09:15 25/01/2025

Chứng khoán Mỹ giảm sau khi lập kỷ lục mới, giá dầu lao dốc tuần này

Bình Minh

Dù vậy, tâm lý chung của giới đầu tư cổ phiếu ở Phố Wall vẫn là lạc quan về các chính sách thân thiện với kinh doanh của ông Trump...

Ảnh minh họa - Ảnh: Bloomberg.
Ảnh minh họa - Ảnh: Bloomberg.

Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu (24/1) dù có lúc thiết lập kỷ lục nội phiên mới, do nhà đầu tư chốt lời sau một tuần tăng mạnh nhờ lạc quan về các chính sách của Tổng thống Donald Trump. Giá dầu tăng nhẹ phiên này nhưng có một tuần giảm mạnh do ông Trump chủ trương tăng sản lượng dầu của Mỹ và muốn Saudi Arabia tìm cách kéo giá dầu xuống.

Lúc đóng cửa, chỉ số S&P 500 giảm 0,3%, còn 6.101,24 điểm. Kết quả này đảo ngược xu thế tăng trước đó trong phiên, khi thước đo rộng nhất của chứng khoán Mỹ lập kỷ lục nội phiên thứ ba liên tiếp trong tuần.

Chỉ số Nasdaq trượt 0,5%, còn 19.954,3 điểm. Chỉ số Dow Jones mất 140,82 điểm, tương đương giảm 0,3%, còn 44.425,24 điểm.

Phiên giảm này chấm dứt chuỗi 4 phiên tăng trước đó của cả ba chỉ số. Tuy nhiên, tuần này vẫn là tuần tăng thứ hai liên tiếp của chứng khoán Mỹ, cho thấy xu hướng thị trường giá lên đã quay trở lại sau đợt suy yếu hồi tháng 12.

S&P 500 và Nasdaq tăng 1,7% mỗi chỉ số trong tuần, trong khi Dow Jones tăng 2,2%. Hôm thứ Năm, S&P 500 đóng cửa ở mức cao nhất mọi thời đại.

Nhiều cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn giữ vai trò trụ cột cho xu hướng tăng điểm của tuần đã lùi lại trong phiên ngày thứ Sáu, gây áp lực lên các chỉ số. Trong đó, Nvidia giảm hơn 3% và Tesla giảm hơn 1%.

Dù vậy, tâm lý chung của giới đầu tư cổ phiếu ở Phố Wall vẫn là lạc quan về các chính sách thân thiện với kinh doanh của ông Trump, bao gồm giảm thuế trong nước và nới lỏng các quy chế giám sát. Sau khi nhậm chức hôm thứ Hai, ông Trump tuyên bố sẽ áp thuế quan lên hàng hóa từ Trung Quốc, Canada và Mexico từ đầu tháng 2, nhưng việc ông mới tuyên bố mà chưa áp thuế quan ngay cũng đủ để giúp thị trường bớt lo lắng.  

Hôm thứ Năm, trong bài phát biểu trực tuyến trước các nhà lãnh đạo thế giới đang dự chuỗi sự kiện thường niên của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ở Davos, Thụy Sỹ, ông Trump nói sẽ “yêu cầu giảm lãi suất ngay lập tức”. Ngoài ra, ông cũng tuyên bố sẽ đề nghị Saudi Arabia và các thành viên khác trong Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) hạ giá dầu xuống.

“Đến nay, thị trường đã phản ứng tích cực với bất kỳ tuyên bố nào của Tổng thống Trump, ngay cả những tuyên bố lẽ ra không có ảnh hưởng gì. Điều này cho thấy các nhà giao dịch cảm thấy thị trường còn dư địa để tăng”, Giám đốc đầu tư Mark Malek của công ty Siebert nhận định với hãng tin CNBC.

Ngoài ra, một mối quan tâm khác của thị trường trong tuần này là mùa báo cáo tài chính quý 4/2024. Nhiều doanh nghiệp vốn hóa lớn đã mang tới những con số doanh thu và lợi nhuận tốt hơn dự báo, giúp kích thích đà tăng của các chỉ số. Tuần tới, tâm điểm chú ý của nhà đầu tư sẽ là kết quả kinh doanh của các công ty công nghệ vốn hóa lớn và cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Theo dữ liệu từ công cụ FedWatch Tool của sàn giao dịch CME, các nhà giao dịch đang đặt cược khả năng 99% Fed giữ nguyên lãi suất trong lần họp này. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn là Fed sẽ phát tín hiệu như thế nào về đường đi của lãi suất trong thời gian tới.

Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao sau tại London tăng 0,21 USD/thùng, tương đương tăng 0,27%, chốt ở mức 78,05 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 0,04 USD/thùng, tương đương tăng 0,05%, chốt ở 74,66 USD/thùng.

Cả tuần, giá dầu Brent giảm 2,83% và giá dầu WTI giảm 4,13%, chấm dứt chuỗi 4 tuần tăng liên tiếp trước đó.

Ngày thứ Sáu, ông Trump nhắc lại lời kêu gọi OPEC giảm giá dầu để hạn chế nguồn ngân sách của Nga cho cuộc xung đột ở Ukraine, qua đó khiến Nga phải chấm dứt cuộc chiến này. “Có một cách để chiến tranh sớm dừng là OPEC thôi kiếm quá nhiều tiền và giảm giá dầu xuống… Chiến tranh sẽ phải dừng ngay lập tức”, ông Trump nói.

Theo nhà phân tích Alex Hodes của công ty StoneX, khả năng Mỹ tăng cường các biện pháp trừng phạt đối với Nga và Iran - hai nước sản xuất dầu chủ chốt - có thể cản trở mục tiêu của ông Trump là kéo giá dầu xuống. “Ông Trump biết rõ điều đó và đang dựa vào OPEC để bù lại ảnh hưởng của lệnh trừng phạt đối với giá dầu”, ông Hodes nhấn mạnh với hãng tin Reuters.

Saudi Arabia - thủ lĩnh không chính thức của OPEC - hiện chưa đưa ra phản hồi gì với lời kêu gọi của ông Trump, nhưng Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày thứ Sáu nói ông sẵn sàng gặp ông Trump để thảo luận về các vấn đề như Ukraine và giá dầu. Nga là một thành viên của OPEC+, liên minh giữa OPEC và một số thành viên ngoài khối.

“Tôi không chắc là OPEC sẽ thay đổi chính sách trừ phi có sự thay đổi trong các yếu tố nền tảng của thị trường dầu. Thị trường dầu sẽ tương đối im ắng cho tới khi có thông tin rõ ràng hơn về chính sách trừng phạt và thuế quan”, nhà phân tích Giovanni Staunovo của ngân hàng UBS nhận định với Reuters.

Sau khi nhậm chức hôm thứ Hai, ông Trump công bố tình trạng khẩn cấp quốc gia về năng lượng nhằm cho phép tối đa hóa hoạt động sản xuất dầu khí trong nước. Giới phân tích cho rằng trong trung và dài hạn, chính sách này của ông có thể góp phần vào tình trạng dư thừa nguồn cung dầu toàn cầu nếu kinh tế thế giới không tăng tốc.