Chứng khoán Mỹ giảm mạnh, giá dầu tiếp tục bay cao
“Tin tốt lại là tin xấu… Diễn biến của thị trường sau báo cáo này nhắc nhở chúng ta rằng Fed vẫn sẽ là nhân tố gây ảnh hưởng lớn nhất, ít nhất trong cảm xúc của nhà đầu tư”...
Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu (3/6), khi nhà đầu tư nghiền ngẫm về báo cáo việc làm tốt hơn dự báo và triển vọng chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Giá dầu giữ đà tăng, bất chấp việc OPEC+ đẩy nhanh việc tăng sản lượng.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones giảm 348,58 điểm, tương đương giảm 1,1%, còn 32.899,7 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 1,6%, còn 4.108,54 điểm. Chỉ số Nasdaq trượt 2,5%, còn 12.012,73 điểm.
Cả ba chỉ số cùng giảm điểm trong tuần này - tuần chỉ có 4 phiên giao dịch do kỳ nghỉ Memorial Day rơi vào ngày thứ Hai. Tính cả tuần, S&P 500 giảm 1,2%; Dow Jones và Nasdaq mất gần 1% mỗi chỉ số.
Phiên này, thị trường đón nhận báo cáo việc làm tháng 5 từ Bộ Lao động Mỹ với những con số cho thấy hoạt động tuyển dụng ở nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn duy trì ở mức cao. Khu vực phi nông nghiệp của Mỹ có thêm 390.000 công việc mới trong tháng vừa qua, cao hơn nhiều so với mức dự báo 328.000 công việc mới mà các chuyên gia kinh tế đưa ra. Tiền lương bình quân theo giờ tăng 0,3%, thấp hơn so với mức dự báo tăng 0,4% và bằng với mức tăng của tháng 4.
“Tin tốt lại là tin xấu… Diễn biến của thị trường sau báo cáo này nhắc nhở chúng ta rằng Fed vẫn sẽ là nhân tố gây ảnh hưởng lớn nhất, ít nhất trong cảm xúc của nhà đầu tư”, giám đốc nghiên cứu Mark Hackett của Nationwide nhận định. Những dữ liệu kinh tế tích cực sẽ là cơ sở để Fed duy trì tiến độ thắt chặt chính sách tiền tệ mạnh tay nhằm kéo lại phát xuống. Lãi suất tăng là một nguyên nhân khiến chứng khoán Mỹ chật vật từ đầu năm đến nay.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đi lên sau khi báo cáo việc làm được công bố, với lợi suất của kỳ hạn 10 năm vượt mốc 2,9%.
“Những con số kinh tế mạnh như thế này sẽ đảo ngược bất kỳ hy vọng nào rằng Fed sẽ xem xét việc tạm dừng nâng lãi suất sau các đợt nâng vào tháng 6 và tháng 7, vì là một tín hiệu cho thấy thị trường lao động vẫn đang rất thắt chặt”, chuyên gia Tom Essaye của Sevens Report phát biểu.
Cùng ngày thứ Sáu, Chủ tịch Fed chi nhánh Cleveland, bà Loretta Mester, nói rằng bà ủng hộ việc tăng mạnh lãi suất trong thời gian tới vì chưa thấy có đủ bằng chứng về việc lạm phát đã đạt đỉnh.
“Tôi không muốn công bố chiến thắng lạm phát trước khi tôi thực sự chứng kiến bằng chứng thuyết phục rằng hành động của chúng ta đang bắt đầu phát huy tác dụng kéo nhu cầu xuống để cân bằng với nguồn cung”, bà Mester nói với hãng tin CNBC.
Giới đầu tư lo ngại rằng lãi suất tăng cao có thể khiến nền kinh tế giảm tốc tới mức rơi vào suy thoái. Lãi suất cao cũng làm giảm giá trị của các khoản lợi nhuận tương lai, làm cho cổ phiếu trở nên kém hấp dẫn, nhất là các cổ phiếu có mức tăng trưởng cao và cổ phiếu công nghệ.
Loạt cổ phiếu công nghệ giảm mạnh trong phiên ngày thứ Sáu. Micron Technology trượt 7,2%; Nvdia giảm 4,5%; Alphabet và Meta Platforms giảm tương ứng 2,6% và 4,1%; Apple mất 3,9% giá trị; Tesla lao dốc 9,2% sau khi hãng tin Reuters đưa tin nói rằng CEO Elon Musk muốn cắt giảm 10% số nhân viên trong công ty.
Thông tin về kế hoạch cắt giảm nhân sự của Tesla được đưa ra sau cảnh báo của các công ty lớn khác trong tuần này. Hôm thứ Tư, CEO Jamie Dimon của JPMorgan Chase cho ràng một “trận bão” kinh tế sắp xảy đến trong bối cảnh cuộc chiến tranh ở Ukraine và chính sách tiền tệ thắt chặt của Fed. Hôm thứ Năm, Microsoft cắt giảm dự báo doanh thu và lợi nhuận, đề cập đến diễn biến bất lợi về tỷ giá.
“Thị trường đã dịch chuyển nhiều từ ‘mua khi giá xuống’ trong năm ngoái sang ‘bán khi giá lên’ trong năm nay. Tuần trước, thị trường tăng điểm và tuần này, thị trường lại giảm. Phiên trước tăng thì phiên này lại giảm”, ông Hackett nói. “Rất khó để có những tuần hoặc những phiên tăng liên tiếp, vì có một mối lo rất lớn là mọi người sẽ xem bất kỳ một mẩu tin tức tốt nào là cơ hội để bán”.
Giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London tăng 1,8 USD/thùng, tương đương tăng 1,5%, chốt ở 119,41 USD/thùng. Giá dầu WTI tăng 1,8 USD/thùng, tương đương tăng 1,5%, chốt ở 118,67 USD/thùng.
Dầu tăng giá khi giới đầu tư cho rằng việc Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và đồng minh, hay còn gọi là liên minh OPEC+, đẩy nhanh tốc độ tăng sản lượng sẽ không có nhiều tác dụng trong việc giải toả nguồn cung dầu đang thắt chặt trên toàn cầu. Thị trường cung tin nhu cầu tiêu thụ dầu sẽ gia tăng khi Trung Quốc giãn các hạn chế chống Covid.
Hôm thứ Năm, OPEC+ quyết định sẽ tăng sản lượng khai thác dầu 648.000 thùng/ngày mỗi tháng trong tháng 7 và tháng 8, thay vì mức tăng 432.000 thùng/ngày áp dụng trước đó.
Đến tuần này, giá dầu đã tăng 6 tuần liên tiếp và giá bán lẻ xăng ở Mỹ lại lập kỷ lục mới. Diễn biến này làm dấy lên một cuộc tranh luận ở Mỹ về việc áp hạn chế xuất khẩu xăng dầu và đánh thuế lợi nhuận gia tăng đối với các công ty dầu khí.
Theo giới phân tích, dù OPEC+ cam kết tăng sản lượng mạnh hơn, mức khai thác thực tế của khối có thể không đạt hạn ngạch đề ra, vì hạn ngạch được phân bổ cho các thành viên bao gồm cả Nga - nước đang có sản lượng khai thác dầu sa sút do ảnh hưởng của các biện pháp trừng phạt.
“Có thể, OPEC+ vẫn sẽ cung cấp cho thị trường ít dầu hơn nhiều so với kế hoạch, và bởi vậy không mang lại được sự giải toả như kỳ vọng”, nhà phân tích Carsten Fritsche của Commerzbank nhận định.
Trong một dấu hiệu cho thấy sự thắt chặt của nguồn cung, báo cáo hàng tuần của Bộ Năng lượng Mỹ công bố hôm thứ Năm cho thấy tồn kho dầu thô của nước này giảm 5,1 triệu thùng trong tuần trước, mức giảm mạnh hơn dự báo. Tồn kho xăng cũng sụt giảm. Trái lại, nhu cầu tiếp tục tăng. Hai thành phố lớn của Trung Quốc là Thượng Hải và Bắc Kinh bắt đầu nới các hạn chế, trong khi Chính phủ nước này cam kết kích thích nền kinh tế.
Trên thị trường tiền ảo, giá Bitcoin chững dưới 30.000 USD. Lúc gần 9h sáng nay (4/6) theo giờ Việt Nam, giá Bitcoin theo dữ liệu từ Coinmarketcap.com đứng ở 29.580 USD, giảm hơn 3% so với trước đó 24 tiếng.