Chứng khoán Mỹ giảm trong tháng 8, ngược chiều với lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ
Trong tháng 8 vừa qua, chứng khoán Mỹ chịu áp lực giảm mạnh từ xu hướng tăng của lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ...
Chỉ số Nasdaq của thị trường chứng khoán Mỹ có phiên tăng thứ 5 liên tiếp trong phiên giao dịch ngày thứ Năm (31/8), nhưng vẫn hoàn tất tháng giảm mạnh nhất kể từ đầu năm. Giá dầu thô tăng khá mạnh trong phiên giao dịch cuối cùng của tháng 8 và ghi nhận tháng tăng thứ hai liên tục.
Lúc đóng cửa, chỉ số Nasdaq tăng 0,11%, đạt 14.034,97 điểm. Chỉ số Dow Jones giảm 168,33 điểm, tương đương giảm 0,48%, còn 34.721,91 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 0,16%, còn 4.507,66 điểm.
Đến phiên này, Nasdaq đã có 5 phiên tăng liên tiếp, trong khi S&P 500 và Dow Jones đều có 4 phiên tăng liên tiếp tính đến hôm thứ Tư. Chuỗi phiên tăng này giúp các chỉ số thu hẹp mức giảm của tháng 8, còn 1,77% đối với S&P 500; 2,17% đối với Nasdaq; và 2,36% đối với Dow Jones.
“Cuối cùng, giá cổ phiếu vẫn đang diễn biến ngược chiều với lợi suất trái phiếu. Bởi vậy, việc lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tiếp tục xuống thang là một yếu tố chủ chốt đưa giá cổ phiếu đi lên, ít nhất trong ngắn hạn”, Phó giám đốc Joseph Cusick của công ty Calamos Investments nói với hãng tin CNBC.
Trong tháng 8 vừa qua, chứng khoán Mỹ chịu áp lực giảm mạnh từ xu hướng tăng của lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ khi các số liệu cho thấy sự vững vàng của nền kinh tế lớn nhất thế giới đặt ra khả năng Cục Dự trữ Liên bang (Fed) giữ lãi suất cao hơn lâu hơn. Gần đây, kinh tế Mỹ bắt đầu phát đi một số dấu hiệu suy yếu, củng cố khả năng Fed không có thêm đợt tăng lãi suất nào nữa trong năm 2023, nhờ đó chứng khoán Mỹ hồi điểm.
Số liệu công bố ngày thứ Năm cho thấy chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) - một thước đo lạm phát được Fed ưa chuộng - tăng 0,2% trong tháng 8 so với tháng 7 và tăng 4,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Các mức tăng này đều phù hợp với dự báo mà các nhà kinh tế đưa ra trong cuộc khảo sát của hãng tin Dow Jones.
Trao đổi với hãng tin Reuters, chiến lược gia trưởng Bob Haberkorn của công ty RJO Futures nhận định rằng số liệu PCE “không tệ nhưng cũng không tốt”, đồng nghĩa Fed vẫn có thể tăng lãi suất thêm một lần trong năm nay trước khi dừng hẳn vào đầu năm tới.
Sau khi báo cáo PCE không gây bất ngờ, sự chú ý của nhà đầu tư hướng tới báo cáo việc làm tổng thể tháng 8 của khu vực phi nông nghiệp dự kiến được Bộ Lao động Mỹ công bố vào ngày thứ Sáu. Các báo cáo về lạm phát và việc làm đều là căn cứ quan trọng để thị trường điều chỉnh kỳ vọng vào các động thái chính sách tiền tệ tiếp theo của Fed. Cuộc họp tới của ngân hàng trung ương này sẽ diễn ra vào ngày 19-20/9.
Theo dữ liệu từ công cụ FedWatch Tool của sàn CME, giới đầu tư đang đặt cược khả năng 88,5% Fed giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp tháng 9. Khả năng Fed giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp tháng 11 là 56%.
Cổ phiếu VinFast niêm yết trên sàn Nasdaq có phiên giảm thứ ba liên tiếp, chốt phiên mất 6,56 USD/cổ phiếu, tương đương giảm 15,9%, còn 34,71 USD/cổ phiếu. Giá trị vốn hoá thị trường của hãng ô tô điện đến từ Việt Nam giảm còn 80,6 tỷ USD, sau khi lập đỉnh trên 190 tỷ USD trong phiên ngày thứ Hai tuần này.
Giá vàng giao ngay tại thị trường New York giảm 2,4 USD/oz, tương đương giảm 0,12%, khi đóng cửa phiên giao dịch ngày thứ Năm, còn 1.940,6 USD/oz – theo dữ liệu từ sàn giao dịch Kitco. Tính cả tháng 8, giá vàng giảm gần 2,2%, đánh dấu tháng giảm thứ 3 trong vòng 4 tháng trở lại đây.
Ông Haberkorn cho rằng thị trường vàng đang ở trạng thái “chờ xem” và việc lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ giảm có thể tiếp thêm sức mạnh cho vàng. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm chốt phiên ở mức hơn 4,1%, sau khi đạt đỉnh của 16 năm ở mức 4,35% vào đầu tuần trước.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao sau tại London tăng 1 USD/thùng, tương đương tăng 1,2%, chốt ở 86,86 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 2 USD/thùng, tương đương tăng 2,5%, chốt ở 83,63 USD/thùng.
Dầu tăng giá nhờ kỳ vọng rằng liên minh OPEC+ sẽ kéo dài việc cắt giảm sản lượng khai thác dầu cho tới hết năm nay. “Thị trường dầu đang phản ứng với việc Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và đồng minh có thể tiếp tục cắt giảm sản lượng. Việc cắt giảm này có thể kéo dài tới hết năm”, Giám đốc Andrew Lipow của công ty Lipow Oil Associates nhận định.
Tính cả tháng 8, giá dầu Brent tăng 1,5% và giá dầu WTI tăng 2,2%. Đây là tháng tăng giá thứ ba liên tiếp của cả hai loại dầu, nhờ những dấu hiệu về sự thắt chặt của nguồn cung dầu toàn cầu, dù giá dầu vẫn chịu áp lực từ rủi ro suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu, nhất là kinh tế Trung Quốc.