Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật ngạc nhiên về GDP 2017
Ông cho rằng cần làm rõ thêm một số thông tin để tin rằng đó là những con số thuyết phục
Tổng vốn đầu tư tăng, xuất khẩu tăng, năng suất lao động cũng tăng, ICOR giảm..., tại sao GDP lại tăng chỉ bằng kế hoạch là 6,7%?
Câu hỏi này được Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định đặt ra gần cuối phiên thảo luận của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội, ngày 12/10.
Băn khoăn con số
Nhấn mạnh là hết sức phấn khởi, vì từ 2008 đến nay, kinh tế - xã hội mới đạt cả 13 chỉ tiêu Quốc hội quyết, nhất là GDP đã về đích, song ông Định cho rằng cần làm rõ thêm một số thông tin để tin rằng đó là những con số thuyết phục. Và trên cơ sở đó thì sang năm phấn đấu ít nhất bằng tỷ lệ của năm nay.
Tại báo cáo, Chính phủ cũng đã đưa ra khá nhiều con số để chứng minh việc GDP có thể cán đích sau nhiều năm hụt hơi là có cơ sở.
Đó là, tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội cả năm 2017 ước đạt 1.672,5 nghìn tỷ đồng, bằng 33,42% GDP, cao hơn so với kế hoạch đề ra (31,6%) và tăng 12,6% so với năm 2016. Rồi hệ số ICOR là 6,27, giảm nhẹ so với năm 2016 là 6,41.
Ngoài ra, tốc độ tăng năng suất lao động của toàn nền kinh tế năm 2017 cao hơn so với năm 2016, ước tăng khoảng 5,87% (năm 2016 tăng 5,29%), tính theo giá hiện hành ước đạt khoảng 93,2 triệu đồng/lao động.
Năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp ngày càng tăng trong tăng trưởng kinh tế. Năm 2017 đóng góp của TFP trong tăng trưởng GDP ước đạt 44,13%, cao hơn so với năm 2016 (40,68%) và cao hơn nhiều so với bình quân giai đoạn 2011-2015 (33,58%). Tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu ước thực hiện 14,4% (kế hoạch là 6-7%)....
Băn khoăn từ Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật cũng chính từ những con số này.
Ông Định phân tích là khi xây dựng chỉ tiêu tăng GDP 6,7% cho năm nay thì Chính phủ đều đã tính hết các cân đối lớn để đạt được kết quả đó. Nay, xuất khẩu dự kiến tăng gần gấp đôi, các con số về vốn đầu tư, TFP, ICOR… đều cho thấy số lượng tăng và chất lượng cũng tăng.
“Thế thì tại sao GDP lại chỉ tăng 6,7% như kế hoạch ban đầu?”, ông Định hỏi.
Giả thiết không thay đổi về số lượng có nghĩa là tăng trưởng đi vào chất lượng, ông Định đề nghị Chính phủ làm rõ chất lượng hơn thể hiện ở chỗ nào?
Cần đánh giá kỹ
Không trả lời thẳng vào câu hỏi của ông Định, nhưng Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng tăng trưởng đạt 6,7% ngoài sự quyết liệt chỉ đạo của cả hệ thống, thì đương nhiên thì ở đây cũng có những vấn đề của nền kinh tế.
Cụ thể, tổng cầu của nền kinh tế thể hiện ở sức mua tăng rất mạnh. Nhờ tổng cầu tăng thì cung cũng được kích thích ở mức đáng kể, nông nghiệp phục hồi tốt, thuỷ sản tăng rất cao (5,42%) cả ngành nông nghiệp tăng 2,78% trong khi năm ngoái chỉ 0,76%.
Rồi công nghiệp chế biến chế tạo, dịch vụ cũng tăng, xuất khẩu cũng tăng rất cao (dự kiến cả năm 14,4% trong khi năm ngoái chỉ 9%).
Bộ trưởng phân tích: “Tăng trưởng như thế hoàn toàn có cơ sở một cách chắc chắn trong khi lượng khai thác dầu giảm rất mạnh, trung bình 2 triệu tấn/năm. Như vậy là đã thay đổi dần mô hình tăng trưởng theo hướng tích cực”.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Dũng thừa nhận, để đạt được mức 6,7% cả năm thì 3 tháng còn lại cũng còn rất thách thức, như thiên tai đang ảnh hưởng nhiều. Vì thế cần thực hiện đồng bộ tích cực tất cả các nhiệm vụ để có thể đạt được kết quả cao nhất như dự kiến.
Với băn khoăn chỉ tiêu tăng trưởng 2018 chỉ từ 6,5 - 6,7%, Bộ trưởng Dũng lý giải, là nếu tính trên nền năm 2017 là rất cao mà nếu đặt tiếp 2018 trên nền cao vậy thì rất khó khăn.
Mặt khác, một số mặt hàng là đột phá của năm nay thì sang năm không còn đột phá nữa. Khai khoáng thì tiếp tục giảm, như năm nay giảm tiếp 2 triệu tấn dầu. Trong khi các chuyển đổi của mô hình kinh tế cũng chưa thể mang lại kết quả ngay lập tức, cần thời gian thêm để thể hiện.
Ngắt lời Bộ trưởng Dũng và gói lại phần thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị Chính phủ phải làm rõ và phân tích sâu hơn một số nội dung, trong đó có tốc độ, cơ cấu và mô hình tăng trưởng.
“Kinh tế vĩ mô còn tiềm ẩn những vấn đề cần đánh giá kỹ, như tăng trưởng tín dụng, chất lượng tín dụng, xử lý nợ xấu, xử lý một số ngân hàng…”, ông Hiển lưu ý.
Phó chủ tịch Phùng Quốc Hiển cũng nhấn mạnh, quan điểm xuyên suốt 2018 là lấy ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển bền vững làm chính, và cần phân tích rõ hơn vì sao năm tới chỉ đặt mục tiêu tăng trưởng 6,5-6,7%.