Cho vay đặc biệt đối với tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang dự thảo Thông tư quy định về cho vay đặc biệt đối với tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt, trong đó quy định 3 trường hợp được Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam cho vay đặc biệt...
Theo dự thảo thông tư, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam cho vay đặc biệt đối với tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt trong các trường hợp:
Thứ nhất, cho vay đặc biệt để hỗ trợ thanh khoản đối với tổ chức tín dụng khi tổ chức tín dụng có nguy cơ mất khả năng chi trả hoặc lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả, đe dọa sự ổn định của hệ thống trong thời gian tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt, bao gồm cả trường hợp tổ chức tín dụng đang thực hiện phương án cơ cấu lại đã được phê duyệt;
Thứ hai, cho vay đặc biệt theo quyết định của Ngân hàng Nhà nước với lãi suất ưu đãi đến mức 0% để hỗ trợ thanh khoản đối với công ty tài chính, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô khi công ty tài chính, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô có nguy cơ mất khả năng chi trả hoặc lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả, đe dọa sự ổn định của hệ thống trước khi phương án cơ cấu lại được phê duyệt;
Thứ ba, cho vay đặc biệt với lãi suất ưu đãi đến mức 0% để hỗ trợ phục hồi đối với công ty tài chính, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô theo phương án phục hồi đã được phê duyệt.
Dự thảo cũng quy định, đồng tiền cho vay đặc biệt là đồng Việt Nam.
Nguồn tiền cho vay đặc biệt của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam là từ Quỹ dự phòng nghiệp vụ.
Theo Luật Bảo hiểm tiền gửi, Thông tư số 312/2016/TT-BTC và Thông tư 312/20/2020/TT-BTC quy định chế độ tài chính đối với Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, Quỹ Dự phòng nghiệp vụ được hình thành từ các nguồn sau: Tiền thu phí bảo hiểm tiền gửi hàng năm; Thu nhập từ hoạt động đầu tư nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi sau khi trích một phần để trang trải chi phí hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam theo quy định;
Các khoản tiền bảo hiểm không có người nhận theo quy định; Số tiền còn lại (nếu có) từ việc thanh lý tài sản của tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi theo quy định; Chênh lệch thu chi tài chính còn lại hàng năm sau khi trích lập Quỹ đầu tư phát triển và Quỹ khen thưởng, phúc lợi theo quy định; và Thu nhập từ các khoản cho vay đặc biệt đối với các tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt.
Tính đến ngày 31/12/2020, Quỹ Dự phòng nghiệp vụ của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam là 64.269 tỷ đồng.