15:24 08/03/2019

Chứng khoán châu Á “đỏ lửa” sau loạt tin xấu

Bình Minh

Các thị trường chứng khoán chủ chốt của khu vực châu Á đồng loạt giảm điểm mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu

Giới đầu tư chứng khoán châu Á nói riêng và thế giới nói chung đang lo ngại nhiều về sự suy giảm tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu - Ảnh: Reuters.
Giới đầu tư chứng khoán châu Á nói riêng và thế giới nói chung đang lo ngại nhiều về sự suy giảm tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu - Ảnh: Reuters.

Các thị trường chứng khoán chủ chốt của khu vực châu Á đồng loạt giảm điểm mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu, khi dữ liệu xuất khẩu gây sốc của Trung Quốc thổi bùng nỗi lo về sự giảm tốc của nền kinh tế toàn cầu.

Việc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) hôm thứ Năm hạ mạnh dự báo tăng trưởng kinh tế Eurozone cũng đè nặng tâm trí giới đầu tư cổ phiếu châu Á trong phiên giao dịch cuối cùng của tuần.

Số liệu do Tổng cục Hải quan Trung Quốc công bố sáng 8/3 cho thấy kim ngạch xuất khẩu tháng 2 của nước này sụt 20,7% so với cùng kỳ năm ngoái, vượt xa mức dự báo giảm 4,8% mà giới phân tích đưa ra trước đó.

Thống kê nói trên đẩy các chỉ số chứng khoán Trung Quốc chìm sâu hơn trong vùng đỏ, sau khi thị trường đã rớt mạnh vào buổi sáng do công ty chứng khoán hàng đầu Trung Quốc Citic Securities đưa ra khuyến nghị "bán" đối với cổ phiếu của Tập đoàn Bảo hiểm Nhân dân Trung Quốc (PICC). Đánh giá của Citic khiến cổ phiếu PICC giảm kịch sản 10%, đồng thời kéo theo nhiều cổ phiếu khác tụt dốc theo.

Lúc đóng cửa, chỉ số Shanghai Composite Index của sàn Thượng Hải "bốc hơi" 4,4%, trong khi Shenzhen Composite Index của sàn Thẩm Quyến mất gần 3,8% điểm số.

Tại thị trường Hồng Kông, chỉ số Hang Seng sụt hơn 1,9% vào giờ cuối của phiên giao dịch. Chỉ số Kospi của chứng khoán Hàn Quốc chốt phiên với mức giảm hơn 1,3%.

Chỉ số MSCI châu Á-Thái Bình Dương không bao gồm Nhật Bản sụt 1,2%, xuống mức thấp nhất trong 2 tuần.

Chỉ số Nikkei 225 của chứng khoán Nhật giảm trên 2%, trong khi ASX 200 của chứng khoán Australia mất gần 1%.

Dữ liệu xuất khẩu tháng 2 của Trung Quốc và dự báo u ám của ECB đang khiến giới đầu tư lo ngại về một kịch bản xấu nhất đối với nền kinh tế toàn cầu.

Kết thúc cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ ngày 7/3, ECB không chỉ lùi thời hạn dự kiến nâng lãi suất sang 2020, thay vì nửa cuối năm nay như dự kiến ban đầu, mà còn cắt dự báo tăng trưởng kinh tế Eurozone 2019 về 1,1% từ mức dự báo tăng 1,7% đưa ra hồi tháng 12 năm ngoái.

Ngoài ra, ECB còn tung một chương trình cho vay dài hạn mới với lãi suất ưu đãi để hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng thương mại trong khu vực.

Chủ tịch ECB, ông Mario Draghi, nói rằng nền kinh tế Eurozone đang "ở trong một thời kỳ suy yếu tiếp diễn và bất ổn kéo dài".

"Tâm trạng của thị trường đã chuyển xấu dần trong tuần này, và nhà đầu tư giờ cho rằng họ sẽ còn phải đón nhận thêm những dự báo xấu. Các ngân hàng trung ương có vẻ như đang chuẩn bị sẵn sàng cho thách thức trong vài quý sắp tới, bằng cách đưa ra lập trường mềm mỏng hơn", một báo cáo của Rakuten Securities Australia nhận định.

Hôm thứ Tư, Ngân hàng Trung ương Canada nói rằng có "sự không chắc chắn gia tăng" về khả năng tăng lãi suất trong thời gian tới. Nền kinh tế Australia quý 4/2018 chỉ tăng 0,2%. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) gần đây phát tín hiệu sẽ kiên nhẫn trong việc nâng lãi suất.

Giới đầu tư toàn cầu hiện đang chờ báo cáo việc làm tháng 2 của Mỹ dự kiến công bố trong ngày thứ Sáu. Nhiều chuyên gia dự báo tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ tiếp tục giảm xuống do tốc độ tạo việc làm mới mạnh mẽ gần đây ở nước này.

Nhiều khả năng, thống kê này sẽ cho thấy kinh tế Mỹ vẫn đang "khỏe hơn" so với các nền kinh tế chủ chốt khác của thế giới, nhất là kinh tế châu Âu.

Dự báo này đang khuyến khích giới đầu tư mua vào đồng USD. Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD đã đạt mức đỉnh mới của 2019 ở 97,7 điểm trong phiên ngày thứ Năm tại New York, trước khi hạ về ngưỡng 97,5 điểm trong phiên ngày thứ Sáu tại châu Á.

Trong khi đó, đồng Euro tụt về ngưỡng 1,1198 USD đổi 1 Euro do có phiên giảm mạnh nhất so với đồng bạc xanh kể từ tháng 6/2018.