07:45 15/10/2008

Chứng khoán Mỹ đồng loạt mất điểm

Duy Cường

Ngày 14/10, chứng khoán Mỹ đã giảm điểm dù chính phủ nước này công bố kế hoạch “giải cứu” trị giá 250 tỷ USD

Cổ phiếu khối ngân hàng đã lên điểm mạnh nhưng không giúp chứng khoán Phố Wall khởi sắc - Ảnh: Reuters.
Cổ phiếu khối ngân hàng đã lên điểm mạnh nhưng không giúp chứng khoán Phố Wall khởi sắc - Ảnh: Reuters.
Ngày 14/10, chứng khoán Mỹ đã giảm điểm dù chính phủ nước này công bố kế hoạch “giải cứu” 9 ngân hàng trị giá 250 tỷ USD.

Kế hoạch 250 tỷ USD không giúp Phố Wall khởi sắc


Giá dầu thô kỳ hạn giao tháng 11 tại NYMEX trong ngày 14/10 đã giảm 2,56 USD/thùng, tương đương -3,2%, đóng cửa ngày giao dịch ở mức 78,63 USD/thùng.

Ngày 14/10, Chính phủ Mỹ đã công bố kế hoạch trị giá 250 tỷ USD (trong gói 700 tỷ USD vừa được phê duyệt hồi đầu tháng 10) nhằm mua lại cổ phần của các ngân hàng hàng đầu nước này.

Theo đó, Bộ Tài chính Mỹ sẽ mua cổ phần ưu đãi của 9 tập đoàn tài chính lớn của nước này nhưng không đầu tư quá 25 tỷ USD/1 tập đoàn. Theo CNBC, 9 tổ chức tài chính đó bao gồm: Bank of America, Wells Fargo, Citigroup, JPMorgan Chase, Goldman Sachs, Morgan Stanley, Bank of New York, State Street và Merrill Lynch.

Liên quan đến kết quả kinh doanh của PepsiCo, tập đoàn này thông báo, trong quý 3/2008 họ đã đạt được 1,58 tỷ USD lợi nhuận sau thuế, tương đương 99 cent/cổ phiếu, thấp hơn mức 1,74 tỷ USD (1,06 cent/cổ phiếu) của cùng kỳ năm ngoái. Ngoài ra, PepsiCo cũng cho biết sẽ cắt giảm 3.300 việc làm.

Bên cạnh đó, Tập đoàn Johnson & Johnson thông báo trong quý 3 đã đạt 3,31 tỷ USD lợi nhuận ròng, tương đương 1,17 USD/cổ phiếu, tăng 30% so với mức 2,55 tỷ USD (88 cent/cổ phiếu) của cùng kỳ năm 2007.

Trong khi đó, nhà sản xuất chíp máy tính lớn nhất thế giới, Intel cho biết, trong quý 3/2008, lợi nhuận sau thuế của họ đạt 2,01 tỷ USD, tương đương 35 cent/cổ phiếu, từ 1,86 tỷ USD (31 cent/cổ phiếu) của cùng kỳ năm 2007.

Đóng cửa ngày giao dịch, cổ phiếu của PepsiCo giảm 11,93%, cổ phiếu Johnson & Johnson tăng 2,1%, cổ phiếu Intel giảm 6,24%.

Chứng khoán Mỹ phiên này đã giảm điểm sau khi tăng trên 11% phiên trước đó. Kết quả kinh doanh trong quý 3 của PepsiCo đã làm gia tăng sự lo ngại về kết quả kinh doanh của ngành và tác động tới giá cổ phiếu. Trong đó, cổ phiếu của hãng Coca Cola bị ảnh hưởng mạnh nhất khi mất tới 7,5% và trở thành cổ phiếu giảm điểm nhiều nhất trong chỉ số Dow Jones.

Ngoài ra, trước khi hãng Intel công bố kết quả kinh doanh thì giới phân tích đã dự báo bi quan về mức lợi nhuận hãng có thể đạt được nên đã đẩy giá cổ phiếu Intel sụt giảm nói riêng và cả khối công nghệ nói chung. Nhưng sau khi thị trường đóng cửa, Intel công bố kết quả kinh doanh khả quan, thì cổ phiếu của hãng này đã tăng trở lại.

Trong phiên này, các cổ phiếu khối ngân hàng, đặc biệt là cổ phiếu của 9 ngân hàng được cho là nằm trong danh sách sẽ được chính phủ mua lại cổ phần đã tăng điểm mạnh, trong đó, cổ phiếu Bank of America lên 16,41%, Citigroup tăng 18,2%, Wells Fargo tiến thêm 10,26%, Goldman Sachs tăng 10,72%, Morgan Stanley lên 21,22%,...

Như vậy, dù kế hoạch chi 250 tỷ USD có thể giúp cổ phiếu khối ngân hàng tăng điểm ấn tượng nhưng không thể giúp toàn thị trường lên điểm.

Trên sàn chứng khoán New York, khối lượng giao dịch phiên này đạt 1,88 tỷ cổ phiếu, thị trường cứ có 17 mã mất điểm thì có 15 mã lên điểm. Trên sàn Nasdaq, khối lượng giao dịch đạt 2,89 tỷ cổ phiếu, thị trường cứ có 2 cổ phiếu mất điểm thì có 1 cổ phiếu lên điểm.

Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 76,62 điểm, tương đương -0,82%, đóng cửa ở mức 9.310,99.

Chỉ số Nasdaq phiên này giảm 65,24 điểm, tương đương -3,54%, chốt ở mức 1.779,01.

Cuối cùng, chỉ số S&P 500 hạ 5,34 điểm, tương đương -0,53%, đóng cửa ở mức 998,01.

Chứng khoán châu Âu vẫn lên điểm

Ngày 14/10, Cơ quan thống kê của Anh thông báo, lạm phát của nước này trong tháng Chín đã tăng lên 5,2% so với cùng kỳ năm ngoái, từ 4,7% trong tháng Tám. Như vậy, mức tăng này đã cao hơn 3,2% so với mục tiêu mà chính phủ nước này đề ra trước đó. Tuần trước, Ngân hàng Trung ương Anh đã cắt giảm lãi suất cơ bản đồng bảng Anh từ 5% xuống 4,5%.

Chứng khoán châu Âu tiếp tục lên điểm ngày thứ hai trong tuần dù biên độ tăng đã thấp hơn nhiều so với phiên đầu tuần. Cổ phiếu khối ngân hàng và năng lượng tiếp tục là nhân tố đầu tàu giúp thị trường khởi sắc. Trong đó, cổ phiếu Ngân hàng Barclays lên 14,3%, cổ phiếu UBS tăng 12%, Societe Generale tiến thêm 8,2%...

Ngay khi thị trường mở cửa, các chỉ số đã đồng loạt tăng điểm với biên độ lớn và đà tăng tiếp tục duy trì. Tuy nhiêu, đến đầu giờ chiều, các chỉ số đã bất ngờ sụt giảm nhưng vẫn ở mức cao hơn phiên trước đó.

Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số FTSE 100 của Anh tiếp tục tăng 137,31 điểm, tương đương 3,23%, đóng cửa ở mức 4.394,21, khối lượng giao dịch đạt 3,2 tỷ cổ phiếu.

Chỉ số DAX của Đức phiên này lên 2,7%, khối lượng giao dịch đạt 82,47 triệu cổ phiếu. Chỉ số CAC 40 của Pháp tăng 2,75%, khối lượng giao dịch đạt 307 triệu cổ phiếu.

Chứng khoán châu Á tiếp tục thẳng tiến

Mức tăng trên 11% của thị trường chứng khoán châu Âu và Mỹ trong phiên giao dịch ngày 13/10 đã hỗ trợ mạnh cho thị trường châu Á. Bên cạnh đó, tin vui Chính phủ Mỹ sẽ sớm công bố khoản chi 250 tỷ USD để giải cứu thị trường, trong đó Bộ Tài chính sẽ chi 125 tỷ USD để mua cổ phần của 9 ngân hàng lớn nhất ở Mỹ, đã tiếp sức thêm cho đà tăng của chứng khoán khu vực.

Do đó, ngay khi thị trường mở cửa, các chỉ số chứng khoán châu Á đã đồng loạt tăng mạnh, trong đó, chỉ số Nikkei 225 của Nhật đã tăng hơn 10% ngay khi thị trường mở cửa.

Chứng khoán Nhật phiên giao dịch hôm thứ Ba đã có phiên giao dịch gây gốc bởi biên độ tăng của chỉ số Nikkei 225là hơn 14%, mức tăng cao nhất trong vòng 58 năm qua.

Nguyên nhân giúp thị trường tăng điểm ấn tượng là do cá chính phủ trên khắp thế giới cong bố các gói giải phát giải cứ thị trường. Bên cạnh đó, do thị trường nghỉ giao dịch hôm đầu tuân nên sức tăng được “gộp” trong ngày giao dịch đầu tiên trong tuần này.

Ngoài ra, trong tuần trước, chỉ số Nikkei 225 đã mất tới 24%, nên khi xuất hiện các thông tin hỗ trợ, các nhà đầu tư đã đồng loạt tăng mạnh gom cổ phiếu trong khi lệnh bán được tung ra không nhiều.

Các cổ phiếu khối ngân hàng đã có phiên giao dịch thành công khi biên độ tăng của khối này đã lên đến 15,3%, trong đó, cổ phiếu Mitsubishi UFJ Financial Group tăng 14,1%, cổ phiếu Sumitomo Mitsui Financial Group lên 16,9%...

Đồng USD lên giá so với đồng Yên nên đã giúp cổ phiếu của các nhà xuất khẩu lớn tăng vọt, trong đó, cổ phiếu của Toyota Motor lên 15,5%, cổ phiếu Honda Motor tăng 17,8%, cổ phiếu Nissan Motor và Mazda Motor tăng lần lượt là 17,2 và 9%. Cổ phiếu của Canon lên 16,1%.

Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số Nikkei 225 tăng 1.171,14 điểm, tương đương 14,25%, đóng cửa ở mức 9.447,57. Khối lượng giao dịch phiên này đạt 2,38 tỷ cổ phiếu, thị trường cứ có 67 cổ phiếu lên điểm thì có 1 cổ phiếu mất điểm.

Điểm qua các thị trường khác: chỉ số Taiwan Weighted của Đài Loan lên 5,4%. Chỉ số Straits Times của Singapore tăng 3,48%. Chỉ số KOSPI của Hàn Quốc tiến thêm 6,14%. Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông tiếp tục tăng 3,14%.

Trong khi đó, chỉ số Shanghai Composite của Trung Quốc lại bất ngờ mất điểm vào cuối ngày giao dịch với biên độ giảm 2,71%.

Thị trường

Chỉ số

Phiên trước Đóng cửa Tăng / giảm (điểm) Tăng / giảm (%)
Mỹ Dow Jones 9.387,61 9.310,99 Down  76,62  Down 0,82
Nasdaq 1.844,25 1.779,01 Down  65,24 Down 3,54
S&P 500 1.003,35 998,01 Down    5,34 Down 0,53
Anh FTSE 100 4.256,90 4.345,18 Up  88,28 Up 2,07
Đức DAX 5.062,45 5.207,17  Up144,72 Up 2,86
Pháp CAC 40 3.531,50 3.651,86  Up120,36 Up 3,41
Đài Loan Taiwan Weighted 5.020,44 5.291,56 Up271,12 Up 5,40
Nhật Nikkei 225 8.276,43 9.455,62  Up1.179,19 Up14,25
Hồng Kông Hang Seng 16.312,16 16.832,90  Up520,72 Up 3,19
Hàn Quốc KOSPI Composite 1.288,53 1.367,69 Up  79,16 Up 6,14
Singapore Straits Times 2,081.28 2.148,65 Up  72,30 Up 3,48
Trung Quốc Shanghai Composite 2.073,57 2.017,32 Down  56,25 Down 2,71
Nguồn:  CNBC, Thomson Reuters, Bloomberg