Chứng khoán Mỹ giảm điểm sau số liệu kinh tế gây thất vọng, dầu thô cũng tụt giá
Báo cáo niềm tin tiêu dùng khiến nhà đầu tư bi quan về tình trạng của nền kinh tế Mỹ, giữa lúc đang lo rằng Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sẽ phải giữ lãi suất trong thời gian lâu hơn để chống lạm phát...
Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu, khi số liệu niềm tin tiêu dùng không đạt kỳ vọng khiến nhà đầu tư thêm phần lo ngại về sức khoẻ nền kinh tế. Mối lo này, cộng thêm đà tăng của đồng USD, khiến dầu thô có thêm một phiên giảm giá.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones giảm 8,89 điểm, tương đương giảm 0,03%, còn 33.300,62 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 0,35%, còn 12.284,74 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 0,16%, còn 4.124,08 điểm.
Số liệu sơ bộ tháng 5 của chỉ số niềm tin người tiêu dùng Mỹ do Đại học Michigan thực hiện cho thấy chỉ số tụt còn 57,7 điểm, mức thấp nhất trong 6 tháng. Trước đó, các chuyên gia kinh tế được hãng tin Dow Jones khảo sát dự báo chỉ số đạt 63 điểm. Kết quả khảo sát cũng cho thấy mức kỳ vọng của người tiêu dùng Mỹ về lạm phát trong 5 năm tới tăng lên 3,2%, cao nhất kể từ năm 2008.
Báo cáo này khiến nhà đầu tư bi quan về tình trạng của nền kinh tế Mỹ, giữa lúc đang lo rằng Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sẽ phải giữ lãi suất trong thời gian lâu hơn để chống lạm phát.
Ngoài ra, thị trường còn đang dõi theo cuộc đàm phán trần nợ của Washington. Theo hãng tin CNBC, một cuộc họp nữa giữa Tổng thống Joeb Biden và các nhà lãnh đạo Quốc hội Mỹ để bàn về trần nợ lẽ ra diễn ra vào ngày thứ Sáu tuần này đã được dời sang tuần tới.
“Không một nhóm cổ phiếu ngành nào thể hiện một xu hướng tăng hay giảm một cách thuyết phục. Điều này cho thấy tâm lý hoang mang, thiếu quyết đoán đang chi phối thị trường”, chuyên gia quản lý danh mục Joe Cusick của Calamos Investments nhận định.
Tuần này, S&P 500 và Dow Jones cùng giảm tuần thứ hai liên tiếp, với mức giảm tương ứng là 0,29% và 1,11%. Riêng Nasdaq tăng 0,4% trong tuần.
Cổ phiếu nhiều ngân hàng khu vực tiếp tục giảm trong phiên ngày thứ Sáu, khi mối lo về cuộc khủng hoảng ngân hàng vẫn tiếp diễn. Tuy nhiên, tốc độ giảm đã được hãm lại so với phiên ngày thứ Năm - phiên mà nhóm này bị bán tháo, với PacWest “bốc hơi 23%. Phiên này, PacWest giảm 2,9%; PNC giảm khoảng 1%, và Zions Bancorp giảm 1,1%.
Trong khi đó, số liệu giá cả bán buôn yếu hơn dự báo mà Bộ Lao động Mỹ công bố ngày thứ Năm, một dấu hiệu cho thấy lạm phát xuống tháng, đã không thể xoa dịu mối lo của nhà đầu tư về nguy cơ xảy ra một cuộc suy thoái trong nền kinh tế. Hôm thứ Tư, Bộ Lao động Mỹ công bố báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cũng cho thấy lạm phát đang dịu đi, nhưng tốc độ giảm chậm chạp, khiến nhà đầu tư cho rằng Fed khó cắt giảm lãi suất trong năm nay. Fed càng giữ lãi suất cao trong thời gian dài, áp lực suy thoái đối với nền kinh tế sẽ càng lớn.
Phát biểu ngày thứ Sáu, Thống đốc Fed Michelle Bowman nói rằng Fed có thể sẽ phải tăng lãi suất thêm nếu lạm phát còn cao. Bà nói các số liệu kinh tế công bố trong tháng này khiến bà chưa cảm thấy tin tưởng rằng áp lực giá cả đang giảm xuống.
Giá dầu thô Brent giao sau tại London giảm 0,81 USD/thùng, tương đương giảm 1,1%, còn 74,17 USD/thùng. Giá dầu thô WTI giao sau tại New York giảm 0,83 USD/thùng, tương đương giảm 1,2%, còn 70,04 USD/thùng.
Tính cả tuần, giá hai loại dầu giảm khoảng 1,5%, đánh dấu tuần giảm thứ ba liên tiếp. Tuy vẫn được hỗ trợ bởi sự suy yếu nguồn cung, giá dầu còn chịu áp lực giảm từ mối lo mới về triển vọng kinh tế Mỹ và Trung Quốc.
Đồng USD tiếp tục tăng giá trong phiên ngày thứ Sáu là một nguyên nhân nữa khiến dầu trượt giá. Chốt phiên, chỉ số Dollar Index tăng hơn 0,6%, chốt ở mức hơn 102,7 điểm.
Cả tuần, chỉ số tăng gần 1,5%, đánh dấu tuần tăng mạnh nhất kể từ tháng 2. Bạc xanh đang phát huy mạnh vai trò kênh đầu tư an toàn trong bối cảnh bấp bênh vì khủng hoảng trần nợ và khủng hoảng ngân hàng Mỹ.
“Sự thiếu niềm tin vào nền kinh tế đang dẫn tới nhu cầu mua đồng USD, một tài sản được coi là an toàn hơn, và gây ra mối bi quan về nhu cầu tiêu thụ dầu”, nhà quản lý quỹ John Kilduff của Again Capital LLC nhận định.
Nhiều tổ chức dự báo cho rằng thị trường dầu toàn cầu sẽ rơi vào tình trạng thiếu cung trong nửa sau của năm nay. Điều này giúp nâng đỡ giá dầu, cho dù Bộ trưởng Bộ Dầu lửa Iraq Hayan Abdel-Ghani nói với hãng tin Reuters vào hôm thứ Sáu ông không cho rằng OPEC+ sẽ đưa ra quyết định cắt giảm thêm sản lượng trong cuộc họp tiếp theo ở Vienna vào ngày 4/6.
OPEC+ là liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và một số thành viên ngoài khối gồm Nga. Trong một báo cáo công bố hôm thứ Năm, OPEC giữ nguyên dự báo nhu cầu dầu toàn cầu năm nay, bày tỏ tin tưởng rằng tăng trưởng nhu cầu ở Trung Quốc sẽ giúp bù đắp lại sự suy yếu nhu cầu ở các nền kinh tế khác.
Tuần này, giá dầu còn được hỗ trợ sau khi Bộ trưởng Bộ Năng lượng Mỹ Jennifer Granholm phát tín hiệu nước này có thể sắp mua vào dầu thô để làm đầy dự trữ chiến lược (SPR) sau đợt xả dự trữ nhằm hạ nhiệt giá dầu theo quyết định của Tổng thống Joe Biden vào năm ngoái.