12:17 05/03/2015

“Chính phủ sẽ cho vay không lãi để đầu tư bệnh viện”

Bảo Quyên

Thủ tướng chỉ đạo và gợi mở một số chính sách và hướng đầu tư nhằm giảm áp lực quá tải bệnh viện

Tình trạng quá tải bệnh viện dù đã được cải thiện nhưng nhìn chung vẫn chưa đáp ứng được mục tiêu đề ra.<br>
Tình trạng quá tải bệnh viện dù đã được cải thiện nhưng nhìn chung vẫn chưa đáp ứng được mục tiêu đề ra.<br>
“Phải quán triệt trong ngành là giảm quá tải phải đồng thời đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh, chất lượng khám chữa bệnh ngày càng cao của nhân dân. Đây là mục tiêu kép, nếu không đạt được thì giảm quá tải cũng không có ý nghĩa”.

Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại cuộc họp với Bộ Y tế về đánh giá kết quả thực hiện đề án giảm quá tải bệnh viện giai đoạn 2013-2020, chiều 4/3.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, sau hai năm triển khai đề án giảm quá tải bệnh viện, ngành y tế đã đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp và mở rộng các tuyến bệnh viện, tăng thêm gần 39.000 giường bệnh, trong đó có trên 15.000 giường bệnh từ các bệnh viện xây mới; đồng thời mở thêm trên 5.000 bàn khám; thành lập 14 bệnh viện hạt nhân và 46 bệnh viện vệ tinh; đẩy mạnh triển khai đề án bác sỹ gia đình.

Kết quả là có 58% tổng số bệnh viện tuyến Trung ương trước đây có tình trạng nằm ghép đã và đang có xu hướng giảm số khoa có tình trạng này và nhiều bệnh viện cam kết không còn tình trạng nằm ghép.

Tuyến tỉnh cũng có tới 47% bệnh viện đang có xu hướng giảm tỷ lệ số khoa có nằm ghép trên giường bệnh.

Nhiều bệnh viện tuyến Trung ương cũng đang giảm công suất sử dụng giường bênh và ngược lại 1/4 số bệnh viện tuyến huyện lại đang có xu hướng tăng công suất sử dụng giường bệnh.

Phát biểu kết luận cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho hay từ năm 2008 đến nay, không kể đầu tư của khu vực tư nhân, Nhà nước đã dành nguồn lực hơn 120 nghìn tỷ đồng đầu tư cho lĩnh vực y tế.

Với việc tăng thêm gần 39.000 giường bệnh, trong đó có trên 15.000 giường từ các bệnh viện xây mới; thực hiện các nỗ lực chuyển giao kỹ thuật cao và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho bệnh viện tuyến dưới… đã góp phần giảm quá tải bệnh viện hơn 30%, nhất là ở các bệnh viện tuyến trung ương.

Thủ tướng yêu cầu ngành y tế tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm giảm căn bản tình trạng quá tải bệnh viện gắn với không ngừng nâng cao chất lượng khám chữa bệnh ở bệnh viện tuyến dưới.

Ông cũng lưu ý ngành không chạy theo thành tích giảm quá tải, không giảm quá tải hành chính.

Bộ Y tế cần phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan chỉ đạo thúc đẩy việc hoàn thành xây dựng các bệnh viện chuyên khoa tuyến cuối đã được phê duyệt và bố trí vốn, trong đó có 3 bệnh viện đã khởi công là Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2, Bệnh viện Việt Đức cơ sở hai và Bệnh viện Nhi Tp.HCM cơ sở 2. Thúc đẩy để sớm khởi công các bệnh viện ung bướu và bệnh viện chấn thương chỉnh hình ở Tp.HCM.

Thủ tướng cũng đề nghị Bộ Y tế lên kế hoạch các bệnh viện cần xây dựng trong giai đoạn 2016-2020 để Chính phủ tính toán bố trí nguồn vốn ngân sách; đồng thời có các cơ chế để huy động nguồn lực để đầu tư.

“Nếu chỉ chờ ngân sách thì không biết bao giờ mới xong và cũng sẽ khó có được bệnh viện có chất lượng cao. Các đồng chí phải tính toán. Bệnh viện nào cam kết tự chủ Chính phủ sẽ cho vay ưu đãi, thậm chí vay không lãi để đầu tư và cho phép điều chỉnh nhanh giá dịch vụ y tế”, Thủ tướng cam kết.

Bên cạnh đó, người đứng đầu Chính phủ cũng cũng bày tỏ không hài lòng vì đến nay mới chỉ có 38 tỉnh, thành phố thực hiện chuyển giao kỹ thuật, xây dựng mô hình bệnh viện vệ tinh, khoa vệ tinh.

 “Tôi sẽ có chỉ thị để nhắc nhở về việc này. Đây là trách nhiệm, là yêu cầu bắt buộc. Không có lý do gì mà người dân không được tiếp cận những dịch vụ và kỹ thuật khám chữa bệnh chất lượng cao mà chúng ta đã có”, Thủ tướng nói.