Chưa nhậm chức, ông Trump đã ảnh hưởng tới lập trường chính sách ở nhiều nước
Dù Tổng thống đắc cử Donald Trump vẫn chưa chính thức nhậm chức, chương trình nghị sự do ông đề xuất đã bắt đầu có tác động tới quyết định chính sách ở Mỹ cũng như nhiều quốc gia khác trên thế giới…
Đầu tuần này, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hạ lãi suất như dự báo với mức giảm 0,25 điểm phần trăm. Tuy nhiên, các quan chức cơ quan này dự báo sẽ giảm lãi suất ít hơn vào năm sau do lo ngại lạm phát cao dai dẳng dưới chính quyền của ông Trump – người đề xuất tăng thuế mạnh với hàng nhập khẩu vào Mỹ cũng như trục xuất hàng triệu người nhập cư.
Động thái của Fed diễn ra trong bối cảnh các cuộc họp cuối năm của ngân hàng trung ương diễn ra trên khắp thế giới, từ Ottawa và Frankfurt đến Tokyo và London, cho thấy sự bất định gia tăng trước khi ông Trump bước vào Nhà Trắng vào ngày 20/1 tới.
Tại Mỹ, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết cơ quan này đang cố gắng đánh giá xem kế hoạch thuế quan, giảm thuế doanh nghiệp trong nước và hạn chế người nhập cư của ông Trump sẽ ảnh hưởng tới chính sách tiền tệ như thế nào. Theo đó, các chi nhánh ngân hàng dự trữ liên bang Mỹ dự báo tăng trưởng của nền kinh tế số một thế giới năm tới sẽ cao hơn so với dự báo trước đó, nhưng lạm phát cũng cao hơn đáng kể.
Điều này khiến ông Powell nhiều lần nhấn mạnh sự “thận trọng” trong các lần hạ lãi suất tiếp theo – động thái khiến thị trường chứng khoán Mỹ giảm mạnh.
Tại họp báo sau cuộc họp ngày 18/12, khi được hỏi liệu rằng các chính sách của ông Trump có ảnh hưởng tới quan điểm của các quan chức Fed hay không, ông Powell nói rằng: “Một số người đã có bước đi ban đầu và bắt đầu đưa các ước tính về tác động của chính sách tới nền kinh tế vào dự báo của mình tại cuộc họp này”.
Tại châu Á, sau hai lần tăng trong năm nay, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) ngày 19/12 quyết định không điều chỉnh lãi suất và tiếp tục giữ ở mức siêu thấp trước nguy cơ các chính sách thuế quan của ông Trump tác động tiêu cực tới nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu của nước này.
“Những yếu tố bất định xoay quanh nền kinh tế và tình hình giá cả tại Nhật vẫn rất cao”, BOJ viết trong một thông cáo công bố quyết định trên.
Theo một khảo sát với các doanh nghiệp Nhật Bản công bố tuần trước của hãng tin Reuters, gần 3/4 doanh nghiệp được hỏi nhận định chính quyền ông Trump sẽ có tác động tiêu cực tới môi trường hoạt động của họ. Đây có thể là điều mà các quan chức BOJ phải tính đến bởi cơ quan này vẫn là ngân hàng trung ương duy nhất trên thế giới đang tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ.
Trước quyết định của Fed, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng Trung ương Canada (BOC) tuần trước đều đã hạ lãi suất và dự kiến tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ trong năm tới do triển vọng kinh tế ảm đạm.
Dù bà Christine Lagarde, Chủ tịch ECB, không khẳng về việc sẽ hạ thêm lãi suất, nhưng bà liên tục nhấn mạnh những rủi ro với tăng trưởng kinh tế, bao gồm căng thẳng thương mại với Mỹ dưới thời ông Trump.
Với Canada, ông Trump là một tâm điểm ở Ottawa khi Bộ trưởng Tài chính Chrystia Freeland từ chức sau bất đồng với Thủ tướng Justin Trudeau về kế hoạch ứng phó với chính sách thuế quan của Mỹ trong nhiệm kỳ tổng thống mới.
Bà Freeland cho rằng nguy cơ thuế quan dâng cao ở Mỹ là một mối đe đọa nghiêm trọng bởi ông Trump vào tháng trước tuyên bố sẽ áp thuế 25% với hàng hóa từ Canada và Mexico nếu hai nước láng giềng không tìm cách hạn chế dòng người nhập cư bất hợp pháp và chất gây nghiện fentanyl vào Mỹ.
“Điều này đồng nghĩa rằng chúng ta phải đảm bảo ngân sách trong tình trạng ổn định, để chúng ta có nguồn dự trữ cần thiết trong trường hợp xảy ra chiến tranh thương mại. Điều này có nghĩa chúng ta phải tránh xa các vấn đề chính trị gây tốn kém”, bà Freeland viết trong một lá thư gửi Thủ tướng Trudeau trên mạng xã hội X.
Trong khi đó, sự nhiệt tình trên thị trường tiền ảo trước ý tưởng thành lập quỹ dự trữ bitcoin chiến lược của ông Trump đã bị “dội nước lạnh” khi ông Powell tuyên bố rằng Fed không có thẩm quyền pháp lý để nắm giữ tiền ảo. Ông cũng nhấn mạnh cơ quan này không có ý định thay đổi luật để làm vậy.
“Đó là vấn đề thuộc thẩm quyền xem xét của Quốc hội, nhưng tại Fed, chúng tôi không có ý định tìm cách thay đổi luật”, ông Powell cho biết.
Phát biểu này là nguồn cơn khiến một loạt tiền ảo sụt giá mạnh, bao gồm cú giảm 5% của đồng Bitcoin – mức giảm lớn nhất trong vòng hơn 3 tháng của đồng tiền này.