Chiến lược mới của “tân binh” Tổng công ty Giải pháp doanh nghiệp Viettel
Ngày 15/10, Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel đã tổ chức ra mắt Tổng công ty Giải pháp Doanh nghiệp Viettel
Khi những khái niệm cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 còn khá mới mẻ với Việt Nam, thì Viettel đã nghiên cứu những công nghệ mới và ứng dụng vào các sản phẩm phục vụ Chính phủ, doanh nghiệp và người dân. Tiếp tục ứng dụng 4.0 lan tỏa cộng đồng, tìm ra những giải pháp cụ thể cho từng nhóm đối tượng khách hàng khác nhau, Viettel nhấn mạnh việc hợp tác và kết nối để đi xa hơn với các đối tác hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ thông tin trên thế giới và trong nước để đưa đến những trải nghiệm tốt hơn cho khách hàng.
Ngày 15/10, Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel đã tổ chức ra mắt Tổng công ty Giải pháp Doanh nghiệp Viettel. Phát biểu tại buổi lễ, Thiếu tướng Lê Đăng Dũng - Chủ tịch Tập đoàn Viettel Viettel chính thức ra mắt Tổng công ty Giải pháp doanh nghiệp để đánh dấu những bước chuyển dịch đầu tiên của Viettel tại giai đoạn thứ 4 - giai đoạn kinh doanh toàn cầu và 4.0 với sứ mệnh: Đồng hành cùng Chính phủ xây dựng thành công một "Chính phủ kiến tạo - Chính phủ số", hợp tác cùng các doanh nghiệp và người dân để giải quyết các vấn đề của xã hội, mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho mọi người…
Ứng dụng 4.0 lan tỏa cộng đồng
Cách đây 8 năm, khi "cách mạng công nghiệp 4.0" hay "Chính phủ điện tử" còn là một khái niệm mơ hồ thì Viettel đã ấp ủ giấc mơ Chính phủ điện tử, chính phủ số, hướng đến số hóa nền kinh tế một cách nhanh nhất, hiệu quả và hiện đại nhất. Với sự quyết tâm, đầu tư bài bản và hành động triệt để, Viettel đã xây dựng những nền tảng ban đầu, được Chính phủ lựa chọn trở thành một trong những đơn vị tư vấn cho Chính phủ xây dựng "Chính phủ điện tử".
Theo đó, Viettel đã triển khai hệ thống quản lý văn bản và hồ sơ công việc có kết nối gửi nhận văn bản tới tất cả các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp nhà nước. Trong lĩnh vực y tế, hệ thống thông tin tiêm chủng quốc gia, hệ thống quản lý bệnh truyền nhiễm, hệ thống Hồ sơ sức khỏe cá nhân được triển khai tại hàng hàng cơ sở y tế.
Trong lĩnh vực giáo dục, Viettel đã hỗ trợ hoàn toàn miễn phí internet đến hơn 30.000 trường học trên cả nước, triển khai tới 23.000 trường học phần mềm quản lý trường học SMAS và kết nối với hệ thống cơ sở dữ liệu chung. Và còn rất nhiều sản phẩm có giá trị nhân văn khác như hệ thống cảnh báo cháy, hệ thống giám sát tàu thuyền,…
Đại diện Bộ Y tế cho biết việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin để phục vụ chăm sóc sức khỏe con người là ngày càng cần thiết. Do đó, từ nhiều năm nay Bộ Y tế đã phối hợp cùng Viettel triển khai một số ứng dụng công nghệ vào quản lý để nâng cao chất lượng, hiệu quả dịch vụ.
Đơn cử như với hệ thống tiêm chủng quốc gia, mỗi cháu bé đều có một ID (mã thông tin), có thể cập nhật và theo dõi đầy đủ quá trình tiêm chủng từ khi sinh ra, trưởng thành đến khi cao tuổi ở bất cứ địa phương nào.
Hoặc hệ thống theo dõi bệnh truyền nhiễm và hồ sơ y tế sức khỏe cá nhân cũng giúp quản lý được lịch sử và hồ sơ sức khỏe của mỗi người, phục vụ cho việc phòng và điều trị bệnh tốt hơn.
Tìm giải pháp hiệu quả
Đó là những nền tảng đầu tiên mà Viettel đã xây dựng, bước đầu thiết lập được hệ thống kết nối trên nền tảng công nghệ 4.0 phục vụ cho cộng đồng. Tuy nhiên, theo ông Phùng Văn Cường, Tổng giám đốc Tổng công ty Giải pháp doanh nghiệp Viettel, trong bối cảnh cạnh tranh hiện nay, Viettel cần tiếp tục thay đổi để có những sự đầu tư nghiêm túc, bài bản hơn.
Do đó, ông Cường cho biết Viettel đặt ra sứ mệnh là "Đồng hành cùng Chính phủ, doanh nghiệp và cộng đồng trong việc tận dụng các cơ hội, giải quyết các vấn đề, thách thức mà cách mạng công nghiệp 4.0 mang đến cho xã hội".
Trên cơ sở nền tảng hạ tầng công nghệ 4.0 đã được xây dựng, Viettel đặt mục tiêu phải nhanh chóng số hóa các thủ tục hành chính, đưa ra các đề xuất giúp Chính phủ trong việc hoạch định, quy hoạch các chính sách, hạ tầng. Những dự án mà Viettel đang tham gia như: Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; Cơ sở dữ liệu đất đai; bảo hiểm xã hội; Trung tâm điều hành Chính phủ và Chính phủ không giấy tờ.
Bên cạnh đó là việc xây dựng các hệ thống một cửa liên thông và dịch vụ công trực tuyến: một cửa Quốc gia, một cửa Asean; tiêm chủng quốc gia; quản lý thuốc; hệ thống hộ tịch điện tử;…
Bên cạnh đó, Tổng công ty thứ sáu của Viettel cũng tiếp tục hành trình "kinh doanh đi liền với trách nhiệm xã hội" của Tập đoàn Viettel bằng việc cho ra đời các giải pháp công nghệ thông minh có giá trị nhân văn, thực tiễn cao và giải quyết các vấn đề nóng của xã hội thông qua việc triển khai các hệ thống cảnh báo thiên tai giúp cảnh báo trước các nguy cơ, giúp giảm thiểu ảnh hưởng về con người, tài sản; sản phẩm cảnh báo cháy nhanh; thiết bị Giám sát tàu cá để chủ động cảnh báo, kịp thời ứng phó với các tai nạn, rủi ro trên biển, giúp quá trình cứu hộ, cứu nạn trên biển trở nên dễ dàng hơn.
Ông Phùng Văn Cường - Tổng giám đốc Tổng công ty Giải pháp doanh nghiệp Viettel cũng nhấn mạnh việc hợp tác và kết nối để đi xa hơn. Viettel xác định rõ sẽ không đi một mình trong cuộc cách mạng 4.0 bởi một mình Viettel không thể làm tất cả mọi việc, nhất là với khối lượng công việc, dự án khổng lồ sẽ thực hiện cho chính phủ, tỉnh thành, doanh nghiệp và người dân.
Viettel sẽ chỉ đảm đương 20-30% lượng công việc như thực hiện xây dựng các hạ tầng, khung kiến trúc của smartcity để thuận lợi cho quá trình kết nối các địa phương hay thực hiện việc tích hợp trên các nền tảng lớn của Microsoft, IBM hay chính những doanh nghiệp của Việt Nam, công ty khởi nghiệp, 70% còn lại Viettel sẽ kết hợp với các đối tác, các nguồn lực có chung định hướng phát triển với Viettel và có sản phẩm tốt.