Chủ động gỡ vốn cho doanh nghiệp vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ
Việc triển khai các chương trình, chính sách cho vay đối với doanh nghiệp vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ vẫn còn một số khó khăn và tập trung chủ yếu vào các doanh nghiệp nhỏ và vừa
Thời gian qua, các ngân hàng đã tập trung dành nguồn vốn ưu đãi cho doanh nghiệp, triển khai nhiều chương trình sản phẩm, dịch vụ cho doanh nghiệp các ngành thế mạnh, trọng tâm của khu vực vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Tuy nhiên, tín dụng cho nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa tại đây vẫn gặp khó.
Phát biểu tại hội nghị kết nối ngân hàng và doanh nghiệp vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ , ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cho biết, đến ngày 4/10, tín dụng toàn nền kinh tế đạt hơn 7,85 triệu tỷ đồng, tăng 8,95%.
Riêng tại vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vị này cho biết, tín dụng tại khu vực những năm qua liên tục tăng và đến cuối tháng 9/2019 đạt 2,5 triệu tỷ đồng, tăng 8,98% và chiếm khoảng 33,1% tổng dư nợ cho vay nền kinh tế. Trong đó, dư nợ đối với ngành công nghiệp và xây dựng chiếm 35%; dư nợ đối với ngành thương mại và dịch vụ chiếm 61%.
"Cơ cấu dư nợ phù hợp với định hướng phát triển của khu vực, góp phần phát triển ngành công nghiệp, xây dựng, thương mại, dịch vụ. Đây đều là các ngành trụ cột tăng trưởng và có mức tăng cao trong cơ cấu kinh tế của vùng", ông Hùng đánh giá.
Thông qua các hội nghị đối thoại giữa ngân hàng và doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng đã thực hiện giải ngân vay mới khoảng 130 nghìn tỷ đồng cho gần 13 nghìn doanh nghiệp và một số đối tượng khác. Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng cũng đã thực hiện các hình thức hỗ trợ khác như giảm lãi suất, nâng hạn mức cho vay cho 1.100 doanh nghiệp với tổng dư nợ được hỗ trợ gần 85 nghìn tỷ đồng.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, việc triển khai các chương trình, chính sách cho vay đối với doanh nghiệp vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ vẫn còn một số khó khăn và tập trung chủ yếu vào các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Theo ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Tổng giám đốc ngân hàng Vietcombank, số liệu báo cáo tài chính của doanh nghiệp nhỏ và vừa còn thiếu minh bạch, chưa theo kịp các chuẩn mực kế toán đang là rào cản lớn khi tiếp cận vốn từ ngân hàng, trong khi các quy định về cho vay ngày càng chặt chẽ, chuẩn mực quản trị rủi ro cũng tăng.
Ngoài ra, vị này cũng chi biết, hầu hết các doanh nghiệp không đáp ứng điều kiện về tài sản bảo đảm của ngân hàng hoặc tài sản không đủ điều kiện pháp lý để thế chấp cho ngân hàng do không được cấp giấy phép về quyền sử dụng và quyền sở hữu tài sản.
"Nguyên nhân của vấn đề về tài sản bảo đảm chủ yếu do chi phí cấp giấy phép quyền sử dụng và quyền sở hữu quá lớn, thủ tục hành chính rườm rà... Bênh cạnh đó, khi doanh nghiệp xảy ra rủi ro, thủ tục xử lý tài sản bảo đảm để các ngân hàng thu hồi vốn còn nhiều bước, khó khăn và thời gian xử lý kéo dài", ông Tùng nhận định.
Hơn nữa, với chủ trương tăng cường tài trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa (trong đó có các doanh nghiệp startup) nhưng mức độ rủi ro của nhóm doanh nghiệp này cao, tỷ lệ nợ xấu đối tương đối lớn, do tính chất hoạt động của các doanh nghiệp còn riêng lẻ, mặt hàng dễ dàng được thay thế.
Cũng tại hội nghị, những ý kiến đề xuất của các doanh nghiệp hiện đang sử dụng vốn vay tại ngân hàng thương mại cũng được nêu rõ.
Tiếp thu những ý kiến đề xuất, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, thời gian tới, ngành ngân hàng sẽ tiếp tục chủ động rà soát, đề xuất hoàn thiện thể chế chính sách, tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức tín dụng cung ứng đầy đủ, đa dạng các sản phẩm dịch vụ tài chính, nhất là sản phẩm dịch vụ ngân hàng phi tín dụng và các sản phẩm dịch vụ hiện đại dựa trên ứng dụng công nghệ số để phục vụ tốt hơn nữa nhu cầu tài chính của doanh nghiệp; hoàn thiện hành lang pháp lý về cấp tín dụng.
Tiếp tục triển khai quyết liệt các nhiệm vụ và giải pháp tại kế hoạch hành động của ngành ngân hàng góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp; tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận vốn tín dụng; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tiếp tục rà soát và đề xuất cắt giảm điều kiện kinh doanh, tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của hệ thống các tổ chức tín dụng.
Ngoài ra, ngành ngân hàng tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai đồng bộ các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là chính sách về bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa vay vốn tổ chức tín dụng, quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa.