10:12 20/11/2017

Chưa lập được Chính phủ, nhiệm kỳ thứ tư của Thủ tướng Merkel lung lay

An Huy

Trước tình thế này, bà Merkel có thể thành lập một Chính phủ thiểu số, hoặc một cuộc bầu cử mới sẽ được tổ chức

Thủ tướng Đức Angela Merkel tại Berlin ngày 19/11 - Ảnh: Reuters.
Thủ tướng Đức Angela Merkel tại Berlin ngày 19/11 - Ảnh: Reuters.

Những nỗ lực của Thủ tướng Đức Angela Merkel trong việc thành lập một Chính phủ liên minh ba bên để cầm quyền thêm nhiệm kỳ thứ tư đã gặp một trở ngại lớn vào ngày Chủ nhật, sau khi một đảng có ý định rút khỏi đàm phán với lý do có những khác biệt không thể khắc phục.

Theo hãng tin Reuters, Đảng Dân chủ Tự do (FDP), một đảng thân thiện với kinh doanh, đã bất ngờ rút khỏi cuộc đàm phán với Đảng Liên đoàn Dân chủ cơ đốc giáo (CDU) của bà Merkel và Đảng Xanh. Lý do mà FDP đưa ra là ba đảng này không thể đạt được sự đồng thuận về những vấn đề chính như nhập cư và môi trường.

Trước tình thế này, bà Merkel có thể thành lập một Chính phủ thiểu số bằng cách liên minh với Đảng Xanh, hoặc một cuộc bầu cử mới sẽ được tổ chức.

"Không có tiến bộ nào đạt được trong ngày hôm nay, mà thay vào đó có những bước thụt lùi, bởi vì những nhượng bộ mục tiêu đã không đạt được", thủ lĩnh FDP Christian Lindner nói với báo giới. "Thà không lãnh đạo còn hơn lãnh đạo một cách sai lầm. Xin tạm biệt!"

Quyền lực chính trị của Thủ tướng Merkel đã suy yếu sau cuộc bầu cử hồi tháng 9, dù đảng bảo thủ của bà giành chiến thắng mở đường cho bà lãnh đạo nước Đức nhiệm kỳ thứ tư. Tỷ lệ phiếu suy giảm mà CDU nhận được trong cuộc bầu cử này so với những lần bầu cử trước được cho là xuất phát từ việc một bộ phận cử tri Đức bất mãn với việc vào năm 2015 bà Merkel mở cửa đón hơn một triệu người tị nạn vào nước này.

Cùng với sự ủng hộ đi xuống đối với CDU, đảng cực hữu Sự lựa chọn thay thế cho nước Đức (AfD) lần đầu tiên giành ghế trong Quốc hội Liên bang Đức.

Để cầm quyền nhiệm kỳ thứ tư với một Chính phủ đa số, bà Merkel phải lập liên minh với hai đảng, trong đó lựa chọn khả thi gần như duy nhất là liên minh với FDP và Đảng Xanh.

Chính trường Đức hiện nay không muốn tổ chức bầu cử lại, nhất là các đảng lớn lo ngại rằng AfD sẽ giành nhiều hơn số phiếu 13% mà đảng này đạt được trong cuộc bầu cử tháng 9.

Việc không thể thành lập được Chính phủ ở Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, có thể gây ra những ảnh hưởng không nhỏ đối với tất cả mọi vấn đề, từ cải cách khu vực sử dụng đồng tiền chung Eurozone cho tới chính sách của Liên minh châu Âu (EU) đối với Nga và Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong những năm cầm quyền vừa qua, bà Merkel đã sử dụng vị thế nhà lãnh đạo quyền lực nhất châu Âu của mình để đạt những nhượng bộ trong Eurozone về cuộc khủng hoảng nợ công của Hy Lạp và áp lệnh trừng phạt của EU đối với Nga liên quan đến phong trào ly khai ở miền Đông Ukraine.

Từng là một nhà vật lý học, bà Merkel mới chỉ tham gia chính trường Đức kể từ khi bức tường Berlin sụp đổ vào năm 1989. Bà được đánh giá là một nhà đàm phán tài năng và đến nay hầu như chưa có một nhân vật nào đủ khả năng thay thế bà lãnh đạo nước Đức.