15:26 20/09/2018

Chính phủ muốn sửa 90% Luật Quản lý thuế

Nguyễn Lê

Chính phủ cho rằng việc sửa đổi Luật Quản lý thuế ở thời điểm hiện nay là hết sức cần thiết

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi)
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi)

Chiều 20/9 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi).

Theo tờ trình, Chính phủ cho rằng việc sửa đổi Luật Quản lý thuế ở thời điểm hiện nay là hết sức cần thiết.

Cần điều chỉnh 108 điều 

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, qua rà soát, có 108 điều quy định trong Luật Quản lý thuế hiện hành cần được điều chỉnh, chiếm khoảng 90% tổng số điều. Mặt khác có nội dung quan trọng đối với công tác quản lý thuế như: nguyên tắc quản lý, trách nhiệm, quyền hạn của các cơ quan có liên quan, cải cách hành chính trong quản lý thuế, chứng từ điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin, chống chuyển giá, xói mòn cơ sở thuế...cần được bổ sung, sửa đổi. 

Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) bao gồm 17 chương, 153 điều, về cơ bản có phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng như Luật Quản lý thuế hiện hành.

Một số sửa đổi đáng chú ý là dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) quy định tập trung thẩm quyền xóa nợ cho Bộ trưởng Bộ Tài chính và cơ quan quản lý thuế. Theo đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính xóa nợ từ 5 tỷ đồng trở lên. Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế và Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan xóa nợ từ 1 tỷ đến dưới 5 tỷ đồng. Đồng thời, bổ sung quy định phân cấp cho Cục trưởng Cục thuế và Cục trưởng Cục Hải quan xóa nợ đối với trường hợp nợ dưới 1 tỷ đồng.

Liên quan đến điều tra thuế, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng trình bày, theo quy định pháp luật hiện hành, cơ quan hải quan có chức năng điều tra và khởi tố vụ án, tuy nhiên đối với cơ quan thuế thì không có chức năng này. Qua rà soát các văn bản pháp luật, Chính phủ thấy rằng các văn bản pháp luật (Luật tố tụng hình sự) không quy định cơ quan thuế có chức năng điều tra, khởi tố vụ án.

Trong quá trình thảo luận, lấy ý kiến về dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi) cho thấy còn có ý kiến khác nhau về chức năng điều tra thuế.

Loại ý kiến thứ nhất cho rằng, theo Luật Quản lý thuế hiện hành, cơ quan quản lý thuế thực hiện quản lý thuế theo chức năng, trong đó có chức năng thanh tra, kiểm tra. Qua thanh tra, kiểm tra cơ quan quản lý thuế đã xác định số thu về thuế phải nộp cho nhà nước, phát hiện các trường hợp vi phạm, đồng thời đã chuyển nhiều hồ sơ vụ việc sang cơ quan công an để điều tra và xử lý. Vì vậy, cơ chế này là phù hợp trong tình hình bối cảnh hiện nay, không nhất thiết bổ sung chức năng điều tra cho cơ quan thuế.  

Loại ý kiến thứ 2, để tăng cường thẩm quyền cho cơ quan thuế thực thi công tác quản lý thuế có hiệu quả, mặt khác để giảm áp lực hình sự hoá các hoạt động kinh tế, theo kinh nghiệm quốc tế, đề nghị cần bổ sung chức năng điều tra cho cơ quan thuế tương tự như cơ quan hải quan.

Hiện tại dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) đang thiết kế theo loại ý kiến thứ nhất. Trường hợp Quốc hội quyết định bổ sung chức năng điều tra cho cơ quan thuế, Chính phủ sẽ bổ sung 1 chương riêng để quy định nội dung này, Bộ trưởng Dũng báo cáo.

Còn quá nhiều điều giao Chính phủ quy định 

Thẩm tra dự án luật, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cơ bản đồng tình với nhiều nội dung Chính phủ trình.

Tuy nhiên, Thường trực cơ quan thẩm tra cho rằng, so với luật hiện hành thì dự thảo luật sửa đổi còn nhiều quy định chưa cụ thể. Cụ thể, luật hiện hành có 20 điều giao Chính phủ quy định chi tiết, dự thảo luật lần này lại quy định 31 điều giao Chính phủ và 26 khoản giao Chính phủ, Thủ tướng quy định chi tiết. Trong khi đó có nhiều nội dung trong luật hiện hành khônng giao Chỉnh phủ quy định chi tiết nay lại bổ sung giao Chính phủ quy định chi tiết.

Cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ cần giải trình rõ lý do gia tăng các nội dung giao Chính phủ hướng dẫn.

Ở điều 3, khoản 23 quy định: người nộp thuế không được thanh toán hoặc không được thanh toán hết số nợ phải thu từ đối tác trong nước hoặc nước ngoài bị tuyên bỗ phá sản theo bản án của tòa án, quyết định của cơ quan có thâm quyển.

Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị không quy định nội dung này, vì những trường hợp nay được giải quyết theo pháp luật về dân sự (về phá sản, thứ tự thanh toán, trong đó có nợ thuế).

Về những hành vi bị nghiêm cấm, Thường trực ủy ban cho rằng, để bảo đảm rõ ràng, minh bạch cần phân định rõ các nhóm hành vi bị nghiêm cấm đối với từng nhóm đối tượng: cán bộ quản lý thuế, ngưòi nộp thuế. Ngoài ra, dự thảo luật cũng chưa quy định hành vi bị cấm đối với cơ quan, tổ chức liên quan, dó đó cần nghiên cứu, bổ sung nội dung này trong dự thảo luật.

Đa số ý kiến trong Thường trực ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghi Chính phủ cần chỉ đạo, đánh giá, làm rõ tình trạng số nợ đọng thuế không có khả năng thu hồi lớn, nhưng không thực hiện biện pháp xóa nợ theo các quy định của pháp luật và đề xuất cơ chế để cụ thể hóa ngay trong dự thảo Luật sửa đổi lần này, Chủ nhiệm Hải báo cáo.