12:10 23/11/2010

Chủ tịch Vinalines: “Hợp tác với Vinashin, nhiều phía có lợi”

Anh Quân

“Tôi có nói đùa với anh Sự, anh Tuyến, là da dẻ mặt mày các anh đã hồng hào, tươi lên rồi”

Ông Dương Chí Dũng - Ảnh: Anh Quân.
Ông Dương Chí Dũng - Ảnh: Anh Quân.
“Tôi có nói đùa với anh Sự, anh Tuyến, là da dẻ mặt mày các anh đã hồng hào, tươi lên rồi”, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) Dương Chí Dũng bình một câu, nhân lúc hào hứng nói về những cố gắng của cả hai bên trong thời gian qua, hướng tới việc ký thỏa thuận khung đóng mới 20 tàu, hôm 22/11.

(“Anh Sự” là ông Nguyễn Ngọc Sự, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Vinashin, còn “anh Tuyến” là ông Trương Văn Tuyến, Tổng giám đốc Vinashin - PV).


Đằng sau những giải pháp tái cơ cấu Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) như chuyển nợ và tài sản sang doanh nghiệp khác, đề nghị các ngân hàng tiếp tục cung cấp vốn, giãn nợ và đàm phán chậm nợ… thì việc có thêm những hợp đồng đóng mới được các bên liên quan cho là sẽ giúp vực dậy tập đoàn này. Vậy nên hiểu về thỏa thuận khung đóng mới 20 con tàu này như thế nào?

Trả lời VnEconomy, ông Dũng nói:

- Chúng tôi thấy rằng đây là thời điểm Vinalines cần triển khai nhanh và thực hiện một số dự án đóng mới tại Vinashin. Việc này không những đáp ứng yêu cầu phát triển đội tàu của Vinalines, cũng là hỗ trợ cho Vinashin trong lúc khó khăn. Đấy là ý nghĩa mà chúng tôi tập trung triển khai vào thời điểm này.

Khi ký kết một thỏa thuận kinh doanh thuần túy như thế, các ông căn cứ vào đánh giá hiệu quả kinh tế như thế nào?

(thỏa thuận khung đóng mới 20 tàu - PV) không những giải quyết được các vấn đề công ăn việc làm, đời sống người lao động, mà còn hỗ trợ cho Vinashin có thêm nguồn tiền vốn để triển khai, trang trải cho các hoạt động, đỡ khó khăn. Cái quan trọng hơn là đầu tư vào hạ tầng các nhà máy đóng tàu có thể khai thác, phát huy được tốt.

Cái thứ hai nữa là dư luận trong và ngoài nước rất quan tâm đến Vinashin và có nhiều thông tin khác nhau. Việc mà chúng tôi triển khai này cũng khẳng định Vinashin là tập đoàn chuyên ngành đóng tàu của Việt Nam, có kinh nghiệm, đủ năng lực và có khả năng đóng mới các con tàu biển tốt.

Cái thứ ba nữa là trong lúc này, việc đóng mới tạo ra một khối lượng công việc lớn và doanh thu lớn, ước vào khoảng gần 7.000 tỷ đồng, cũng đem lại nguồn thu cho Vinashin và từ đó Vinashin có nguồn để mà trích khấu hao, trả nợ ngân hàng…

Đồng thời, cũng giải quyết được công ăn việc làm, đảm bảo đời sống cho người lao động. Giữ được những lao động có tay nghề cao thì chúng ta sẽ không mất lực lượng lao động đáng quý này của đất nước.

Chúng tôi rất mừng đây là việc làm không chỉ có ý nghĩa về kinh tế, quan hệ giữa Vinashin và Vinalines về việc đóng tàu hay đặt tầu, mà nó mang lại những ý nghĩa xã hội, kinh tế, chính trị lớn hơn rất nhiều.

Nhưng có lẽ, khi thông qua chủ trương về bản thỏa thuận này, ông cũng phải cân nhắc đến lợi ích của Vinalines nhiều hơn, thưa ông?

Với Vinalines, thường chúng tôi phát triển đội tàu bằng cách vừa đóng mới trong nước vừa mua tàu từ nước ngoài. Nhưng trong bối cảnh này, chúng tôi triển khai mạnh đóng mới trong nước, không những hỗ trợ Vinashin mà cũng giúp Vinalines giảm chi phí, hơn nữa là tận dụng được nguồn lực trong nước để mà triển khai đóng mới.

Thì đây là cái lợi, cái tốt cho Vinalines.

Ông có thể nói rõ việc giảm chi phí cụ thể như thế nào trong thỏa thuận vừa ký?

Có thể nói thế này thôi, với các tàu đóng mới từ nước ngoài thì chi phí vận chuyển chúng tôi phải chịu. Thứ hai là phải có chi phí thông qua môi giới, rồi các công ty đăng kiểm nước ngoài… Nếu thực hiện đóng trong nước thì giảm được một phần chi phí đó, thì nó rẻ hơn và có lợi cho Vinalines về mặt kinh tế.

Trong bối cảnh hiện nay, cùng với Vinashin chúng tôi đã làm hết sức tích cực và hai bên cũng rất quyết liệt về dự toán rồi định mức, đơn giá cho việc thực hiện đóng mới. Hai bên thống nhất là làm sao đảm bảo chi phí thấp nhất để có sự cạnh tranh, giúp cho Vinashin thực sự đổi mới về mặt quy trình, công nghệ, chất lượng đóng và tiến độ đóng.

Trước đây, những dự án tàu Vinashin thực hiện thì có thể chưa đảm bảo, nhưng hiện nay với những hợp đồng này chúng tôi đảm bảo ràng buộc giữa hai bên thực hiện đúng tiến độ, chất lượng. Như thế, với Vinashin cũng có hiệu quả, có lợi, có lãi, mà Vinlines cũng đảm bảo có hiệu quả, có lãi.

Đây là bài toán có lợi cho rất nhiều phía, đặc biệt là cho nhà nước.

Như được biết, thị trường vận tải biển hiện nay chưa phải là đã phục hồi hoàn toàn. Việc đóng mới nhiều tàu như vậy có ảnh hưởng đến kết quả sản xuất kinh doanh của Vinalines hay không?

Có thể nói việc đóng tàu không phải 1 tháng 2 tháng mà phải hàng năm. Nhận định kinh tế phục hồi, theo chúng tôi, có thể vào cuối năm 2011 sang đến 2012 thì kinh tế sẽ khá lên nhiều. Thực tế hiện nay, cước vận tải biển của khối tàu hàng rời, hàng khô đã nhích lên, container cũng đã khá hơn, chỉ còn tàu dầu, tàu hóa chất chưa tăng nhiều.

Với dự báo như vậy, chúng tôi cho rằng việc thực hiện đóng mới để khi các dự án này hoàn thành và đi vào khai thác, lúc bấy giờ nền kinh tế thế giới đã phục hồi trở lại thì có thể phát huy được ngay. Còn nếu chúng ta chờ khi kinh tế thế giới đã phát triển rồi mới triển khai đóng mới thì lại lỡ cơ hội.

Việc đầu tư cũng phải tính toàn thời điểm để mà chúng tôi quyết định đặt hàng Vinashin triển khai. Với kinh nghiệm chuyên môn và giá cước như hiện nay, đầu tư như thế này, chúng tôi khai thác vẫn hiệu quả. Còn nếu nền kinh tế phục hồi nhanh hơn thì hiệu quả cao hơn.

Thì đấy, chúng tôi có thể nói là khẳng định được.

Một vấn đề nữa, là việc huy động nguồn vốn khoảng 7.000 tỷ đồng thực hiện các dự án này có khó khăn gì trong hoàn cảnh lãi suất tăng cao hiện nay?

Huy động nguồn vốn cho chương trình đóng mới này, chúng tôi đã tính toán và thu xếp đủ phần tạm ứng 15%. Còn lại, 85%, chúng tôi đã làm việc với Ngân hàng Phát triển và thu xếp đảm bảo cho việc thực hiện.

Cho nên, việc ký kết lần này là kết quả của quá trình chuẩn bị, không những về mặt kỹ thuật mà kể cả mặt thu xếp vốn, tài chính cho dự án chúng tôi cũng đã làm xong.

Xin hỏi, việc đi đến quyết định ký thỏa thuận khung này, ông có chịu sức ép gì không?

Không.

Nhu cầu về đội tàu của Vinalines còn rất lớn. Trước mắt chúng tôi đã ký và thực hiện hợp đồng như hôm nay, trên cơ sở này, chúng tôi tiếp tục rà soát lại thỏa thuận với Vinashin về đóng mới 40 tàu mà chưa thực hiện được để tiếp tục thực hiện thêm một số nữa mới đảm bảo được mục tiêu phát triển của Vinalines.

Cho nên, nó hoàn toàn xuất phát từ nhu cầu thực tế và thời điểm này, không hỗ trợ Vinashin thì cũng là cần thiết với Vinalines.

40 tàu thỏa thuận nhưng chưa triển khai, thêm 20 tàu nữa thì nên hiểu thế nào?

40 tàu trước đây là nằm trong kế hoạch những năm tới và chúng tôi đáng lẽ đã triển khai nhưng vì Vinashin bị kẹt lại một số các đơn hàng do chủ tàu nước ngoài rút. Vì vậy, chúng tôi tiếp nhận luôn và triển khai luôn.

Đồng thời, chúng tôi cũng sẽ tiếp thu và điều chỉnh trong chương trình 40 tàu để triển khai tiếp một số nữa. Thì như vậy mới đảm bảo được kế hoạch mà Vinalines thực hiện là 40 tàu.

Trong việc Vinashin bị "kẹt" 20 tàu và Vinalines tiếp nhận, các ông có yêu cầu mức giá ưu đãi nào không?

20 tàu trong 27 tàu Vinashin đang đóng dở dang, thực hiện được 40% thì dừng lại, chúng tôi tiếp nhận hoàn toàn theo giá xuất khẩu. Như thế, chúng tôi  thấy chấp nhận được và hoàn toàn đảm bảo hiệu quả dự án để chúng tôi có thể khai thác tốt.