09:04 29/04/2008

Chính phủ Mỹ bắt đầu hoàn thuế cho dân

Trung Việt

Nhằm tạo động lực ngăn chặn suy thoái kinh tế, ngày 28/4, Chính phủ Mỹ bắt đầu thực hiện hoàn trả thuế cho người dân

Chính phủ Mỹ bắt đầu hoàn trả thuế cho dân, nhằm tạo ra làn sóng tiêu dùng, cứu nền kinh tế.
Chính phủ Mỹ bắt đầu hoàn trả thuế cho dân, nhằm tạo ra làn sóng tiêu dùng, cứu nền kinh tế.

Tuần qua, một loạt công ty lớn của Mỹ công bố, lợi nhuận của họ liên tiếp suy giảm; trong khi chỉ số lòng tin của người tiêu dùng giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 1982. Chính phủ Mỹ bắt đầu hoàn trả thuế cho dân, nhằm tạo ra làn sóng tiêu dùng, cứu nền kinh tế.

Báo cáo của các tập đoàn Microsoft, Bank of America...vừa công bố cho thấy, lợi nhuận của họ trong những tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm trước, đều suy giảm ở mức 2 con số.

Lợi nhuận của các công ty sụt giảm mạnh

Theo báo cáo kinh doanh quý 1/2008 của hơn 250 công ty lớn (nằm trong bảng xếp hạng 500 công ty hàng đầu của “Standard & Poor’s”), lợi nhuận trung bình của các công ty Mỹ trong 4 tháng đầu năm đã giảm 14,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này phản ánh rõ hệ quả ngày càng nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng tín dụng thế chấp ở Mỹ.

Hãng Microsoft cho biết, đây là một trong những thời kỳ kinh doanh kém hiệu quả kéo dài nhất, lợi nhuận của hãng đã sụt giảm trong quý thứ ba liên tiếp. Bank of America cho biết, lợi nhuận thu được trong quý I/2008 giảm tới 77%. Trong 3 tháng đầu năm 2008, Bank of America chỉ thu được khoản lợi nhuận 1,21 tỷ USD trên tổng doanh thu 17 tỷ USD, so với khoản lãi tới 5,26 tỷ USD trên tổng doanh thu 18,16 tỷ USD cùng kỳ năm trước.

Tổng giám đốc điều hành Ken Lewis cho biết, thị trường vốn trong tháng 3 đặc biệt khó khăn do chất lượng các khoản tín dụng dành cho người tiêu dùng xấu đi nghiêm trọng từ quý 4/2007, nhất là các khoản tín dụng mua nhà.

Quý 1/2008, một loạt ngân hàng và tổ chức tài chính khác của Mỹ thông báo lợi nhuận giảm. Wachovia Corp. cho biết, mức thiệt hại 393 triệu USD và Washington Mutual Inc. bị thiệt hại 1,1 tỷ USD. Lợi nhuận của tập đoàn Wells Fargo & Co. và JPMorgan Chase & Co. bị sụt giảm 11% và 50%; Citigroup Inc. bị thua lỗ tới 5,1 tỷ USD.

Cùng với sự sa sút kinh tế, chỉ số lòng tin của người tiêu dùng Mỹ cũng giảm mạnh. Điều tra của hãng tin Reuters và Trường đại học Michigan phối hợp khảo sát cho thấy, chỉ số này đã giảm xuống mức thấp nhất trong 26 năm qua.

Hy vọng tạo ra “một làn sóng chi tiêu”

Tổng thống George W. Bush, trong cuộc họp báo ngày 22/4, đã lần đầu tiên thừa nhận: “Nền kinh tế Mỹ đang đi xuống”. Ông nêu rõ, tốc độ tăng trưởng của kinh tế Mỹ quý 4/2007 đã giảm và con số thống kê của quý 1/2008 mặc dù chưa được công bố, song cũng không có tín hiệu khả quan hơn.

Giới quan sát cho rằng, những thông báo ảm đạm về kinh tế gần đây đặt Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vào “thế khó xử”, muốn chấm dứt chiến dịch hạ lãi suất, nhưng lại khó có thể “làm ngơ” trước tình trạng người tiêu dùng mất lòng tin vào nền kinh tế, do đó không muốn chi tiêu thêm nữa.

Nhằm tạo động lực ngăn chặn suy thoái kinh tế Mỹ, ngày 28/4, Chính phủ Mỹ đã bắt đầu thực hiện kế hoạch hoàn trả thuế cho người dân đợt đầu tiên. Theo đó, khoảng 116 triệu người dân Mỹ sẽ nhận được các tấm séc từ 300 - 1.200 USD trong kế hoạch hoàn trả thuế trị giá 167 tỷ USD mà Quốc hội đã thông qua hồi tháng 2/2008.

Theo kết quả thăm dò dư luận, biện pháp này chưa chắc đã mang lại kết quả như mong muốn. Do giá xăng dầu và thực phẩm leo thang, chỉ có 30% trong số những người Mỹ được hỏi ý kiến nói rằng họ dự định ngay lập tức chi tiêu khoản tiền mà chính phủ hoàn trả, 70% còn lại nói rằng họ sẽ dùng số tiền này để trả nợ hoặc tiết kiệm.

Trong đợt hoàn thuế này, hơn 7 triệu người Mỹ sẽ nhận được những khoản hoàn trả thuế năm 2007 trực tiếp qua tài khoản ngân hàng, trong đó 300 USD đối với người hưởng phúc lợi xã hội và không đóng thuế, 600 USD đối với cá nhân đóng thuế, 1.200 USD đối với các cặp vợ chồng cộng với 300 USD cho mỗi đứa con. Những người nhận hoàn trả thuế qua đường bưu điện sẽ nhận được muộn hơn, khoảng đầu tháng 5. Dự kiến đến cuối tháng 6 chương trình hoàn trả thuế này cơ bản kết thúc.

Ông Gary Stern, một quan chức hàng đầu của FED dự báo, kinh tế Mỹ sẽ tăng tưởng chậm lại trong vòng 2 hoặc 3 quý. FED có thể sẽ áp dụng thường xuyên hơn các biện pháp như hạ lãi suất cho vay nóng giữa các ngân hàng hay thanh toán bằng tiền mặt, nhằm ngăn chặn nguy cơ thị trường tài chính bị tê liệt.

Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo việc này có thể phải trả giá, vì nó sẽ khuyến khích các hoạt động đầu tư mạo hiểm trong tương lai, song chính điều này lại “làm sa sút” mức sống của người Mỹ trong những năm tới.