13:23 22/11/2023

Chưa thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 6

Phan Anh

Với 453/459 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, ngày 22/11/2023, Quốc hội đã thông qua việc điều chỉnh chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV...

Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp gần nhất.
Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp gần nhất.

. Theo đó, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ chưa biểu quyết thông qua dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Dự án luật sẽ được Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp gần nhất.

Trình bày tờ trình về việc điều chỉnh chương trình kỳ họp, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết sau khi thống nhất với Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội cho phép điều chỉnh thời gian thông qua dự án Luật Đất đai (sửa đổi) từ kỳ họp này sang kỳ họp gần nhất của Quốc hội để tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý, rà soát kỹ lưỡng và hoàn thiện dự thảo Luật, bảo đảm chất lượng tốt nhất trước khi trình Quốc hội thông qua.

Trước đó, theo dự kiến vào sáng 29/11, tại chương trình của Kỳ họp thứ 6 này, Quốc hội biểu quyết thông qua dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội thảo luận tại phiên họp ngày 3/11/2023 và ý kiến của các cơ quan ngày 16/11 tại phiên họp giữa hai Kỳ họp thứ 6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến thống nhất nhiều nội dung tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật.

Tuy nhiên, dự thảo Luật vẫn còn một số nội dung, chính sách lớn tiếp tục nghiên cứu để thiết kế phương án tối ưu. Việc hoàn thiện toàn diện dự thảo luật cần thêm thời gian để đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp và thống nhất của dự thảo luật với hệ thống pháp luật, có tính chất đặc biệt quan trọng tác động rất lớn đến các hoạt động kinh tế xã hội và đời sống của nhân dân.

Quốc hội biểu quyết thông qua việc điều chỉnh Chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV ngày 22/11/2023.
Quốc hội biểu quyết thông qua việc điều chỉnh Chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV ngày 22/11/2023.

Trước đó, ngày 3/11, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Báo cáo một số vấn đề lớn tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) do Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày cho thấy, nhiều chính sách quan trọng trong dự thảo luật chưa thiết kế được phương án tối ưu, còn 16 nội dung thiết kế 2, thậm chí 3 phương án.

Ngày 16/11, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc tiếp thu, giải trình dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, tổng hợp ý kiến đại biểu Quốc hội thảo luận tại Hội trường cho thấy, có 5/22 ý kiến đề nghị thông qua dự án Luật tại kỳ họp thứ 6; trong khi đó, 6/22 ý kiến nhận định rõ tính chất cần thiết sớm thông qua dự thảo Luật nhưng phải bảo đảm chất lượng, 11/22 ý kiến đề nghị rà soát kỹ lưỡng, dành thêm thời gian tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật một cách thấu đáo nhất, cân nhắc cẩn trọng việc thông qua dự án Luật khi còn nhiều ý kiến khác trong trong dự thảo Luật, vì vậy, đề nghị chưa thông qua dự án Luật tại kỳ họp này.

Việc thông qua dự thảo Luật được kỳ vọng sẽ tạo cơ sở pháp lý để phát huy có hiệu quả hơn nguồn lực đất đai, đáp ứng tốt hơn yêu cầu của thực tiễn. Mặc dù vậy, quá trình rà soát, hoàn thiện các phương án chính sách quan trọng, tiếp thu, giải trình đầy đủ các ý kiến tham gia và toàn bộ dự thảo Luật còn cần thêm thời gian để bảo đảm chất lượng tốt nhất có thể của dự án Luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho rằng với vai trò hết sức quan trọng của Luật Đất đai, chất lượng của dự án Luật là vấn đề phải được đặt lên hàng đầu, tránh trường hợp Luật sau khi ban hành nếu có bất cập sẽ gây nhiều tác động và hệ lụy đối với các hoạt động kinh tế xã hội và đời sống của người dân.

Ngoài ra, các dự thảo Nghị định và văn bản hướng dẫn Luật cũng cần thêm thời gian để hoàn thiện đồng bộ, bảo đảm có hiệu lực cùng lúc với hiệu lực thi hành của Luật sau khi được ban hành, nhất là một số nội dung mới về giá đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất... cần có quy định chi tiết để chính sách của Luật đi vào cuộc sống.

Nội dung này đã được báo cáo cơ quan có thẩm quyền cho ý kiến, ưu tiên chất lượng của dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét, thông qua. Vì vậy, Thường trực Ủy ban Kinh tế báo cáo, xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, báo cáo Quốc hội xem xét, chưa thông qua dự thảo Luật tại kỳ họp 6 (dự kiến vào ngày 29/11/2023).

Sau kỳ họp thứ 6, sẽ báo cáo một số nội dung của dự thảo Luật xin ý kiến cơ quan có thẩm quyền để có định hướng tiếp tục hoàn thiện các nội dung chính sách lớn, phức tạp cũng như tổng thể dự thảo Luật. Đề nghị Chính phủ cho ý kiến chính thức về dự thảo Luật sau khi được hoàn thiện, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến và gửi Ủy ban Pháp luật thực hiện rà soát để bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của dự thảo Luật với hệ thống pháp luật theo quy định, bảo đảm chất lượng trước khi trình Quốc hội xem xét, quyết định.