19:41 09/10/2021

Chủ tịch nước: TP.HCM đã qua đỉnh dịch nhưng không được chủ quan

Tiến Dũng

Sáng 9/10, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM tiếp xúc cử tri ngành y tế thành phố theo hình thức trực tuyến...

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM tiếp xúc cử tri chuyên đề ngành y tế TP.HCM theo hình thức trực tuyến - Ảnh: TTXVN
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM tiếp xúc cử tri chuyên đề ngành y tế TP.HCM theo hình thức trực tuyến - Ảnh: TTXVN

Phát biểu tại buổi tiếp xúc, Chủ tịch nước nhấn mạnh, buổi tiếp xúc là dịp để các đại biểu Quốc hội TP.HCM lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của đội ngũ cán bộ, thầy thuốc để cùng lãnh đạo Đảng, nhà nước và TP.HCM tìm giải pháp khắc phục khó khăn, giải quyết bất cập hiện nay của ngành y tế, góp phần vào hiệu quả chăm sóc sức khỏe nhân dân, ổn định kinh tế xã hội một cách lâu dài sau đại.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ với đồng bào nhân dân, cử tri TP.HCM về những đau thương mất mát to lớn trong đợt dịch vừa qua, trên 15.000 người thiệt mạng.

Đồng thời, Chủ tịch nước bày tỏ sự cảm thông sâu sắc với sự vất vả, khó khăn của lực lượng tuyến đầu chống dịch, đặc biệt là đội ngũ cán bộ, bác sĩ, cán bộ ngành y tế đã ngày đêm hỗ trợ chăm sóc người bệnh. Nhiều cán bộ y tế đã hy sinh, nhiều tấm gương làm việc tận tụy quên mình, xả thân làm nhiệm vụ làm lay động lòng người, được xã hội trân trọng cảm ơn và tôn vinh. 

"Đợt dịch thứ tư, thành phố đã huy động một nguồn lực rất lớn với 536 trạm y tế lưu động được thành lập; mạng lưới thu dung điều trị của 144 bệnh viện, trong đó, có 32 bệnh viện dã chiến trên khắp các quận huyện với gần 60 nghìn giường bệnh; 1.533 đội lấy mẫu xét nghiệm; lực lượng trực tiếp tham gia phòng chống dịch lên tới gần 200.000 người. Hiện vẫn có trên 20.000 bệnh nhân đang phải điều trị tại bệnh viện, trên 22.000 người điều trị tại nhà", Thủ tướng ghi nhận những nỗ lực phòng, chống dịch vừa qua tại TP.HCM.

Chủ tịch nước nêu rõ, dù thời điểm này TP.HCM đã vượt qua đỉnh dịch, đã vượt qua khó khăn gian khổ để đưa cuộc sống dần trở lại bình yên, đã vượt qua đỉnh dịch, nhưng không được chủ quan vì số người tử vong còn lớn, số người bị nặng còn nhiều.

Đồng tình với việc điều chỉnh chiến lược phòng, chống dịch từ "không Covid" sang thích ứng an toàn với dịch khi được bao phủ vaccine, nhưng Chủ tịch nước cho biết vẫn cần cảnh giác cao độ bởi theo các chuyên gia, Việt Nam sẽ dễ lây lan dịch bệnh trong mùa đông. 

"Từng bước mở cửa nhưng phải có sự kiểm soát an toàn và chặt chẽ", Chủ tịch nước nhấn mạnh. "TP.HCM cần kiểm soát các nguy cơ rủi ro ở quy mô rộng hơn. Khi thành phố mở cửa, các điểm đến, nơi ở đều có khả năng trở thành nơi lây nhiễm. Lúc này, cần phát huy vai trò của y tế dự phòng, y tế cơ sở; có hướng dẫn để bình tĩnh thích ứng với dịch bệnh trong giai đoạn bình thường mới", Chủ tịch nước nêu rõ.

Theo Chủ tịch nước, TP.HCM cần có kịch bản cho các tình huống, đặc biệt là khi Đồng bằng sông Cửu Long bùng phát dịch và lực lượng chi viện rút về.

Đánh giá cao mô hình chăm sóc F0 tại nhà của TP.HCM, Chủ tịch nước đề nghị thành phố tiếp tục hoàn thiện để đáp ứng tình hình mới và chia sẻ kinh nghiệm cho các địa phương khác.

Đề cập tới việc huy động nguồn lực xã hội, Chủ tịch nước cho rằng cần có cơ chế, chính sách để cơ sở y tế tư nhân tham gia phòng chống dịch. Song song với đó, cần phải nghiên cứu vấn đề nguồn nhân lực ngành y tế, nhất là y tế cơ sở, y tế dự phòng.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị TP.HCM tổng kết, đánh giá và đề xuất các mô hình y tế để chuẩn bị công tác phòng, chống dịch trong tương lai. Bên cạnh đó, thành phố cần có chế độ đặc thù để phát huy được trí tuệ của đội ngũ ngành y tế; có chế độ đãi ngộ thỏa đáng lực lượng phòng, chống dịch.