cáo của Chính phủ cho thấy ngành nào, lĩnh vực nào cũng vượt chi. Tiêu biểu như chi sự nghiệp kinh tế vượt chi hơn 4.400 tỷ đồng, chi giáo dục đào tạo, dạy nghề vượt chi hơn 1.500 tỷ đồng. Chỉ có ngành dân số, kế hoạch hóa gia đình và chi sự nghiệp khoa học, công nghệ không có chi vượt.

“Kỷ luật tài khóa như vậy là kém, trong tình hình khó khăn về ngân sách như hiện nay, nơi nào, ngành nào vượt chi cần phải biết xấu hổ, người dễ dãi cho phép vượt chi cũng nên phải biết xấu hổ”, đại biểu Đáng nói.