Chứng khoán Mỹ lại bán tháo vì nỗi lo khủng hoảng ngân hàng, giá dầu tụt xuống đáy 15 tháng
Cổ phiếu ngân hàng là tâm điểm chú ý của nhà đầu tư ở Phố Wall trong những ngày gần đây...
Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu, khi nhà đầu tư một lần nữa bán tháo cổ phiếu First Republic Bank và các nhà băng khác trong bối cảnh lo ngại về tình trạng sức khoẻ của ngành ngân hàng Mỹ. Giá dầu thô chốt phiên với mức giảm hơn 2%, xuống mức thấp nhất kể từ cuối năm 2021.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones giảm 384,57 điểm, tương đương giảm 1,19%, còn 31.861,98 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 1,1%, còn 3.916,64 điểm. Chỉ số Nasdaq trượt 0,74%, còn 11.630,51 điểm.
Cổ phiếu First Republic “bốc hơi” 33%, chốt tuần với mức giảm gần 72%. Phiên giảm này đảo ngược sự phục hồi trong phiên ngày thứ Năm, khi một nhóm 11 nhà băng tuyên bố sẽ giúp First Republic bằng cách gửi 30 tỷ USD vào ngân hàng này để bày tỏ tin tưởng vào hệ thống. Cú giảm trong phiên ngày thứ Sáu đè nặng lên quỹ SPDR Regional Banking ETF chuyên cổ phiếu ngân hàng, khiến quỹ này mất 6% và nâng tổng mức giảm của quỹ trong tuần lên 14%.
Cổ phiếu Credit Suisse niêm yết ở Mỹ giảm gần 7% khi giới đầu tư nghiền ngẫm tuyên bố của ngân hàng này về việc sẽ vay tới 50 tỷ Franc Thuỵ Sỹ, tương đương gần 54 tỷ USD, từ Ngân hàng Trung ương Thuỵ Sỹ (SNB). Tuần này, cổ phiếu Credit Suisse giảm 24%.
Nhưng dù giảm mạnh phiên này, S&P 500 - thước đo rộng nhất của chứng khoán Mỹ - vẫn tăng 1,43% trong tuần.
Nasdaq tăng 4,41% nhờ đặt cược mạnh của nhà đầu tư vào cổ phiếu công nghệ và các nhóm cổ phiếu tăng trưởng khác trước thềm cuộc họp chính sách tiền tệ vào tuần tới của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Đây là tuần tăng mạnh nhất kể từ tuần kết thúc vào ngày 13/1 của Nasdaq.
Tuy nhiên, phiên giảm ngày thứ Sáu đã khiến Dow Jones giảm trong cả tuần này này, mất 0,15% điểm số.
Cổ phiếu ngân hàng là tâm điểm chú ý của nhà đầu tư ở Phố Wall trong những ngày gần đây, khi thị trường bị phủ bóng bởi nỗi lo sợ rằng sẽ có những nhà băng tiếp theo chịu chung số phận như Silvergate Bank, Silicon Valley Bank (SVB) và Signature Bank – ba ngân hàng đổ vỡ trong tuần trước. Thị trường đang phản ứng với những diễn biến mới nhất trong lĩnh vực ngân hàng, sau khi cơ quan chức năng Mỹ vào cuối tuần trước tuyên bố sẽ bảo đảm cho tiền gửi tại các ngân hàng sụp đổ nói trên.
Phiên ngày thứ Sáu, sự thận trọng gia tăng trước khi thị trường bước vào một kỳ nghỉ cuối tuần có thể có nhiều diễn biến trong cuộc khủng hoảng ngân hàng - theo nhà quản lý danh mục cấp cao Keith Buchanan của Globalt Investments trong một cuộc trao đổi với hãng tin CNBC.
“Trong hai ngày cuối tuần, mọi người sẽ bị ám ảnh bởi câu hỏi: ‘Đến thứ Hai, mọi việc sẽ thế nào?’ Nhà đầu tư không muốn nắm giữ cổ phiếu trong bối cảnh như vậy”.
Cuộc khủng hoảng ngân hàng diễn ra vào đúng thời điểm nhà đầu tư chờ cuộc họp chính sách tiền tệ vào tuần tới của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Câu hỏi đặt ra về cuộc họp này là liệu Fed có tiến hành tăng lãi suất với bước nhảy 0,25 điểm phần trăm hay không, giữa lúc ngành ngân hàng Mỹ lâm khủng hoảng.
“Có vẻ như Fed sẽ chỉ ‘nói suông’ rằng họ đã nhận thấy những gì xảy ra trong ngành ngân hàng. Tình hình về căn bản chẳng có gì thay đổi cả, ngoài việc những diễn biến ngân hàng gần đây gây ra sự suy giảm tâm trạng. Dù vậy, biến động vẫn chưa lan ra các ngân hàng khác”, Giám đốc đầu tư Aoifinn Devitt của Moneta nhận định.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao sau tại London giảm 1,73 USD/thùng, tương đuong giảm 2,3%, còn 72,97 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York giảm 1,61 USD/thùng, tương đương giảm 2,4%, còn 66,74 USD/thùng.
Đây là mức giá thấp nhất của cả hai loại dầu kể từ tháng 12/2021. Tính cả tuần, giá dầu Brent giảm gần 12%, đánh dấu tuần giảm mạnh nhất từ tháng 12/2022. Giá dầu WTI giảm 13% cả tuần, mạnh nhất kể từ tháng 4 năm ngoái.
“Các yếu tố nền tảng hiện nay không đến nỗi quá tệ như những gì giá dầu đang phản ánh. Tuy nhiên, giới đầu tư lo ngại rằng dầu hiện nay không phải là một kênh đầu tư an toàn như tiền mặt hay vàng”, nhà quản lý quỹ John Kilduff của Again Capital nói với hãng tin Reuters.
Giá dầu đang chịu áp lực giảm cùng thị trường chứng khoán, khi nhà đầu tư lo rằng cuộc khủng hoảng ngân hàng sẽ sớm dẫn tới suy thoái kinh tế. Chiến lược gia trưởng về hàng hoá cơ bản của Saxo Bank, ông Ole Hansen, nói sức ép đối với giá dầu đến từ “tình trạng mong manh tiếp diễn của thị trường”.
Dù vậy, giới phân tích cho rằng nguồn cung dầu toàn bị hạn chế sẽ hỗ trợ giá dầu trong tương lai gần.
OPEC+ cho rằng việc giá dầu giảm tuần này chủ yếu do biến động trên thị trường tài chính, thay vì mất cân đối cung-cầu, và thị trường sẽ tự ổn định trở lại. OPEC+ là liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và một số thành viên ngoài khối gồm Nga. Trong một cuộc gặp vào hôm thứ Năm tuần này, hai thủ lĩnh không chính thức của OPEC+ là Saudi Arabia và Nga đã nhất trí giữ nguyên quyết định đưa ra vào tháng 12 năm ngoái cắt giảm sản lượng 2 triệu thùng/ngày cho tới cuối năm nay.
Tuần này, giá dầu WTI giảm xuống dưới mốc 70 USD/thùng lần đầu tiên kể từ tháng 12/2021. Điều này có thể dẫn tới việc Chính phủ Mỹ gom dầu cho Dự trữ dầu lửa chiến lược (SPR), qua đó thúc đẩy nhu cầu.
Ngoài ra, giới phân tích cũng kỳ vọng sự phục hồi nhu cầu dầu của Trung Quốc sẽ hỗ trợ thêm cho giá dầu. Trong tháng 3, xuất khẩu dầu của Mỹ sang Trung Quốc có thể đạt mức cao nhất 2 năm rưỡi.