23:27 17/06/2008

Chứng khoán lên điểm: Bẫy phục hồi đang giăng?

Hoàng Vũ

Một số công ty chứng khoán đưa ra cảnh báo về dáng dấp một "bẫy phục hồi" đang giăng trên sàn niêm yết

Những phiên vừa qua, nhiều nhà đầu tư nhỏ bắt đầu rục rịch trở lại thị trường.
Những phiên vừa qua, nhiều nhà đầu tư nhỏ bắt đầu rục rịch trở lại thị trường.
Mạch tăng điểm được nối tiếp, sự hứng khởi đã có trên sàn. Sau chuỗi ngày dài ảm đạm, niềm vui đang đến với nhà đầu tư. Nhưng, sự cảnh giác ở thời điểm này được xem là cần có, theo khuyến nghị của một số công ty chứng khoán.

>>Chứng khoán lên điểm: Cơ hội và lực cản

Thị trường quay đầu và đi lên mạnh mẽ trong những phiên đầu tuần này, khiến một bộ phận nhà đầu tư không khỏi hoài nghi. Bởi đó là một chuyển biến bất ngờ, khi đặt trong bối cảnh nền kinh tế vẫn còn những bất ổn, lạm phát tăng cao, lãi suất ngân hàng biến động mạnh, tỷ giá diễn biến phức tạp, hoạt động của doanh nghiệp gặp nhiều trở ngại…

Về đợt tăng giá vừa có, nguyên nhân chính được giải thích từ sự chuyển dịch mạnh cung - cầu; trong đó, phiên ngày 11/6 được xem là bản lề với sự đột biến của khối lượng (gấp 10 lần những phiên liền trước). Trong bối cảnh ảm đạm và không có thông tin hỗ trợ, sự đột biến của khối lượng trở thành tín hiệu được nhiều nhà đầu tư nắm lấy, và có cả những quyết định vào cuộc.

Và khi thị trường tăng điểm, cùng với khối lượng duy trì ở mức cao, sự lôi kéo thể hiện và lực cầu mới cùng hẹn vào sàn, trong khi lực lượng bán ra có sự kìm chế để đón nhận xu hướng tăng đang hé mở.

Lực cầu bất ngờ tăng mạnh và khớp với lực vốn từ lượng trái phiếu bán mạnh ra trước đó. Từ đây, có những suy đoán khả năng các tổ chức đang cùng “hẹn” tạo lập một chu kỳ mới cho thị trường.

Lực cầu từ tổ chức thể hiện, lôi kéo nhiều nhà đầu tư nhỏ vào cuộc. Một phân tích cho thấy khối lượng bình quân lệnh mua là 1.720 cổ phiếu/lệnh - ứng với khoảng 1/2 khối lượng bình quân lệnh bán là 3.500 cổ phiếu/lệnh - của những phiên vừa qua cho thấy có sự tham gia đông đảo của các nhà đầu tư nhỏ, bởi thông thường các nhà đầu tư lớn không “xé lẻ” lệnh mua vì sẽ tăng phí và hạn chế khả năng khớp lệnh.

Hai phiên gần nhất, xu hướng tranh mua, bán nhỏ giọt cũng đã thể hiện rõ nét.

Nhưng bẫy đang giăng?

Diễn biến trên có hơi hướng "lạ", nhất là khi đặt trong bối cảnh chung của nền kinh tế cũng như các yếu tố tác động bất lợi là lạm phát, lãi suất, tỷ giá… Từ đây, sự lo âu về một bẫy phục hồi đang xuất hiện trong tâm lý nhiều nhà đầu tư.

Theo nhận định của Phòng phân tích Công ty Chứng khoán Ngân hàng Ngoại thương (VCBS), dù thị trường đã tăng khá mạnh, nhưng không xóa đi được sự lo âu đó.

Cụ thể, phân tích của VCBS cho thấy thị trường đang có một số yếu tố cấu thành một cái "bẫy phục hồi" (bull trap).

Thứ nhất, trong lường định của nhiều nhà đầu tư và các tổ chức, quý 3 năm nay sẽ là thời điểm khó khăn nhất của thị trường bởi nguy cơ lạm phát cao, lãi suất tăng, tỷ giá tăng và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp gặp khó khăn hơn.

Nếu thị trường tạo đáy trong quý 3, khi các điều kiện đó ở mức tồi tệ nhất thì tính thanh khoản sẽ rất thấp và thị trường dao động trong mức 250 - 300 điểm. Nhiều nhà đầu tư lớn muốn tận dụng cơ hội gần như cuối cùng từ cái bẫy này để thoát khỏi tình trạng “đóng băng”.

Thứ hai, lượng cầu đã tăng đột biến lên 29,7 triệu cổ phiếu, nhưng sức cầu hiện tại vẫn thấp hơn 2 đợt “bull trap” trước đây: đợt 6/3 - 10/3: lượng cầu bình quân 50 triệu cổ phiếu/phiên; Đợt 26/2 - 9/4: lượng cầu bình quân 35 triệu cổ phiếu/phiên.

Giá cổ phiếu hiện tại thấp hơn so với tháng 3 vừa qua khoảng 40% - 50% nhưng sức cầu, thể hiện sự quan tâm, không hề tăng lên. Lượng cầu thấp cũng cho thấy luồng tiền sẵn sàng để hỗ trợ thị trường không ở mức dồi dào như trước đây.

Thứ ba, đà tăng giá hiện nay một phần xuất phát từ việc lượng cung giảm. Tổng cung tại HOSE phiên 16/6 trên 15 triệu cổ phiếu, chỉ xấp xỉ 50% mức bán ra trong các ngày cao điểm gần đây. Điều này có thể lý giải bằng việc một số tổ chức, quỹ và cá nhân đang ghìm hàng chờ bán dần ở các mức giá thuận lợi hơn.

Thứ tư, giao dịch nhà đầu tư nước ngoài vẫn chưa có sự hỗ trợ thực sự, thậm chí có giá trị mua ròng là số âm trong phiên 16/6 (mua vào trị giá 77 tỷ đồng, bán ra trị giá 93). Và theo VCBS, khi thiếu đi sự hỗ trợ của khối ngoại, các đợt hồi phục sẽ rất khó kéo dài và bền vững.

Thứ năm, các yếu tố cơ bản hiện chưa thuận lợi để hỗ trợ sự hồi phục của thị trường. Nguy cơ lạm phát lại bùng nổ từ sau tháng 7 là điểm mà nhà đầu tư cần chú ý. Thời điểm công bố kết quả kinh doanh của các công ty niêm yết trong vòng 3 tuần tới, nếu không có nhiều bất ngờ thì kết quả lợi nhuận quý 2 của nhiều công ty sẽ có sự giảm sút đáng kể, phản ánh khó khăn về vĩ mô hiện tại.

Và một thực tế, như đã nói ở trên, là chưa xuất hiện bất kỳ yếu tố thông tin nổi bật nào đủ mạnh để hỗ trợ thị trường.

Với những phân tích trên, VCBS nhận định khả năng đợt tăng giá lần này khó kéo dài.

Trong khi đó, theo nhận định của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), diễn biến giao dịch và tương quan cung cầu trong các phiên vừa qua cho thấy cần có thêm những chuyển biến về kinh tế vĩ mô để thị trường hội tụ đủ cơ sở khẳng định xu hướng hồi phục lâu dài.