Chủ tịch Tập Cận Bình: “Toàn cầu hóa là không thể đảo ngược”
Bài phát biểu của Chủ tịch Trung Quốc thu hút sự chú ý lớn tại Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nhân APEC
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có bài phát biểu nhấn mạnh giá trị của hợp tác quốc tế và mở cửa kinh tế tại Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nhân APEC (APEC CEO Summit) 2017, trong khuôn khổ Tuần lễ Cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC) đang diễn ra tại Đà Nẵng, chiều 10/11.
Trước bài phát biểu của ông Tập, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đã có bài phát biểu kêu gọi mở cửa kinh tế và thương mại bình đẳng. Trong bài phát biểu này, bằng thái độ cứng rắn, ông Trump khẳng định sẽ đặt "nước Mỹ trên hết" và sẽ không bỏ qua cho việc "các quốc gia khác" lợi dụng Mỹ trong thương mại.
Theo tin từ CNBC, cũng giống như bài phát biểu của ông Trump, bài phát biểu của ông Tập thu hút sự chú ý lớn tại thượng đỉnh APEC lần này.
"Trong vài thập kỷ qua, toàn cầu hóa kinh tế đã đóng góp to lớn vào tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Trên thực tế, toàn cầu hóa đã trở thành một sự thay đổi lịch sử không thể đảo ngược", nhà lãnh đạo Trung Quốc nói, kêu gọi các quốc gia giữ cho nền kinh tế của mình được mở cửa vì sự thịnh vượng chung của thế giới.
"Trong quá trình theo đuổi toàn cầu hóa, chúng ta cần làm cho quá trình này trở nên cởi mở hơn, bao trùm hơn, cân bằng hơn, bình đẳng hơn, và mang lại nhiều lợi ích hơn cho tất cả", ông Tập phát biểu, phác họa một trật tự toàn cầu với những lợi ích tập thể.
Ông Tập tham dự kỳ thượng đỉnh APEC tại Việt Nam sau khi Trung Quốc vừa kết thúc thành công Đại hội Đảng Cộng sản lần thứ 19, trong đó ông tái đắc cử cương vị Tổng bí thư nhiệm kỳ thứ hai.
Trong năm qua, ông Tập dã có nhiều nỗ lực nhằm quảng bá hình ảnh Trung Quốc như một quốc gia đi đầu thế giới về tự do thương mại.
Trong bài phát biểu chiều nay tại Đà Nẵng, ông Tập nói, hệ thống thương mại đa phương cần phải được cải thiện, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải đạt được tăng trưởng chung cho tất cả các nước thông qua tham vấn và cộng tác.
"Chúng ta cần tiếp tục thúc đẩy một nền kinh tế mở cửa mang lại lợi ích cho tất cả. Sự mở cửa mang lại tiến bộ, trong khi khép kín khiến chúng ta bị tụt hậu", ông Tập nói.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu tại Đà Nẵng, chiều 10/11 - Nguồn: Xinhua.
Trước đông đảo lãnh đạo doanh nghiệp đến từ các nền kinh tế thành viên APEC, Chủ tịch Trung Quốc nhấn mạnh thêm rằng nước này sẽ tiếp tục mở cửa và kiên trì theo đuổi cải cách. "Ý tưởng toàn cầu hóa cần chú trọng hơn sự cởi mở và khoan dung, với định hướng cần tập trung vào sự cân bằng", ông nói.
Ông Tập hứa, Trung Quốc sẽ "tiếp tục xây dựng một nền kinh tế mở và nỗ lực để đạt lợi ích tương hỗ", và "trong vòng 15 năm tới, Trung Quốc muốn thiết lập một nền tảng mới cho sự hợp tác giữa tất cả các bên trong việc gia nhập thị trường Trung Quốc".
Bài phát biểu của ông Tập được đưa ra sau khi Trung Quốc tuyên bố một bước tiến lớn trong việc mở cửa ngành tài chính. Theo đó, nước này sẽ loại bỏ mọi hạn chế về quyền sở hữu cổ phần trong nhiều khu vực của ngành tài chính sau 3 năm tới.
Trọng tâm của thượng đỉnh APEC năm nay là vấn đề thương mại khu vực, với sự chú ý đặc biệt được dành cho Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), thỏa thuận mà ông Trump đã rút Mỹ ra khỏi ngay sau khi ông trở thành người đứng đầu Nhà Trắng.
Giới chuyên gia nói rằng việc Mỹ quay lưng lại với TPP đã làm gia tăng tầm quan trọng của một thỏa thuận thương mại khu vực khác là Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), thỏa thuận do Trung Quốc khởi xướng và không có sự tham gia của Mỹ.
Trong bài phát biểu của mình, ông Tập cũng nói Trung Quốc sẽ nỗ lực hoàn tất quá trình đàm phán RCEP một cách nhanh chóng.
Sau ba thập kỷ phát triển với tốc độ mạnh mẽ, ảnh hưởng toàn cầu của Trung Quốc đã mở rộng mạnh mẽ. Tuy nhiên, Trung Quốc luôn khẳng định rằng nước này không phải là mối đe dọa đối với bất kỳ một quốc gia nào, và ông Tập cũng từng hứa rằng sự phát triển của Trung Quốc sẽ diễn ra hòa bình trên trường quốc tế.
Phát biểu tại Đà Nẵng, người đứng đầu Trung Quốc còn nhấn mạnh những mục tiêu về môi trường của nước này, một động thái củng cố vị thế đi đầu của Trung Quốc trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu kể từ khi Mỹ từ bỏ thỏa thuận Paris.