Chứng khoán Mỹ lao dốc vì nỗi lo lợi nhuận, giá dầu tăng phiên thứ ba liên tiếp
Phiên giảm này của chứng khoán Mỹ là sự đảo ngược của phiên tăng vào ngày thứ Ba...
Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Tư (8/2), khi nhà đầu tư hướng sự chú ý tới loạt báo cáo tài chính mới nhất của các công ty niêm yết và tiếp tục cân nhắc về triển vọng chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang (Fed). Giá dầu thô có phiên tăng thứ ba liên tiếp khi mối lo lãi suất tạm thời giảm bớt.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones giảm 207,68 điểm, tương đương giảm 0,65%, còn 33.949,01 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 1,11%, còn 33.949,01 điểm. Chỉ số Nasdaq trượt 1,68%, còn 11.910,52 điểm.
Một số doanh nghiệp niêm yết chứng kiến giá cổ phiếu niêm yết giảm mạnh phiên này sau khi công bố kết quả kinh doanh quý 4/2022 không đạt kỳ vọng của thị trường. Chipotle giảm 5% trong khi Lumen Technologies “bốc hơi” gần 21% vì khoản lỗ quý 3,1 tỷ USD và dự báo cả năm xấu hơn những gì Phố Wall kỳ vọng.
Cũng có một số cổ phiếu tăng giá mạnh như CVS và Uber, với mức tăng tương ứng 3% và 5% nhờ kết quả kinh doanh tốt hơn dự báo.
Theo dữ liệu từ Refinitiv, đến thời điểm hiện tại, đã có 42 công ty thành viên S&P 500 đưa ra dự báo lợi nhuận suy giảm cho quý 1/2023; 8 công ty đưa ra dự báo lợi nhuận tăng; trong khi nhiều công ty khác không thay đổi dự báo hay đưa ra bất kỳ dự báo nào. Tỷ lệ doanh nghiệp đưa ra dự báo lợi nhuận giảm như vậy là cao hơn so với bình quân lịch sử - theo Refinitiv.
Trong số 279 thành viên S&P 500 đã công bố báo cáo tài chính quý 4/2022 tính đến thời điểm này, khoảng 69% đưa ra kết quả tốt hơn dự báo của giới phân tích. Dù vậy, nhiều nhà phân tích đã hạ thấp kỳ vọng của họ về quý 4 do mối lo ngày càng lớn về sức khoẻ của nền kinh tế. Chỉ có 27% trong số các công ty đã báo cáo đưa ra kết quả không đạt kỳ vọng.
“Mùa báo cáo tài chính này nhìn chung kém hơn bình thường. Phải mất thời gian để những đợt tăng lãi suất ảnh hưởng đến lợi nhuận doanh nghiệp. Giờ là lúc chúng ta bắt đầu chứng kiến điều đó”, Giám đốc đầu tư Eric Sterner của Apollon Wealth Management nhận định với hãng tin CNBC.
Nhà đầu tư đang chờ những báo cáo tài chính tiếp theo từ những công ty gồm Walt Disney và Mattel để đánh giá xem có bất kỳ tín hiệu nào về sự giảm tốc của tiêu dùng hay một nền kinh tế suy yếu.
Trong một diễn biến không liên quan đến tình hình lợi nhuận, cổ phiếu Alphabet – công ty mẹ của Google - giảm hơn 7% vì nhà đầu tư lo ngại công ty này phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng lớn trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI).
Phiên giảm này của chứng khoán Mỹ là sự đảo ngược của phiên tăng vào ngày thứ Ba – phiên “xanh” lấy động lực từ phát biểu của Chủ tịch Fed Jerome Powell rằng lạm phát đã bắt đầu giảm. Nhận định này của ông Powell không khác so với những gì ông đã nói trong cuộc họp báo vào tuần trước, từ đó củng cố thêm kỳ vọng của nhà đầu tư rằng Fed sẽ sớm dừng việc tăng lãi suất hoặc thậm chí bắt đầu cắt giảm lãi suất.
Tuy nhiên, ông Powell cũng cảnh báo rằng việc chống lạm phát còn một chặng đường dài phải đi và Fed sẽ tiếp tục phải tăng lãi suất. Ngoài ra, kỳ vọng của nhà đầu tư về chính sách của Fed còn tiếp tục bị chi phối bởi các số liệu kinh tế Mỹ.
“Thị trường sẽ còn tiếp tục giằng co vì nhà đầu tư còn băn khoăn về việc Fed sẽ làm gì. Chúng ta nên lường trước sự biến động”, Giám đốc đầu tư Sal Bruno của IndexIQ phát biểu.
Giới chức Fed ngày thứ Tư tiếp tục có những phát biểu trái chiều, khiến giới đầu tư băng khoăn. Thống đốc Christopher Waller nói việc đạt được mục tiêu lạm phát 2% “có thể sẽ là một cuộc chiến kéo dài”, trong khi thống đốc Lisa Cook nói tăng trưởng việc làm khả quan của tháng 1 đặt ra hy vọng nền kinh tế “hạ cánh mềm”.
“Thị trường đang băng khoăn, nhà đầu tư đang băng khoăn. Một số nhà đầu tư vẫn thận trọng, trong khi một số khác rõ ràng đã trở nên mạnh mẽ hơn”, chiến lược gia trưởng về đầu tư Tim Ghriskey của Inverness Counsel nhận định với hãng tin Reuters.
Chứng khoán thế giới giảm điểm trong phiên ngày thứ Tư, với chỉ số MSCI toàn cầu giảm 0,55%. Tại châu Âu, chỉ số Stoxx 600 của thị trường khu vực mất 0,28% điểm số, dù trong phiên có lúc đạt đỉnh 9 tháng.
Thị trường lãi suất tương lai của Mỹ đang phản ánh khả năng lãi suất Fed đạt đỉnh ở mức 5,132% vào tháng 7 năm nay, cao hơn 0,25 điểm phần trăm so với dự báo vào tuần trước. Thị trường cũng dự báo đến tháng 12, lãi suất Fed giảm còn 4,813%, tăng 0,4 điểm phần trăm so với cách đây 1 tuần.
Trên thị trường dầu lửa, nỗi lo lãi suất có vẻ dịu hơn, và đồng USD giảm giá cũng góp phần đẩy giá dầu tăng. Cùng với đó, giá năng lượng vẫn được hỗ trợ bởi triển vọng khởi sắc của nhu cầu ở Trung Quốc.
Lúc đóng cửa, giá dầu thô Brent giao sau tại London tăng 1,4 USD/thùng, tương đương tăng 1,7%, đạt 85,09 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 1,33 USD/thùng, tương đương tăng 1,7%, đạt 78,47 USD/thùng.
Giá dầu đã tăng liền 3 phiên từ đầu tuần tới nay, sau khi giảm mạnh trong tuần trước.
“Khả năng nhu cầu dầu tăng lên, cộng thêm triển vọng ảm đạm về tăng trưởng nguồn cung dầu toàn cầu, sẽ dẫn tới sự thắt chặt nguồn cung trong những tháng tới”, nhà giao dịch Stephen Brennock của PVM Oil nhận định với Reuters.
Trên thị trường tiền ảo, giá Bitcoin giảm nhẹ xuống dưới mốc 23.000 USD. Lúc gần 7h sáng nay theo giờ Việt Nam, giá Bitcoin theo dữ liệu từ trang Coinmarketcap.com đứng ở 22.946 USD, giảm 1,4% so với cách đó 24 tiếng và giảm hơn 3,2% trong vòng 1 tuần.