22:58 25/09/2021

Cho hãng hàng không vay ưu đãi, Nhà nước nuôi dưỡng nguồn thu

Ánh Tuyết

Doanh thu giảm tụt dốc khiến số nợ ngắn hạn các hãng bay lên tới trên 50.000 tỷ đồng, tình trạng thiếu hụt dòng tiền tiếp tục leo thang. Tuy nhiên, khả năng phục hồi, bứt tốc sau dịch của các hãng bay rất mạnh mẽ...

TS. Bùi Doãn Nề, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư Ký Hiệp hội doanh nghiệp hàng không Việt Nam.
TS. Bùi Doãn Nề, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư Ký Hiệp hội doanh nghiệp hàng không Việt Nam.

TS. Bùi Doãn Nề, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư Ký Hiệp hội doanh nghiệp hàng không Việt Nam, một lần nữa bày tỏ sự lạc quan khi nói về cơ hội phục hồi sau đại dịch Covidd-19 của ngành hàng không, tại Đối thoại chuyên đề “Gói hỗ trợ lãi suất: Vốn phải đến đúng đích” do VnEconomy tổ chức livestream trên Fanpage VnEconomy vào tối ngày 25/9.

DOANH THU TỤT DỐC VẪN CÒNG LƯNG GÁNH CHI PHÍ

Trong thời gian cao điểm năm 2021, các hãng hàng không phục hồi lại rất nhanh sau hai đợt bùng phát dịch đầu tiên, duy trì 400-600 chuyến bay/ngày, tương đương năm 2019. Nhưng thời điểm này, các hãng chỉ còn cầm chừng 50 chuyến bay/ngày, phần lớn 80-90% máy bay “đắp chiếu” ở các sân bay. Hai đợt bùng phát dịch bệnh gần nhất đều vào mùa cao điểm khiến doanh thu các doanh nghiệp hàng không đều sụt giảm 90% so với cùng kỳ.

"Không chỉ các hãng bay mà những doanh nghiệp liên quan lĩnh vực hàng không trong Hiệp hội như dịch vụ mặt đất, cung cấp suất ăn, đào tạo,… đều chịu chung số phận. Đối với doanh nghiệp sản xuất suất ăn hàng không, số lao động chỉ duy trì cầm chừng khoảng 20%, 80% đã nghỉ việc", TS. Bùi Doãn Nề cho biết.

Hàng không là ngành có vốn đầu tư chi phí vận hành rất lớn nhưng tỷ suất lợi nhuận thấp. Từ khi dịch xảy ra, các hãng bay đã xoay xở bằng mọi biện pháp, cố gắng cắt giảm chi phí vận hành tối đa.

Cụ thể, năm 2019, chi phí bình quân của hai hãng hàng không lớn như Vietnam Airlines, VietJet Air phải chi trả bình quân 396 tỷ đồng/ngày, tương ứng 11.880 tỷ đồng/tháng. Nhưng đến 6 tháng đầu năm 2021, các hãng đã cắt giảm sâu các chi phí chỉ còn 2.610 tỷ đồng/tháng. Tính trung bình chi phí bình quân ngày trong 6 tháng đầu năm nay của Vietnam Airlines đã giảm còn bằng 1/4, của VietJet Air giảm còn bằng 1/5 lần so với chi phí bình quân năm 2019.

Nguồn: Hiệp hội doanh nghiệp hàng không Việt Nam.
Nguồn: Hiệp hội doanh nghiệp hàng không Việt Nam.

Tuy nhiên, do đặc thù riêng của ngành, lực lượng lao động, thiết bị luôn phải duy trì trạng thái tốt nhất, luôn sẵn sàng khởi động lại ngay khi thị trường phục hồi. Vì vậy, các hãng vẫn phải “cõng” hàng loạt chi phí thường xuyên phải hàng ngày, hàng tháng như trả tiền thuê máy bay, trả vay ngân hàng, trả cho đối tác cung cấp dịch vụ đầu vào, duy tu bảo dưỡng và trả lương cho nhân viên… "Doanh thu giảm tụt dốc khiến số nợ và tình trạng thiếu hụt dòng tiền của các hãng tiếp tục leo thang", Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư Ký Hiệp hội doanh nghiệp hàng không Việt Nam lo lắng.

Nợ ngắn hạn và nợ đến hạn phải trả của Vietnam Airlines, VietJet Air và Bamboo Airways hiện đã lên tới trên 50.000 tỷ đồng. Dòng tiền hoạt động của các hãng bị thiếu hụt hàng chục ngàn tỷ đồng.  

5 LÝ DO CẦN "CỨU" HÀNG KHÔNG

Dù vậy, trong thời kỳ dịch bệnh, hàng không vẫn là một trong những điểm sáng, đóng góp tích cực trong công cuộc phòng chống dịch bệnh, thực hiện các chuyến bay giải cứu công dân. Hàng không Việt được đánh giá là thị trường có khả năng hồi phục nhanh trong khu vực và trên thế giới. 

Vì vậy, Tổng thư Ký Hiệp hội doanh nghiệp hàng không Việt Nam cho rằng, cần chính sách chung sớm hỗ trợ các doanh nghiệp hàng không, mà trước mắt, nhu cầu cấp thiết lớn nhất là được vay vốn ưu đãi lãi suất. Các hãng bay tư nhân khác dù vẫn đang mong mỏi chờ hỗ trợ, nhưng vẫn hàng ngày cố gắng cầm cự, tiếp tục nỗ lực đạt được kết quả kinh doanh ấn tượng, triển vọng hồi phục rất cao.

TS. Bùi Doãn Nề chỉ rõ năm lý do các hãng hàng không hoàn toàn xứng đáng được vay ưu đãi lãi suất. 

Thứ nhất, khả năng phục hồi, bứt tốc sau dịch của các hãng rất mạnh mẽ. Thực tế qua 18 tháng đại dịch Covid-19 cho thấy khả năng ứng phó với đại dịch của hãng hàng không Việt khá tốt.

Các chuyên gia kinh tế đều có chung nhận định hàng không có triển vọng bùng nổ phát triển sau dịch rất cao, đặc biệt là hàng không tư nhân. Ở Thái Lan, dân số tương đương 75% Việt Nam, nhưng có đến 15 hãng hàng không. Tỷ lệ người dân Việt Nam sử dụng máy bay để di chuyển vẫn còn thấp, dư địa phát triển của thị trường hàng không Việt Nam còn rất lớn, nhu cầu đi lại bằng đường hàng.

 
“Chỉ tính riêng 4 doanh nghiệp gồm: Vietnam Airlines, VietJet Air, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam; Tổng công ty Quản lý Bay Việt Nam đã đóng góp trên 22.000 tỷ đồng thuế và phí tính trong năm 2019, tương đương đứng trong top 10 tỉnh, thành phố nộp ngân sách lớn nhất nước. Cho hãng hàng không vay ưu đãi lãi suất thực chất là Nhà nước nuôi dưỡng nguồn thu”.
Ông Bùi Doãn Nề.

Thứ hai, hàng không có đóng góp lớn cho ngân sách. Chỉ tính riêng 4 doanh nghiệp, gồm Vietnam Airlines, VietJet Air, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam; Tổng công ty Quản lý Bay Việt Nam đã đóng góp trên 22.000 tỷ đồng thuế và phí tính trong năm 2019, tương đương đứng trong top 10 tỉnh, thành phố nộp ngân sách lớn nhất nước.

Trong đó, riêng VietJet Air nộp ngân sách tăng hàng năm, từ 4.200 tỷ đồng năm 2016 lên 9.000 tỷ đồng năm 2019. Năm 2020, dù thiệt hại nặng vì dịch nhưng VietJet Air vẫn nộp ngân sách 2.800 tỷ đồng. 

Thứ ba, hàng không hồi phục thì du lịch mới phát triển. Du lịch là ngành mũi nhọn mang lại doanh thu 35 tỷ USD, giải quyết việc làm trực và gián tiếp cho hơn 5 triệu người năm 2019. Nhưng toàn ngành du lịch từ lữ hành đến khách sạn… bị tê liệt vì đại dịch Covid 19.

Hiện 70% khách du lịch trong và ngoài nước liên quan đến hàng không. Chi phí vé bay chiếm 40-50% giá tour. Vì vậy, hàng không hồi phục sẽ kéo ngành công nghiệp mũi nhọn du lịch phát triển theo.         

Thứ tư, hàng không là ngành mang tính động lực phát triển của nền kinh tế. Theo tính toán của các chuyên gia quốc tế, hàng không tăng trưởng 2,5% sẽ góp phần kích thích tăng trưởng 1% GDP.

Hàng không phát triển sẽ duy trì sức lan toả kinh tế tới các ngành khác, trực tiếp là hệ sinh thái hàng không như dịch vụ mặt đất tại nhà ga…; kết nối các chuỗi cung cấp, chuỗi hàng hóa, chuỗi giá trị; và góp phần tích cực trong việc phục hồi, phát triển kinh tế nước ta sau dịch.

Thứ năm, hàng không có vai trò, ý nghĩa lớn đối với xã hội và đất nước. Hàng không là con đường lớn nhất, rút ngắn khoảng cách nhanh nhất giữa Việt Nam với thế giới. Trước đại dịch Covid, tỷ trọng của dịch vụ hàng không giá rẻ Việt Nam đã đạt ngưỡng 65%, tức là có 43 triệu khách bay nội địa Việt Nam được bay giá rẻ. Đây là dịch vụ phù hợp với đại đa số người tiêu dùng Việt Nam và thu nhập của người dân Việt Nam.

Theo nghiên cứu của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), 1 việc làm trong ngành hàng không sẽ tạo ra 24 việc làm trong các ngành có liên quan như dịch vụ lữ hành, xăng dầu, dịch vụ, nhà hàng, khách sạn, xuất nhập khẩu, đầu tư trong và ngoài nước, kích cầu tiêu dùng...

CHO HÀNG KHÔNG VAY VỐN, NUÔI DƯỠNG NGUỒN THU TƯƠNG LAI

Hiệp hội doanh nghiệp hàng không Việt Nam đề nghị các doanh nghiệp trong ngành cần được vay vốn để nuôi dưỡng nguồn thu dài hạn. Các hãng bay cần được hỗ trợ thanh khoản kịp thời, tạo điều kiện cho hàng không phát triển, sẽ bảo toàn được nguồn vốn và cân đối ngân sách nhà nước trong tương lai.

 
"Chính phủ và Quốc hội nên xem xét cho các hãng hàng không khác vay lãi suất 0% như gói vay của Vietnam Airlines, để đảm bảo môi trường kinh doanh công bằng, giúp các hãng hàng không giải quyết vấn đề thanh khoản. Số vay căn cứ vào nhu cầu và quy mô thị phần, khả năng đóng góp ngân sách trong thời gian vừa qua và khả năng đáp ứng ngân sách thời gian tới".
Ông Bùi Doãn Nề đề xuất.

Trước đây, Hiệp hội Hàng không đã nhiều lần đề xuất gói hỗ trợ 25.000 tỷ đồng ưu đãi lãi suất cho các hãng hàng không, mục đích phục vụ chi thường xuyên, mua sắm vật tư thiết bị, thực hiện các chương trình dự án để duy trì hoạt động trong thời gian dịch bệnh kéo dài. 

Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư Ký Hiệp hội doanh nghiệp hàng không Việt Nam cho rằng: "Các chính sách thuế, phí dù được ban hành kịp thời, nhưng cần có chính sách giảm sâu hơn".

Chẳng hạn, mức giảm 30% thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay hiện nay còn thấp, không thấm vào đâu so với những thiệt hại không phải chịu. Ngoài ra, chính sách này cần gia hạn hỗ trợ do trước đây chúng ta chưa lường hết thời gian dịch bệnh kéo dài. Chúng tôi dự báo Việt Nam có thể kiểm soát tốt dịch bệnh đến hết năm 2022, hoặc sẽ phục hồi nhanh nhất phải đến tháng 6/2022. Do vậy, các chính sách có thời gian kéo dài đến tháng 6/2022, như vậy sẽ hỗ trợ doanh nghiệp tốt hơn.

Đối với đường bay nội địa, cần sớm khởi động lại và cho phép những người tiêm hai mũi, hoặc một mũi sớm đủ điều kiện được đi lại, trở lại làm việc bình thường. Tất nhiên, hành khách vẫn phải tuân thủ 5K để đảm bảo an toàn dịch bệnh.