07:49 17/03/2023

Chứng khoán toàn cầu tăng điểm mạnh sau khi First Republic Bank và Credit Suisse Bank được cứu

Bình Minh

Thị trường chứng khoán thế giới tăng điểm mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Năm (16/3) sau khi có tin một nhóm lớn ngân hàng đã nhất trí bơm tiền mặt cho nhà băng Mỹ First Republic Bank nhằm ngăn một vụ sụp đổ có thể xảy ra...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.

Trước đó, việc Ngân hàng Trung ương Thuỵ sỹ (SNB) tung “phao cứu sinh” cho Credit Suisse cũng giúp xoa dịu nỗi lo về một cuộc khủng hoảng ngân hàng toàn cầu.

Giá trái phiếu chính phủ giảm ở cả Mỹ và châu Âu khiến lợi suất tăng trở lại. Giá dầu kết thúc chuỗi ba phiên giảm liên tiếp.

Trong một động thái không nằm ngoài dự báo, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) nâng lãi suất 0,5 điểm phần trăm giữa biến động mạnh trên thị trường tài chính toàn cầu những ngày gần đây.

Cổ phiếu ngân hàng Mỹ First Republic Bank tăng gần 22% trước khi bị tạm ngừng giao dịch trong phiên này, sau khi một loạt ngân hàng lớn được cho là đang tiến hành đàm phán để gửi hàng tỷ USD nhằm cứu First Republic khỏi nguy cơ sụp đổ. Tuần trước, ba ngân hàng Mỹ khác liên tiếp “sập tiệm”, làm dấy lên mối lo về một sự đổ vỡ dây chuyền trong hệ thống và có thể châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng tài chính mới.

“Phao cứu sinh tốt nhất cho các ngân hàng hay bất kỳ công ty nào là khi các công ty khác quan tâm. Các ngân hàng cùng vào cuộc cho thấy rằng máu sẽ ngừng chảy”, chiến lược gia trưởng Quincy Krosby của LPL Financial nhận định.

Cổ phiếu Credit Suisse “xanh” trong phần lớn thời gian của phiên giao dịch và chốt phiên với mức tăng khoảng 20%. Cú sụt 24% của cổ phiếu nhà băng này trong phiên ngày thứ Tư đã thúc đẩy SNB và cơ quan giám sát tài chính Thuỵ Sỹ FINMA vào cuộc, tung cho Credit Suisse một phao cứu sinh lên tới hơn 54 tỷ USD. Sự phục hồi của Credit Suisse trong phiên này cho thấy niềm tin của nhà đầu tư đã được cải thiện.

Thị trường tiền tệ vẫn đang đặt cược lớn vào khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất với bước nhảy 0,25 điểm phần trăm vào tuần tới. Sau cuộc họp ngày thứ Năm, Chủ tịch ECB Christine Lagarde miêu tả động thái tăng lãi suất lần này của ECB là “quyết định mạnh mẽ” để đưa lạm phát về tầm kiểm soát. Sau khi tăng, lãi suất chính sách của ECB được đưa lên mức 3%.

Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones tăng 371,98 điểm, tương đương tăng 1,17%, chốt ở 32.246,55 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 1,76%, chốt ở 3.960,28 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 2,48%, chốt ở 11.717,28 điểm.

“Nếu nhìn vào kỳ vọng về lãi suất của các ngân hàng trung ương, có vẻ như chu kỳ thắt chặt sắp kết thúc rồi. Hiệu ứng của những đợt tăng lãi suất đã có đang ngày càng được thể hiện rõ qua việc gây suy yếu nền kinh tế”, nhà phân tích cấp cao Edward Moya của công ty dữ liệu và phân tích Oanda nói với Reuters. “Thị trường tăng điểm trong ngày hôm nay, nhưng điều này cũng giống như việc nhà đầu tư đang dõi theo một nền kinh tế đang xuất hiện những vết nứt”.

Chỉ số MSCI All-World của chứng khoán thế giới tăng 1,27%. Thị trường châu Âu chứng kiến chỉ số Stoxx 600 tăng 1,3% dù có lúc giảm 0,6% sau quyết định lãi suất của ECB.

Trước đó, vào hôm thứ Tư, chứng khoán châu Âu có phiên giảm mạnh nhất trong hơn 1 năm vì nhà đầu tư lo ngại Credit Suisse có thể sụp đổ tương tự như ngân hàng Silicon Valley Bank (SNB) của Mỹ và gây ảnh hưởng lan rộng khắp hệ thống.

Chuyên gia kinh tế trưởng Stefan Gerlach của EFG Bank ở Zurich nói rằng những gì xảy ra đối với các ngân hàng Mỹ và châu Âu trong những ngày qua đã cho thấy rõ ảnh hưởng tiêu cực từ việc các ngân hàng trung ương như Fed và ECB tăng lãi suất vài điểm phần trăm chỉ trong một thời gian ngắn.

“Khi bạn làm điều gì đó mạnh tay như vậy, bạn phải thừa biết là sẽ có rủi ro đợi sẵn ở đâu đó trong hệ thống tài chính”, ông Gerlach nói trước khi quyết định lãi suất của ECB được công bố.

Lợi suất trái phiếu Chính phủ Đức kỳ hạn 2 năm tăng lên mức 2,616% sau khi giảm xuống mức thấp nhất kể từ giữa tháng 12 ở 2,373%. Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng lên mức 3,5789% từ 3,494%. Lợi suất trái phiếu trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 2 năm tăng lên 4,1635%, so với mức chốt của phiên trước là 3,975%.

Trước đó, thị trường chứng khoán châu Á giảm khoảng 1% trong phiên ngày thứ Năm, nhưng chủ yếu là giảm theo chứng khoán Mỹ và châu Âu phiên ngày thứ Tư.

Sau khi giảm xuống mức thấp nhất gần 15 tháng vào đầu phiên, giá dầu đã tăng vào cuối phiên, một phần nhờ thông tin nói rằng hai nước xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới là Saudi Arabia và Nga đã gặp để thảo luận biện pháp bình ổn thị trường.

Giá dầu thô Brent giao sau tại London tăng 1,37 USD/thùng, tương đương tăng gần 1,9%, chốt ở 74,7 USD/thùng. Giá dầu thô WTI giao sau tại New York tăng 0,74 USD/thùng, tương đương tăng 1,1%, chốt ở 68,35 USD/thùng.