16:42 01/08/2008

Chót vót lợi nhuận các hãng dầu lửa

Mai Vân

Tập đoàn dầu lửa Exxon Mobil của Mỹ vừa công bố lợi nhuận kỷ lục trong quý 2 nhờ giá xăng dầu thế giới tăng mạnh

Lợi nhuận của Exon trong quý tăng thêm 14% so với cùng kỳ, đạt mức 11,68 tỷ USD.
Lợi nhuận của Exon trong quý tăng thêm 14% so với cùng kỳ, đạt mức 11,68 tỷ USD.
Tập đoàn dầu lửa Exxon Mobil của Mỹ vừa công bố lợi nhuận kỷ lục trong quý 2 nhờ giá xăng dầu thế giới tăng mạnh. Các đối thủ của Exxon cũng công bố lợi nhuận tăng vọt trong quý.

Mức lợi nhuận cao chưa từng có của Exxon Mobil - hãng dầu lửa lớn nhất thế giới được niêm yết trên thị trường chứng khoán hiện nay - hoàn toàn nằm trong tầm dự báo trước đó của giới phân tích, khi mà giá dầu thế giới liên tục tăng trong những năm gần đây. Trong quý 2 vừa qua, giá dầu thế  giới ở mức bình quân 124 USD/thùng, tăng 91% so với cùng kỳ năm ngoái.

Lợi nhuận của Exon trong quý tăng thêm 14% so với cùng kỳ, đạt mức 11,68 tỷ USD, vượt mức kỷ lục trước đó của chính hãng là 11,66 tỷ USD vào quý 4 năm ngoái. Đây cũng là mức lợi nhuận hàng quý cao nhất mà một công ty Mỹ từng đạt được. Tính ra cứ mỗi phút, “đại gia” này kiếm được 90.000 USD.

Những con số lợi nhuận như vậy đã khiến Exxon Mobil trở thành mục tiêu của nhiều chính khách Mỹ trong những năm gần đây. Những chính trị gia này kêu gọi việc đánh thuế mạnh hơn đối với lợi nhuận “trời cho” này để phục vụ cho hoạt động nghiên cứu và phát triển những nguồn năng lượng tái sinh nhằm thay thế dầu lửa.

Mặc dù giá nhiên liệu cao đem đến cho Exxon 10 tỷ USD lợi nhuận từ việc bán dầu trong quý 1, tăng khoảng 4,1 tỷ USD (70%) so với cùng kỳ năm ngoái, không phải điểm nào trong báo cáo lợi nhuận của tập đoàn này cũng làm các nhà đầu tư hài lòng.

Exxon cho biết, hoạt động sản xuất dầu của hãng đã giảm 8% so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu do việc Chính phủ Venezuela xung công tài sản của hãng tại quốc gia này và các vụ đình công của công nhân tại Nigeria. Thêm vào đó, hãng đã phải chi 7 tỷ USD, nhiều hơn gần 40% so với quý 2/2007 vào hoạt động tìm kiếm các mỏ dầu mới và khai thác các mỏ này.

Còn lại 1,6 tỷ USD lợi nhuận của Exxon đến từ hoạt động lọc hóa dầu, chỉ bằng chưa đầy một nửa so với cùng kỳ năm ngoái do tỷ suất lợi nhuận của lĩnh vực lọc hóa dầu toàn cầu giảm xuống.

Mức lợi nhuận ròng tính trên mỗi cổ phiếu của Exxon trong quý 2 là 2,22 USD/cổ phiếu, so với mức 1,83 USD/cổ phiếu cùng kỳ năm ngoái, trong khi doanh thu tăng 40%, đạt mức 138,1 tỷ USD. Trước đó, giới quan sát kỳ vọng Exxon Mobil đạt lợi nhuận ròng 2,52 USD/cổ phiếu, với doanh thu đạt 144 tỷ USD. Do đó, cổ phiếu của Exxon đã mất giá trong phiên giao dịch hôm qua tại thị trường chứng khoán New York.

Cùng ngày 31/7, tại London, hãng dầu khí lớn nhất của châu Âu là Shell đã công bố mức tăng 33% của lợi nhuận quý 2, cùng nhờ giá dầu thô tăng cao, mặc dù sản lượng của hãng giảm xuống. Shell cho biết, lợi nhuận ròng của hãng tăng lên mức 11,56 tỷ USD từ mức 8,67 tỷ USD cách đây 1 năm. Một đối thủ “nhỏ con” hơn của Shell là BP có mức lợi nhuận tăng 28%.

Cũng giống như các hãng dầu lửa khác, Shell được lợi từ giá dầu cao. Tuy nhiên, việc giá dầu hiện đã giảm 13% so với mức kỷ lục hôm 11/7 đã khiến nhiều nhà đầu tư lo ngại chưa chắc lợi nhuận của các tập đoàn này có thể tiếp tục tăng trưởng mạnh với tốc độ hiện nay.

Mặt khác, BP cho biết, giá dầu cao đã bắt đầu có ảnh hưởng xấu tới nhu cầu tiêu thụ xăng dầu mặc dù giá cả nguyên nhiên vật liệu đã có chiều hướng giảm xuống trong những tuần gần đây. Chỉ số giá hàng hóa Reuters/Jefferies CRB Commodity Index - hàn thử biểu của giá 19 mặt hàng - đã giảm 10% từ ngày 30/6 tới nay, mức sụt giảm mạnh nhất kể từ mức giảm 10,5% hồi tháng 3/1980 khi kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái.

Hãng dầu lửa Eni của Italy cho biết lợi nhuận quý 2 của hãng tăng 52%, trong khi hãng Repsol của Tây Ban Nha công bố mức tăng trưởng lợi nhuận 10,6%, đạt mức 905 triêu Euro.

Các công ty dầu lửa đang nằm dưới áp lực phải tìm kiếm những nguồn dầu mỏ mới do những mỏ dầu truyền thống đang dần cạn kiệt và phải đối mặt với sự cạnh tranh mạnh mẽ từ các công ty dầu lửa nhà nước của Nga và Trung Đông.

Về phần mình, hãng Shell đang tìm cách bù đắp phần sản lượng mất mát ở Nigeria - nơi thường xuyên diễn ra các vụ tấn công vào các cơ sở sản xuất của hãng, cũng như ở Nga - nơi hãng đã bán lại cổ phần trong dự án dầu khí Sakhalin cho công ty năng lượng nhà nước Gazprom của Nga vào năm ngoái. Sản lượng dầu khí của hãng đã giảm xuống mức 3.126 thùng tương đương dầu mỗi ngày từ mức 3.178 thùng.

(Theo New York Times)