Chủ tịch Hà Nội: Một số cán bộ chấp hành pháp luật chưa tốt, bị xử lý hình sự
Năm 2019 Hà Nội có 1.019 Đảng viên và cá nhân bị xử lý, chuyển cơ quan điều tra 37/40 vụ việc
Sáng 30/12, tại hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương, lãnh đạo địa phương đầu tiên phát biểu là ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội.
Ông Chung cho biết, trong năm 2019 thành phố đã hoàn thành 22 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, trong đó 8 chỉ tiêu vượt kế hoạch. Tuy nhiên, vẫn còn có một số tồn tại, thách thức phát sinh trong quá trình xây dựng, phát triển của thành phố cần tiếp tục tập trung chỉ đạo trong thời gian tới như: ùn tắc giao thông; ô nhiễm không khí, xử lý một số sự cố cháy nổ, môi trường; công tác quản lý đô thị bước đầu có thay đổi nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu.
Đặc biệt, Chủ tịch Hà Nội nhìn nhận, ý thức chấp hành pháp luật của một số cán bộ, công chức còn chưa tốt, có trường hợp phải xử lý hình sự.
Qua thanh tra, kiểm tra, năm 2016 đến nay đã xử lý 2.744 tập thể, riêng năm 2019 có 1.019 Đảng viên và cá nhân bị xử lý, chuyển cơ quan điều tra 37/40 vụ việc. Đã xử lý hành chính 1.403 cá nhân, thu hồi 1.902 tỷ đồng, thu hồi 1.788 ha đất, xử lý, khắc phục kinh tế 881,39 tỷ đồng, ông Chung cho biết.
Về các đề xuất, kiến nghị, lãnh đạo Hà Nội đề xuất Thủ tướng Chính phủ, các bộ quan tâm thủ tục để triển khai xây dựng Trung tâm Hội chợ triển lãm Quốc gia tại xã Đông Hội, Đông Anh. Hiện nhà đầu tư đã ứng trên 1.500 tỷ để giải phóng mặt bằng từ năm 2017. Nhu cầu triển khai là cần thiết với Thủ đô và cả nước…, ông Chung trình bày.
Ông Chung còn đề xuất Thủ tướng cho phép thủ tục giải ngân vốn các dự án ODA theo tiến độ, để đảm bảo phần trên cao tuyến đường sắt đô thị số 3 đoạn Nhổn – ga Hà Nội đi vào hoạt động từ quý 4/2020.
Đề xuất nữa từ Chủ tịch Hà Nội là Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho phép không sáp nhập hai phường Hàng Bạc, Hàng Đào - quận Hoàn Kiếm, vì đây là những phường lưu giữ văn hóa đặc sắc phố nghề và 36 phố phường Hà Nội từ lâu đã đi vào lịch sử.
Tp.HCM muốn thí điểm chính quyền đô thị
Ngay sau Chủ tịch Hà Nội, Chủ tịch UBND Tp.HCM Nguyễn Thành Phong phát biểu từ điểm cầu Tp.HCM.
Ông Phong cho biết, GRDP của thành phố này năm 2019 đạt 1,3 triệu tỷ đồng, tăng 8,32% so với 2018. Năng suất lao động đạt 299 triệu đồng/người, thu ngân sách 412.474 tỷ đồng, thu hút 8,3 tỷ USD vốn FDI.
Năm 2020, theo Chủ tịch Tp.HCM, thành phố tiếp tục nâng cao chất lượng tăng trưởng, tái cấu trúc kinh tế, tăng cường xây dựng kết cấu hạ tầng, kiềm chế ùn tắc giao thông, giảm ô nhiễm môi trường, cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, sử dụng ngân sách hiệu quả, giảm mạnh tội phạm…
Người đứng đầu chính quyền thành phố cũng kiến nghị một số vấn đề, trong đó đầu tiên là kiến nghị Bộ Chính trị, Chính phủ quan tâm, xây dựng đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị.
Chủ tịch UBND Tp.HCM cũng đề xuất xây dựng đề án tái cơ cấu tỷ lệ phân chia ngân sách, tỷ lệ điều tiết ngân sách giai đoạn 2021-2025, tạo nguồn lực tương xứng và động lực mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.
Chính phủ quan tâm để Tp.HCM xây dựng một trung tâm tài chính quốc tế là kiến nghị tiếp theo của lãnh đạo Tp.HCM.
Thành phố cũng kiến nghị Chính phủ sớm ban hành nghị quyết cho phép áp dụng cơ chế đặc thù, rút ngắn việc tái định cư, thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm ban hành phương án sử dụng đất sau khi cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.