00:30 15/06/2008

Chứng khoán gặp “dữ” hóa “lành”

Minh Đức

Mối quan hệ nghịch thường thấy giữa lãi suất ngân hàng và chứng khoán đã không thể hiện, thậm chí ngược lại

Chứng khoán tăng, nhà đầu tư đã trở lại sàn.
Chứng khoán tăng, nhà đầu tư đã trở lại sàn.
Mối quan hệ nghịch thường thấy giữa lãi suất ngân hàng và chứng khoán đã không thể hiện, thậm chí ngược lại.

Ngày 10/6, Ngân hàng Nhà nước đồng loạt tăng các lãi suất chủ chốt, sự kiện nổi bật nhất trên thị trường tiền tệ, chứng khoán tuần qua. Thị trường chứng khoán cũng lập tức đón nhận những chuyển biến nổi bật nhất trong hơn một tháng trước đó.

Ngày 11/6, các ngân hàng thương mại đồng loạt tăng lãi suất huy động VND, đỉnh điểm lên đến 19,2%/năm; lãi suất cho vay cũng có điều kiện để lên tới 21%/năm.

Và cũng trong ngày 11/6, chỉ số HASTC-Index chính thức cắt cơn 28 phiên giảm điểm liên tiếp, đảo chiều tăng 0,78 điểm; cỗ xe VN-Index chưa quay đầu nhưng giao dịch đã tạo một bước đại nhảy vọt so với chuỗi ảm đạm trước đó và màu xanh đã ngập tràn trên bảng điện tử.

Liệu đó có phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên giữa chuyển biến trên sàn chứng khoán với biến động lãi suất trên thị trường ngân hàng?

Với sự nhạy cảm của thị trường chứng khoán, mối quan hệ như “bình thông đáy” giữa hai thị trường, đặc biệt từ chiều ngân hàng đến chứng khoán, đó không phải là trùng hợp ngẫu nhiên. Từ đây, có bất ngờ khi lãi suất và xu hướng trên sàn niêm yết không theo quan hệ nghịch thường thấy.

Trong thời gian qua, thị trường chứng khoán Việt Nam đã nhiều lần chứng minh quan hệ đó: lãi suất tăng, chứng khoán giảm. Nhưng nay, điều đó đang ngược lại, ít nhất trong những phiên cuối tuần qua.

Lãi suất huy động VND tăng cao, hiện phổ biến từ 17,5% - 18%/năm, không chỉ đánh động túi tiền nhàn rỗi trong dân cư mà còn của những nhà đầu tư chứng khoán. Đó là sự đánh động mà hai sàn niêm yết Hà Nội và Tp.HCM không mong đợi.

Lãi suất cho vay cũng tăng mạnh, từ “trần” 18%/năm lên 21%/năm. Đây thực sự là tin xấu đối với chứng khoán, khi chi phí vay vốn của nhiều doanh nghiệp, trong đó có những thành viên trên sàn, tăng theo, lợi nhuận sản xuất kinh doanh bị chia sẻ; một phần nguồn lực phát triển kinh tế càng nặng gánh chi phí…

Nhưng, như điểm lại ở trên, thị trường chứng khoán bất ngờ khởi sắc, phá “quy luật” thường thấy. Thậm chí, nguồn tiền đổ vào sàn ồ ạt thay vì bị lôi kéo đến với ngân hàng.

3 phiên cuối tuần, khối lượng tại HOSE gấp 10 lần những phiên đầu tuần; tại HASTC là khoảng 3 lần. Đó là chưa kể một lượng lớn dư mua qua mỗi phiên. Giá trị giao dịch tại hai đầu cầu tương ứng vượt trên 350 tỷ đồng và 60 tỷ đồng/phiên.

Vì sao có sự “trái khoáy” đó?

Trước hết, trong bối cảnh hiện nay, lãi suất huy động tăng mạnh sẽ tạo cơ hội để các ngân hàng gọi vốn, đảm bảo thanh khoản và ổn định hoạt động. Xương sống của nền kinh tế ổn hơn, các bộ phận liên quan vận động tốt hơn, trong đó có chứng khoán.

Tính thanh khoản của ngân hàng đảm bảo cũng giảm bớt áp lực giải chấp chứng khoán cầm cố, chứng khoán tự doanh, giảm bớt nguồn cung vốn đè nặng trên hai sàn thời gian qua.

Vĩ mô hơn, việc điều chỉnh đồng loạt các lãi suất chủ chốt của Ngân hàng Nhà nước cho thấy quyết tâm kiềm chế lạm phát của cơ quan quản lý, được nhiều tổ chức trong và ngoài nước ủng hộ, hoan nghênh.

Liên quan đến sự ủng hộ đó, những nhận định và đánh giá lạc quan xuất hiện trên thị trường cũng đã có giá trị ổn định tâm lý nhà đầu tư, đặc biệt là báo cáo cập nhất mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB) công bố đầu tuần, cũng như thông tin cam kết gắn bó và tiếp tục đầu tư vào Việt Nam của nhiều tổ chức lớn…

Và tất nhiên, thị trường chứng khoán còn có yếu tố nội tại. Giá hầu hết cổ phiếu đã xuống những mức mà nhiều nhà đầu tư cân nhắc, thay vì toàn tâm gửi vốn cho ngân hàng. Thực tế, ngoài lực rót dồn trong kết quả giao dịch những phiên cuối tuần, số dư tiền trong tài khoản tại nhiều công ty chứng khoán đã có dấu hiệu nhích lên.

Mặt khác, theo nhận định của một số công ty chứng khoán, các mốc điểm 370 của VN-Index và 100 của HASTC-Index đã thể hiện sức hỗ trợ nhất định.

Chứng khoán đã tăng trở lại, tạo bất ngờ trước biến động lãi suất ngân hàng. Niềm tin và sự hưng phấn đang hé mở, nhưng vẫn còn những lưỡng lự ngoài cuộc. Sự lượng lự đó đi cùng với hoài nghi khả năng bền vững của xu hướng mới.

Thực tế, những bất ổn vĩ mô của nền kinh tế vẫn còn đó. Quyết định nhập cuộc tùy thuộc vào niềm tin đặt cho triển vọng chuyển biến của nền kinh tế, vào mức độ chấp nhận rủi ro của mỗi nhà đầu tư.

Nhưng khi giá chứng khoán thấp, xu hướng đi lên thể hiện, dòng lệnh chen bước “lên tàu”, những người đang ngoài cuộc có lẽ không khỏi sốt ruột.