Chứng khoán Mỹ giảm điểm khi nhà đầu tư băn khoăn về lãi suất Fed, giá dầu tăng sau động thái của Saudi Arabia
Nhờ mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý 1/2023 tốt hơn dự báo và kỳ vọng rằng Fed có thể sắp tạm dừng chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ, S&P 500 đến nay đã tăng gần 20% kể từ mức đáy thiết lập hồi tháng 10 năm ngoái...
Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Hai (5/6), khi nhà đầu tư đánh giá về khả năng liệu Cục Dự trữ Liên bang (Fed) có tạm dừng tăng lãi suất trong cuộc họp sắp tới và cổ phiếu Apple có lúc đạt mức cao kỷ lục. Giá dầu thô tăng nhờ quyết định đơn phương cắt giảm sản lượng dầu thêm 1 triệu thùng/ngày mà Saudi Arabia đưa ra vào cuối tuần.
Apple giảm 0,8% sau khi hãng công nghệ Mỹ trình làng sản phẩm kính thực tế tăng cường (AR) mang tên Vision Pro - đánh dấu cuộc đặt cược lớn nhất và rủi ro nhất của “táo khuyết” kể từ khi điện thoại iPhone ra mắt. Trong phiên, có thời điểm cổ phiếu của công ty có giá trị vốn hoá thị trường “khủng” nhất thế giới tăng tới 2,2%, đạt mức cao nhất mọi thời đại.
Hôm thứ Sáu, chỉ số S&P 500 - thước đo rộng nhất của chứng khoán Mỹ - đóng cửa ở mức cao nhất 9 tháng sau khi Bộ Lao động Mỹ công bố báo cáo cho thấy tốc độ tăng trưởng tiền lương chậm lại và tỷ lệ thất nghiệp tăng lên trong tháng 5.
Nhờ mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý 1/2023 tốt hơn dự báo và kỳ vọng rằng Fed có thể sắp tạm dừng chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ, S&P 500 đến nay đã tăng gần 20% kể từ mức đáy thiết lập hồi tháng 10 năm ngoái. Dẫn đầu sự tăng điểm này là các cổ phiếu công nghệ vốn hoá lớn như Apple, Nvidia và Microsoft.
Phiên đầu tuần, kỳ vọng về việc Fed tạm dừng tăng lãi suất đã gia tăng khi một cuộc khảo sát từ Viện Quản lý nguồn cung Mỹ (ISM) cho thấy ngành dịch vụ của nước này gần như không tăng trưởng trong tháng 5 do số đơn hàng mới tăng chậm lại, khiến giá đầu vào của doanh nghiệp giảm xuống mức thấp nhất 3 năm - một nhân tố có thể giúp ích cho cuộc chiến chống lạm phát của Fed.
“Về Fed mà nói, tin xấu đó đồng nghĩa với tin tốt. Tin xấu, tức là các báo cáo cho thấy kinh tế suy yếu, thực chất lại là tin tốt vì làm gia tăng khả năng Fed tạm dừng chuỗi tăng lãi suất trên cơ sở tin rằng Fed đã bắt đầu kéo được lạm phát xuống”, chiến lược gia trưởng Tim Ghriskey của công ty Ingalls & Snyder ở New York nhận định với hãng tin Reuters.
Trên thị trường lãi suất tương lai, các nhà giao dịch đang đặt cược khả năng 80% Fed giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp vào ngày 13-14/6. Tuy nhiên, họ cho rằng Fed sẽ tăng lãi suất vào tháng 7.
Lúc đóng cửa, S&P 500 giảm 0,2%, còn 4.273,79 điểm. Chỉ số Dow Jones giảm 199,9 điểm, tương đương giảm gần 0,59%, còn 33.562,86 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 0,09%, còn 13.229,43 điểm.
Giá dầu thô Brent giao sau tại London tăng 0,58 USD/thùng, đóng cửa ở mức 76,71 USD/thùng. Giá dầu WTI tăng 0,41 USD/thùng, chốt ở 72,15 USD/thùng.
Trong phiên, có lúc giá dầu Brent đạt 78,73 USD/thùng và giá dầu WTI đạt 75,06 USD/thùng. Trước phiên này, giá cả hai loại dầu cùng tăng 2% trong phiên ngày thứ Sáu.
Hôm Chủ nhật, Saudi Arabia tuyên bố giảm sản lượng khai thác dầu từ mức khoảng 10 triệu thùng/ngày vào tháng 5 xuống còn 9 triệu thùng/ngày từ tháng 7 cho tới hết năm. Đây là đợt cắt giảm sản lượng tự nguyện lớn nhất của Saudi Arabia trong mấy năm trở lại đây, và được đưa ra trong bối cảnh nhóm OPEC+ hạn chế sản lượng dầu để hỗ trợ giá dầu.
OPEC+ là liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) mà Saudi Arabia là thủ lĩnh không chính thức và một số thành viên ngoài khối gồm Nga. OPEC+ chiếm khoảng 40% sản lượng dầu thô của thế giới và đã giảm sản lượng tổng cộng khoảng 3,66 triệu thùng dầu/ngày, tương đương 3,6% tổng nhu cầu tiêu thụ dầu của toàn thế giới mỗi ngày.
Ông Fatih Birol, người đứng đầu Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) nói rằng khả năng giá dầu tăng đã tăng mạnh sau khi Saudi Arabia đưa ra quyết định giảm sản lượng vừa rồi.
Theo nhà phân tích Phil Flynn của công ty Price Futures Group, thị trường đang cố gắng đánh giá ảnh hưởng của động thái cắt giảm sản lượng của Saudi Arabia. “Giá dầu có vẻ xem đây là một nhân tố giá lên, và đúng là như vậy”, ông Flynn nói.
Nhà phân tích Bjarne Schieldrop của SEB cho rằng phản ứng của thị trường trong phiên ngày thứ Hai là tương đối mờ nhạt, vì những đợt giảm sản lượng trước của OPEC+ đã không thể đưa giá dầu tăng được lâu.
Công ty tư vấn năng lượng Rystad Energy nói việc Saudi Arabia giảm thêm sản lượng có thể làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu hụt dầu, đưa mức thiếu cung dầu toàn cầu lên hơn 3 triệu thùng/ngày trong tháng 7, từ đó đẩy giá dầu tăng cao hơn trong những tuần tới.
Các nhà phân tích của ngân hàng Goldman Sachs thì nói quyết định giảm sản lượng của Riyadh có “tác động giá lên vừa phải” đối với thị trường dầu và có thể đưa giá dầu Brent giao cuối năm nay tăng thêm 1-6 USD/thùng tuỳ thuộc vào việc Saudi Arabia giữ mức sản lượng 9 triệu thùng/ngày trong bao lâu.
“Ảnh hưởng tức thì đến thị trường của việc Saudi Arabia giảm sản lượng có thể là thấp hơn nhiều, vì sẽ mất thời gian để lượng dầu tồn kho giảm xuống”, báo cáo của Goldman Sachs nhận định.