Chứng khoán Mỹ giảm điểm vì kinh tế Trung Quốc sụt tốc
Nhà đầu tư suy giảm tâm lý ham thích rủi ro, cho dù các doanh nghiệp niêm yết tiếp tục báo cáo kết quả kinh doanh khả quan
Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu, khi những thông tin xấu về hai công ty lớn là Johnson & Johnson và Boeing, cùng với dữ liệu u ám về kinh tế Trung Quốc, khiến nhà đầu tư suy giảm tâm lý ham thích rủi ro, cho dù các doanh nghiệp niêm yết tiếp tục công bố những báo cáo kết quả kinh doanh khả quan.
Cả ba chỉ số cùng kết thúc phiên trong trạng thái giảm điểm, nhưng S&P 500 và Nasdaq có một tuần tăng. Dow Jones giảm nhẹ so với mức chốt của tuần trước.
Boeing và Johnson & Johnson là hai cổ phiếu gây áp lực giảm điểm lớn nhất lên S&P 500 và Dow Jones trong phiên này.
Cổ phiếu Boeing trượt 6,8% sau khi hãng tin Reuters nói rằng những dòng tin nhắn giữa hai nhân viên của hãng cho thấy tập đoàn sản xuất máy bay này đã không nói sự thật với Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) về độ an toàn của 737 Max. Đây là dòng phi cơ đang bị đình bay sau 2 vụ rơi liên tiếp vào cuối năm ngoái ở Indonesia và đầu năm nay ở Ethiopia.
Johnson & Johnson tuyên bố sẽ thu hồi sản phẩm phấn rôm trẻ em tại Mỹ sau khi cơ quan chức năng phát hiện thấy có chất a-mi-ăng trong một mẫu sản phẩm. Thông tin này khiến cổ phiếu Johnson & Johnson sụt 6,2%.
Trước đó cùng ngày, Tổng cục Thống kê Trung Quốc cho biết tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 3 của nước này chỉ tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng thấp nhất trong gần 30 năm do ảnh hưởng của thương chiến Mỹ-Trung. Dữ liệu này làm dấy lên nỗi lo về sự giảm tốc tăng trưởng lan rộng mạnh mẽ trên phạm vi toàn cầu.
Tuần này, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới 2019 còn 3%, mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính.
"Đang có những dấu hiệu cho thấy nền kinh tế suy yếu nhanh chóng", ông Peter Cardillo, chuyên gia kinh tế trưởng thuộc Spartan Capital Securities, nhận xét. Theo ông Cardillo, phiên giảm này của chứng khoán Mỹ chắc chắn là kết quả từ tin tức về GDP của Trung Quốc, Boeing và Johnson & Johnson", nhưng thị trường nói chung vẫn lạc quan về báo cáo lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết.
Trong số 73 công ty thuộc S&P 500 đã báo cáo kết quả kinh doanh quý 3/2019 tính đến thời điểm này, trong đó có 83,6% báo lãi vượt dự kiến, theo dữ liệu của Refinitiv.
Tuy nhiên, giới phân tích hiện dự báo lợi nhuận của các công ty trong S&P 500 giảm 3,1% trong quý 3 so với cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu quý giảm đầu tiên kể từ quý 2/2016.
Cổ phiếu American Express giảm 2% phiên này, dù hãng thẻ tín dụng hàng đầu thế giới báo lợi nhuận quý 3 tốt hơn dự báo. Cổ phiếu hãng đồ uống Coca-Cola tăng 1,8% nhờ doanh thu vượt dự báo và triển vọng lợi nhuận tốt lên.
Lúc đóng cửa, Dow Jones giảm 0,95%, còn 26.770,2 điểm. S&P 500 giảm 0,39%, còn 2.986,2 điểm. Nasdaq giảm 0,83%, còn 8.089,54 điểm.
Trong số 11 nhóm cổ phiếu ngành chính của S&P 500, có 7 nhóm chốt phiên trong sắc đỏ. Mức giảm mạnh nhất thuộc về các nhóm công nghệ, dịch vụ truyền thông và công nghiệp.
Trên sàn NYSE, số mã cổ phiếu giảm giá nhiều gấp 1,03 lần số mã tăng. Trên sàn Nasdaq, tỷ lệ tương ứng là 1,41 lần.
Có tổng cộng 6,24 tỷ cổ phiếu được chuyển nhượng thành công ở Phố Wall phiên này, so với mức bình quân 6,55 tỷ cổ phiếu mỗi phiên của 20 ngày giao dịch gần nhất.
Tính cả tuần, Dow Jones giảm 0,2%; S&P 500 tăng 0,5% và Nasdaq tăng 0,4%.