Chứng khoán châu Á gượng dậy sau phiên bán tháo
Mức tăng dù còn dè dặt cũng đủ để đưa chứng khoán Trung Quốc đại lục thoát khỏi mức đáy của 4 năm
Chứng khoán châu Á chuyển "xanh" trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu, khi nhà đầu tư thận trọng quay trở lại thị trường sau phiên tháo chạy đầy hoảng loạn vào ngày thứ Năm. Mức tăng dù còn dè dặt cũng đủ để đưa chứng khoán Trung Quốc đại lục thoát khỏi mức đáy của 4 năm thiết lập vào phiên trước.
Sự hồi phục của chứng khoán châu Á phiên này được đánh giá là có ý nghĩa lớn trong việc trấn an tâm lý nhà đầu tư, sau khi chỉ số VIX đo lường nỗi sợ hãi ở Phố Wall tăng lên mức cao nhất 8 tháng trong phiên đêm qua.
Lúc hơn 14h chiều theo giờ Việt Nam, chỉ số Shanghai Composite Index của sàn Thượng Hải tăng hơn 0,9%, dù có lúc giảm tới 1,8% trong phiên sáng. Mức giá cổ phiếu giảm sâu đã đẩy cao lực cầu bắt đáy, đưa chỉ số tăng trở lại.
"Từ ngày hôm qua, khối lượng giao dịch tăng mạnh, cho thấy nhu cầu mua ở mức cao", ông Naoki Tashiro, Chủ tịch công ty TS China Research ở Tokyo, nhận xét với hãng tin Reuters về sự hồi phục của chứng khoán Trung Quốc.
Các thị trường chủ chốt khác trong khu vực cũng đồng loạt "xanh" chiều nay. Tại Tokyo, chỉ số Nikkei tăng gần 0,5%. Chỉ số Hang Seng của chứng khoán Hồng Kông tăng xấp xỉ 1,8%. Chứng khoán Hàn Quốc tăng 1,5%, còn chứng khoán Australia tăng 0,2%.
Chỉ số MSCI châu Á-Thái Bình Dương không bao gồm Nhật Bản tăng 2%, mức tăng mạnh nhất trong hơn 2 năm.
Trong phiên ngày thứ Năm, chỉ số này "bốc hơi" 3,6%, chạm đáy của một năm rưỡi. Nếu tính từ đầu tuần, chỉ số này hiện vẫn giảm 3,6%.
Đây là đợt biến động mạnh nhất của chứng khoán châu Á kể từ tháng 2. Có nhiều nguyên nhân khiến thị trường sụt điểm,trong đó phải kể đến nỗi lo về ảnh hưởng của chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng mạnh tuần này, và tâm lý thận trọng của nhà đầu tư trước khi bước vào mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý 4.
Các chỉ số tương lai của chứng khoán Mỹ cũng đang tăng khoảng 1%, dự báo về một phiên hồi phục ở Phố Wall vào đêm nay.
Tâm lý của nhà đầu tư cũng được hỗ trợ thêm khi có thông tin nói rằng Bộ Tài chính Mỹ sẽ không "dán nhãn" Trung Quốc là một quốc gia thao túng tỷ giá trong một báo cáo chuẩn bị công bố sau vài ngày nữa.
Giới đầu tư chứng khoán Trung Quốc còn lạc quan khi thấy lĩnh vực xuất-nhập khẩu của nước này vẫn tăng trưởng vững trong tháng 9, bất chấp chiến tranh thương mại leo thang. Thậm chí, thăng dư thương mại của Trung Quốc với Mỹ trong tháng 9 còn đạt mức cao chưa từng thấy.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng mức thặng dư như vậy sẽ càng đẩy cao hơn cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Trong tuần này, chứng khoán Trung Quốc và Mỹ là hai trong số những thị trường giảm mạnh nhất thế giới - một dấu hiệu cho thấy các nhà đầu tư ngày càng lo về ảnh hưởng của chiến tranh thương mại.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm nhích thêm 4,5 điểm cơ bản trong phiên châu Á hôm nay, đạt mức 3,176%, sau khi giảm xuống vào đêm qua. Hiện mức lợi suất này còn cách khá xa so với kỷ lục 3,261% thiết lập hôm thứ Ba, nhưng nếu lợi suất tiếp tục đi lên, thì tâm lý nhà đầu tư sẽ lại chuyển xấu.
"Chứng khoán châu Á có vẻ đã bình ổn trở lại, nhưng vấn đề quyết định nằm ở lợi suất trái phiếu sẽ ổn định ở mức nào", nhà phân tích cấp cao Teppei Ino thuộc MUFG Bank nhận xét.
Trong một động thái gây hoang mang, Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm qua tiếp tục chỉ trích Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), nói rằng việc FED nâng lãi suất là một chính sách "nực cười".
Những phát biểu này của ông Trump có vẻ như không làm thay đổi niềm tin của nhà đầu tư vào sự độc lập của FED trong hoạch định chính sách tiền tệ, nhưng một số người cho rằng kỳ vọng vào những đợt tăng lãi suất trong tương lai có thể bị ảnh hưởng nếu ông Trump tăng cấp độ chỉ trích FED.
"Tôi nghi ngờ về việc ông Trump đồng tình với việc lãi suất tiếp tục tăng trước cuộc bầu cử Quốc hội Mỹ vào tháng 11. Tôi cho rằng sự đi lên của lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ và tỷ giá đồng USD đang tiến dần tới một bước ngoặt", Giám đốc đầu tư trái phiếu Naoki Iwami thuộc Whiz Partners ở Tokyo nhận định.