16:35 19/11/2020

Chủ tịch Tập Cận Bình: Trung Quốc không có ý định "phân ly kinh tế"

Ngọc Trang

Trong bài phát biểu 20 phút tại một sự kiện của APEC, Nhà lãnh đạo Trung Quốc cam kết mở cửa thị trường nước này để tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Lãnh đạo doanh nghiệp APEC được tổ chức trực tuyến tại Kuala Lumpur, Malaysia, ngày 19/11 - Ảnh: Reuters
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Lãnh đạo doanh nghiệp APEC được tổ chức trực tuyến tại Kuala Lumpur, Malaysia, ngày 19/11 - Ảnh: Reuters

Theo Nikkei Asia, Hội nghị Thượng đỉnh Lãnh đạo doanh nghiệp APEC được khai mạc theo hình thức trực tuyến tại Kuala Lumpur, Malaysia với sự tham gia của nhiều nguyên thủ quốc gia.

Tại sự kiện, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có bài phát biểu dài 20 phút, trong đó cam kết sẽ mở cửa thị trường nước này để tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Sự kiện diễn ra chỉ vài ngày sau khi Trung Quốc và 14 quốc gia châu Á Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam, ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) và trong bối cảnh thế giới quan ngại về làn sóng bùng phát dịch bệnh Covid-19 mới. 

"Chúng tôi sẽ không đi ngược xu hướng hay đảo ngược lịch sử bằng cách phân ly kinh tế hay tạo rào căn ngăn cách với các quốc gia khác", ông Tập Cận Bình khẳng định. 

Sau nhiều năm căng thẳng Mỹ - Trung trong nhiệm kỳ của Tổng thống Mỹ Donald Trump với các đòn thuế quan nhắm vào hàng hóa của nhau, ông Tập Cận Bình khẳng định Trung Quốc ủng hộ chủ nghĩa đa phương và thương mại tự do. 

"Mở cửa nền kinh tế giúp một quốc gia đi lên, trong khi tách biệt sẽ kìm hãm quốc gia đó. Trong thế giới hiện nay, nơi toàn cầu hóa kinh tế trở thành một xu thế không thể đảo ngược, không quốc gia nào có thể tự phát triển nếu đóng chặt cánh cửa", Chủ tịch Trung Quốc phát biểu. 

Dù vậy, nhà lãnh đạo Trung Quốc không đề cập tới giải pháp để giải quyết những phàn nàn, chủ yếu từ cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài, về việc Bắc Kinh bảo hộ doanh nghiệp nội trong một số lĩnh vực như công nghệ trước các đối thủ ngoại. 

Trung Quốc là một trong những nước nhập khẩu lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, Mỹ và nhiều chính phủ khác phàn nàn rằng Bắc Kinh chưa thực hiện những cam kết suốt hai thập kỷ qua về việc mở cửa nền thị trường cho các doanh nghiệp nước ngoài trong các lĩnh vực như ngân hàng, tài chính và một số dịch vụ khác.

Ông Tập Cận Bình cũng cam kết sẽ cắt giảm thuế nhập khẩu nhưng không cung cấp thông tin chi tiết. "Chúng tôi sẽ giảm thuế nhập khẩu và chi phí hành chính nhiều hơn nữa, tăng cường nhập khẩu các sản phẩm và dịch vụ chất lượng cao từ các quốc gia khác", nhà lãnh đạo Trung Quốc cho biết. 

Trong bài phát biểu, ông Tập Cận Bình nhiều lần đề cập đến kế hoạch kinh tế "lưu thông kép" mới mà Bắc Kinh đang triển khai nhằm kích thích nhu cầu nội địa, đồng thời tận dụng lợi thế của thương mại quốc tế. Ông nhấn mạnh rằng GDP đầu người của Trung Quốc có thể vượt 10.000 USD và nhóm dân số thu nhập trung bình với hơn 400 triệu người sẽ là động lực chính cho tiêu thụ nội địa, mang đến những cơ hội lớn cho thị trường bán lẻ trị giá 6.000 tỷ USD trong năm nay.

Ông Tập cũng đề cập tới Sáng kiến Vành đai và Con đường và cam kết: "Trung Quốc sẽ tiếp tục theo đuổi các mối quan hệ hợp tác chất lượng cao trên Vành đai và Con đường với những kế hoạch mà các quốc gia, khu vực cùng quan tâm". 

Phát biểu tại sự kiện, các nhà lãnh đạo Singapore, Malaysia kêu gọi cam kết mở cửa thị trường và thúc đẩy thương mại tự do trong khu vực. Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long khẳng định hiệp định RCEP vừa được ký kết là "một bước tiến lớn" trong bối cảnh APEC bị kìm hãm ít nhiều bởi các chính sách thương mại thu mình của Mỹ. 

Ông Lý Hiển Long kỳ vọng dưới chính quyền của Tổng thống đắc cử Joe Biden, Mỹ sẽ có những động thái mang tính xây dựng hơn trong hợp tác thương mại với các quốc gia khác. 

Chủ tịch Tập Cận Bình: Trung Quốc không có ý định "phân ly kinh tế" - Ảnh 1.

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Lãnh đạo doanh nghiệp APEC được tổ chức trực tuyến - Ảnh: Reuters

"Quan tâm đến lợi ích của Mỹ không đồng nghĩa phải triệt tiêu lợi ích của các quốc gia khác", nhà lãnh đạo Singapore phát biểu. 

Trong khi đó, Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin khẳng định các quốc gia APEC phải tiếp tục ưu tiên thương mại và đầu tư tự do, hội nhập kinh tế khu vực cũng như hợp tác kinh tế, kỹ thuật. Dù vậy, ông Yassin cũng nhấn mạnh rằng chính phủ Malaysia hiện phải "cân bằng giữa các ưu tiên về y tế và kinh tế" trong bối cảnh đại dịch Covid-19.