Chứng khoán Mỹ chuyển “xanh” phút chót nhờ cổ phiếu công nghệ
Thị trường chứng khoán Mỹ kết thúc phiên giao dịch đầy biến động ngày thứ Hai trong trạng thái tăng nhẹ
Thị trường chứng khoán Mỹ kết thúc phiên giao dịch đầy biến động ngày thứ Hai trong trạng thái tăng nhẹ nhờ lực hỗ trợ của cổ phiếu công nghệ, trong khi sự sụt giảm của cổ phiếu năng lượng, ngân hàng và những bấp bênh xung quanh kế hoạch Brexit khiến nhà đầu tư lo ngại về tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Theo tin từ Reuters, năng lượng là nhóm cổ phiếu sụt giảm mạnh nhất trong chỉ số S&P 500 do giá dầu sụt sâu. Trong khi đó, với phiên giảm này, nhóm ngân hàng chìm sâu vào trạng thái thị trường đầu cơ giá xuống (bear market).
Cổ phiếu hãng công nghệ Apple có lúc sụt 3%, nhưng phục hồi về cuối phiên, tạo lực hỗ trợ giúp toàn nhóm công nghệ đi lên.
Vào buổi sáng, có thời điểm S&P rớt về gần mức đáy của năm 2018 thiết lập hôm 8/2. Sau đó, chỉ số này thu hẹp mức giảm và giằng co cho tới khi chốt phiên với mức tăng nhẹ.
Thủ tướng Anh Theresa May ngày 10/12 đã hoãn một cuộc bỏ phiếu được lên kế hoạch từ trước tại Quốc hội Anh đối với kế hoạch rút khỏi Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit. Bà May lo ngại rằng nếu cuộc bỏ phiếu diễn ra, thỏa thuận sẽ bị bác bỏ với tỷ lệ phiếu cao.
Theo các chuyên gia, sự bấp bênh về Brexit là một "đám mây đen" nữa phủ bóng lên thị trường toàn cầu ở thời điểm hiện nay, bên cạnh chiến tranh thương mại và nỗi lo về lãi suất.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones tăng 0,14%, đạt 24.423,26 điểm. S&P tăng 0,18%, đạt 2.632,72 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 0,74%, đạt 7.020,52 điểm.
Sau khi chìm sâu trong sắc đỏ vào buổi sáng, có 8 trong số 11 nhóm cổ phiếu ngành chính của S&P chốt phiên trong trạng thái tăng. Nhóm công nghệ dẫn đầu với mức tăng 1,4%, tiếp theo là nhóm truyền thông tăng 0,8%.
Nhóm năng lượng sụt 1,6%, trở thành nhóm giảm mạnh nhất trong S&P, do giá dầu sụt giảm.
Giảm mạnh thứ nhì là nhóm tài chính, với mức giảm 1,4%, khi nhà đầu tư lo ngại rằng sự giảm tốc của kinh tế toàn cầu và lãi suất sẽ ảnh hưởng bất lợi đến lợi nhuận của các ngân hàng.
Cổ phiếu Apple chốt phiên tăng 0,7% dù chịu áp lực từ tuyên bố của hãng sản xuất con chip Qualcomm nói rằng hãng này đã giành được phán quyết sơ bộ từ một tòa án Trung Quốc cấm nhập khẩu và bán nhiều mẫu điện thoại iPhone ở Trung Quốc với lý do vi phạm bằng sáng chế.
Trên sàn NYSE, số mã cổ phiếu giảm giá nhiều gấp 2,17 lần số mã tăng. Trên sàn Nasdaq, tỷ lệ tương ứng là 1,47 lần.
Các nhà giao dịch ở Phố Wall chuyển nhượng tổng cộng 8,4 tỷ cổ phiếu phiên này, so với mức bình quân 8,01 tỷ cổ phiếu mỗi phiên của 20 ngày giao dịch gần nhất.