20:20 03/11/2023

Chỉ trình Quốc hội thông qua khi Luật Đất đai đảm bảo chất lượng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và khả thi

Nhĩ Anh

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải khẳng định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cân nhắc kỹ lưỡng, đánh giá nhiều mặt, chỉ trình Quốc hội thông qua khi dự án luật Đất đai sửa đổi đảm bảo chất lượng, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn và khả thi...

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu kết luận phiên thảo luận về luật đất đai (sửa đổi) chiều ngày 3/12/2023. (Ảnh:quochoi.vn)
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu kết luận phiên thảo luận về luật đất đai (sửa đổi) chiều ngày 3/12/2023. (Ảnh:quochoi.vn)

Thảo luận ở hội trường ngày 3/11/2023 về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), các đại biểu tỏ thống nhất với Báo cáo tiếp thu, giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, báo cáo đã rất đầy đủ và chi tiết. Tuy nhiên, đến thời điểm này vẫn còn nhiều vấn đề lớn mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội đang trình các phương án để báo cáo Quốc hội cho ý kiến.

CẦN THẬN TRỌNG XEM XÉT, NGHIÊN CỨU KỸ LƯỠNG TRƯỚC KHI THÔNG QUA

Qua nghiên cứu dự thảo luật trình tại Kỳ họp lần này, đại biểu Nguyễn Duy Minh, đoàn Tp.Đà Nẵng cho biết, còn nhiều nội dung còn có các phương án khác nhau, chưa thống nhất như trong báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đại biểu kiến nghị Quốc hội cần thận trọng xem xét, nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi thông qua dự án luật.

Theo đại biểu, Luật Đất đai là luật rất quan trọng, phức tạp, tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường của đất nước. Đại biểu đề nghị cần khẳng định hiệu lực pháp lý cao hơn của luật Đất đai, xem xét bổ sung một điều về áp dụng pháp luật như bản dự thảo lấy ý kiến nhân dân.

Việc bổ sung thêm điều này chính là giải pháp để giải quyết các xung đột pháp luật, vướng mắc trong quản lý sử dụng đất đai do lịch sử để lại, từ yêu cầu mới của thực tiễn.

Đại biểu nêu rõ, khoản 2, 3 Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã có quy định cụ thể, xong trên thực tế, vẫn còn có những cách hiểu khác nhau, cách áp dụng khác nhau.

Đại biểu Nguyễn Trường Giang: Cần phải rất thận trọng bởi nếu như chúng ta sửa đổi không nghiên cứu một cách thấu đáo sẽ dẫn đến những vướng mắc khác sau khi luật có hiệu lực.
Đại biểu Nguyễn Trường Giang: Cần phải rất thận trọng bởi nếu như chúng ta sửa đổi không nghiên cứu một cách thấu đáo sẽ dẫn đến những vướng mắc khác sau khi luật có hiệu lực.

Kỳ họp lần này dự kiến thông qua Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi). Đại biểu cho rằng cần rà soát để đảm bảo không mâu thuẫn, xung đột.

Ngoài ra, khoản 5 Điều 65 của dự thảo luật quy định: Thành phố trực thuộc Trung ương đã có quy hoạch đô thị được phê duyệt theo quy định của pháp luật về quy hoạch đô thị thì không phải lập quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh mà căn cứ quy hoạch đô thị để lập kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh.

Trường hợp quy hoạch đô thị được phê duyệt sau khi phê duyệt quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh mà làm thay đổi chỉ tiêu sử dụng đất trong kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh thì không phải thực hiện điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh mà chỉ điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh.

Đại biểu đề nghị sửa đổi Điều 18 Luật Quy hoạch đô thị cho thống nhất với Luật Đất đai (sửa đổi), bổ sung quy định về lập quy hoạch sử dụng đất cấp huyện, cấp xã trong quy hoạch đô thị ở các thành phố trực thuộc trung ương.

Liên quan đến thời điểm thông qua luật, đại biểu Quốc hội Nguyễn Trường Giang, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho hay, có một số đại biểu cho rằng rất cấp bách là đúng.

Tuy nhiên, qua nghiên cứu dự thảo luật và báo cáo giải trình, tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Giang hoàn toàn đồng ý với ý kiến nhận định của Ban Thường vụ Quốc hội. Theo đó, cho đến nay nhiều chính sách quan trọng chưa thiết kế được phương án tối ưu. Trong quá trình rà soát, tiếp tục phát sinh các vấn đề chính sách mới còn ý kiến khác nhau do phạm vi của Luật Đất đai rất quan trọng, liên quan mật thiết chặt chẽ với nhiều quy định tại các luật khác.

Với nhận định như thế này và với dự thảo luật rất nhiều phương án trình ra Quốc hội, rất nhiều đại biểu Quốc hội đăng ký phát biểu, đại biểu Giang cho rằng cần phải rất thận trọng. Bởi nếu như chúng ta sửa đổi không nghiên cứu một cách thấu đáo sẽ dẫn đến những vướng mắc khác sau khi luật có hiệu lực.

Nhấn mạnh đây là dự án luật hết sức quan trọng, đại biểu Lê Thanh Vân, đoàn Cà Mau đề nghị cần hết sức cẩn trọng. Nếu như thảo luận ngày hôm nay chưa thống nhất nhiều vấn đề phức tạp thì cân nhắc để tiếp tục nghiên cứu.

Một số đại biểu cho rằng cần phải có thời gian để đánh giá tác động, nghiên cứu cân nhắc kỹ lưỡng hơn việc thông qua dự án Luật. Đại biểu Trần Nhật Minh, đoàn Nghệ An đề nghị Quốc hội cân nhắc việc thông qua dự thảo Luật tại kỳ họp này, để có thời gian rà soát, xử lý những vướng mắc, bất cập và lựa chọn các phương án được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa ra một cách thận trọng nhất.

ĐÁNH GIÁ NHIỀU MẶT, CHỈ TRÌNH QUỐC HỘI THÔNG QUA KHI DỰ ÁN LUẬT ĐẢM BẢO CHẤT LƯỢNG 

Phát biểu ý kiến, đại biểu Đỗ Thị Việt Hà, đoàn tỉnh Bắc Giang cho biết, qua dự thảo luật trình Quốc hội tại Kỳ họp này và Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật cho thấy Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ đã tổng hợp, nghiên cứu tiếp thu tối đa, có giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội, nhất là nêu được rõ nhiều vấn đề và cũng giải trình được nhiều vấn đề đã nêu để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật để trình tại Kỳ họp này.

Với tính chất của luật Đất đai có phạm vi điều chỉnh rộng, nội dung khó, phức tạp, tác động lớn đến đời sống nhân dân và các hoạt động phát triển kinh tế xã hội, nội dung có liên quan chặt chẽ với nhiều luật khác trình thông qua tại Kỳ họp này như Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản. Do đó, dự thảo luật cần chuẩn bị kỹ lưỡng, thận trọng, đảm bảo chất lượng tốt nhất, song cần được xem xét, thông qua kịp thời để đảm bảo hoàn thiện thể chế pháp luật về đất đai cũng như các lĩnh vực liên quan, nhất là đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, đại biểu Hà nêu.

Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà: Dự thảo Luật cần chuẩn bị kỹ lưỡng, thận trọng, song cần thông qua kịp thời.
Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà: Dự thảo Luật cần chuẩn bị kỹ lưỡng, thận trọng, song cần thông qua kịp thời.

Thông qua các kỳ tiếp xúc cử tri trước kỳ họp cũng như các thông tin dư luận xã hội có thể nói người dân và cộng đồng doanh nghiệp đang rất mong chờ Luật Đất đai (sửa đổi) được ban hành. Về những cải cách mạnh mẽ, những chính sách ưu việt trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này cũng đã tạo ra niềm mong đợi rất lớn từ phía cử tri.

Đại biểu Trần Thị Vân, đoàn Bắc Ninh cho rằng theo kế hoạch Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được thông qua cùng với Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản sẽ tạo ra đòn bảy đối với sự hồi phục của thị trường bất động sản cũng như tăng trưởng kinh tế. Mặc dù, trong kỳ họp này khối lượng các dự thảo luật xin ý kiến tại kỳ họp rất lớn.

Tuy nhiên, với tinh thần trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội tích cực nghiên cứu, đóng góp ý kiến, cũng như Ban soạn thảo tập trung khẩn trương để tiếp thu, với tinh thần và quyết tâm cao nhất để làm sao hoàn thiện được dự thảo luật đảm bảo chất lượng để làm sao dự thảo Luật Đất đai sớm được Quốc hội thông qua.

Cùng quan điểm đại biểu Trần Văn Tuấn, đoàn Bắc Giang đề nghị Quốc hội tiếp tục thảo luận, xem xét thông qua dự thảo Luận một cách thận trọng song cũng phải hết sức khẩn trương để giải quyết càng sớm càng tốt những khó khăn, vướng mắc đang đặt ra bởi những bất cập của Luật đất đai hiện hành, đồng thời tránh những khó khăn phát sinh do tâm lý chờ đợi Luật đất đai (sửa đổi) ban hành bảo đảm đồng bộ với Luật Nhà ở, Luật kinh doanh bất động sản và các luật liên quan.

Nêu vấn đề đang đặt ra từ thực tiễn đòi hỏi cần được giải quyết triệt để hơn thông qua việc sửa luật lần này, đại biểu đề nghị tại Điều 79 quy định về các trường hợp Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng đã liệt kê 31 trường hợp cụ thể. Tuy nhiên, đại biểu còn băn khoăn việc liệt kê các trường hợp cụ thể như vậy có thể sẽ chưa bao quát hết.

Đại biểu cho rằng, quy định như vậy vẫn chưa thể giải quyết triệt để. Vì vậy, đại biểu đề xuất với Quốc hội xem xét chỉnh sửa, bổ sung điều chỉnh các điều khoản liên quan trong dự thảo luật theo hướng Nhà nước thu hồi đất đối với các trường hợp thực hiện dự án phát triển kinh tế-xã hội, nhất là thu hồi để chuyển đổi mục đích sử dụng thực hiện dự án.

Cũng có đại biểu khác như đại biểu Vũ Tiến Lộc, đoàn TP. Hà Nội lại đề nghị thông qua dự thảo luật ngay tại kỳ họp, càng sớm càng tốt để khắc phục những bất cập của Luật Đất đai, thúc đẩy phát triển.

 
Về vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải kết luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tổ chức phiên họp giữa 2 đợt họp để cân nhắc kỹ lưỡng, đánh giá nhiều mặt để báo cáo Quốc hội, chỉ trình Quốc hội thông qua khi dự án luật đảm bảo chất lượng đáp ứng được yêu cầu thực tiễn và khả thi. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các đại biểu Quốc hội tiếp tục tham gia với tinh thần trách nhiệm cao vào việc hoàn thiện dự thảo luật.