Chủ tịch Samsung trắng án trong vụ thao túng cổ phiếu
Trong gần một thập kỷ qua, ông Lee Jae-yong, người lãnh đạo đế chế doanh nghiệp lớn nhất Hàn Quốc, đối mặt một loạt rắc rối pháp lý...
Tại phiên tòa phúc thẩm ở Seoul ngày thứ Hai (3/2), Chủ tịch Samsung Electronics, ông Lee Jae-yong, được tuyên vô tội trong vụ án mà ông bị cáo buộc có hành vi thao túng giá cổ phiếu và gian lận kế toán. Đây là vụ án liên quan tới thương vụ sáp nhập trị giá 8 tỷ USD giữa 2 công ty con của tập đoàn Samsung là Samsung C&T và Cheil Industries vào năm 2015.
Theo các cáo buộc của các công tố viên, vụ sáp nhập này được thực hiện nhằm củng cố quyền lực của ông Lee tại tập đoàn Samsung và gây tổn hại cho các cổ đông thiểu số.
Vụ án này từ lâu là một rủi ro pháp lý đối với ông Lee – người hiện đối mặt ngày càng nhiều câu hỏi về khả năng lãnh đạo Samsung Electronics trong bối cảnh nhà sản xuất chip nhớ và điện thoại thông minh hàng đầu thế giới này phải chật vật để cạnh tranh và giá cổ phiếu lao dốc.
Năm ngoái, một tòa án cấp thấp hơn đã bác bỏ tất cả các báo buộc đối với ông Lee, bao gồm cáo buộc thao túng giá cổ phiếu và gian lận cổ phiếu liên quan tới thương vụ sáp nhập trên. Sau đó, các công tố viên đã kháng cáo lên Tòa án Cấp cao Seoul và đề nghị mức án 5 năm tù, trích dẫn một phán quyết khác vào tháng 8 cho biết Samsung BioLogics, một công ty con của Cheil Industries, đã vi phạm các quy định về kế toán bằng cách thổi phồng giá trị tài sản khi thực hiện vụ sáp nhập.
Tại phiên tòa vào tháng 11 năm ngoái, ông Lee phủ nhận mọi cáo buộc và khẳng định “chưa bao giờ có ý định lừa dối hay gây tổn hại lợi ích cá nhân của nhà đầu tư”.
Tòa án cấp dưới phán quyết rằng bên công tố không cung cấp đủ bằng chứng để chứng minh việc tiếp quản công ty của ông Lee là lý do chính của vụ sáp nhập và kết luận thương vụ này được thực hiện vì “mục đích kinh doanh hợp lý”. Tòa án thậm chí cho rằng vụ sáp nhập mang lại lợi ích cho cổ đông của Samsung C&T nhờ củng cố quyền kiểm soát của ông Lee tại tập đoàn và giúp ổn định đội ngũ lãnh đạo”.
Sau phán quyết ngày 3/2 của tòa phúc thẩm, nếu một trong hay bên tiếp tục kháng cáo, vụ việc sẽ được đưa lên Tòa án Tối cao.
Trong gần một thập kỷ qua, ông Lee đối mặt một loạt rắc rối pháp lý, trong đó có vụ sáp nhập năm 2015 mở đường cho việc kế nhiệm tập đoàn Samsung sau khi cha ông là ông Lee Kun-hee bị đột quỵ vào năm 2014 và qua đời vào tháng 10/2020.
Tính tới năm 2021, ông Lee thụ án tổng cộng 18 tháng tù vì cáo buộc hối lộ trong một vụ bê bối liên quan tới tổng thống bị phế truất Park Geun-hye vào năm 2017. Năm 2022, tổng thống Yoon Suk Yeol – người hiện đã bị truy tố và tạm giam - ký quyết định đặc xá cho ông Lee. Nói về quyết định này, Bộ Tư pháp Hàn Quốc cho biết ông Lee với cương vị lãnh đạo doanh nghiệp lớn có vai trò cần thiết trong việc giúp đất nước vượt qua “cuộc khủng hoảng kinh tế”.
Vụ sáp nhập gây tranh cãi năm 2015 vấp phải phản ứng dữ dội từ nhà đầu tư của các công ty liên quan, bao gồm quỹ đầu tư Elliott của Mỹ, đồng thời làm dấy lên hoài nghi về hoạt động quản trị doanh nghiệp của các tập đoàn hàng đầu Hàn Quốc – thường được gọi là chaebol. Các chaebol thường bị chỉ trích vì đặt lợi ích của các thành viên gia đình sáng lập lên trên lợi ích của các cổ đông khác.
Trước phán quyết trắng án với ông Lee, thứ Sáu tuần trước, Samsung Electronics - công ty chủ chốt của tập đoàn Samsung - đưa ra cảnh báo rằng doanh số chip trí tuệ nhân tạo của công ty trong quý này có thể ảm đạm. Samsung Electronics gần đây thất thế trước SK Hynix - một đối thủ có quy mô nhỏ hơn - trong việc cung cấp chip nhớ băng thông cao (HBM) cho bộ xử lý đồ họa AI của công ty chip hàng đầu thế giới Nvidia. Samsung Electronics cũng được đánh giá là không tận dụng được nhiều cơ hội từ cơn sốt AI toàn cầu thời gian qua.
Phán quyết được đưa ra trong bối cảnh giá cổ phiếu Samsung Electronics giảm hơn 3% trong phiên giao dịch buổi chiều ngày 3/2 khi nhà đầu tư lo lắng về việc Mỹ áp thuế quan với hàng nhập khẩu từ Canada, Mexico và Trung Quốc. Samsung Electronics và các công ty con có nhiều cơ sở sản xuất TV, màn hình, thiết bị gia dụng, thiết bị âm thanh tại Mexico và xuất khẩu sang Mỹ.