Chứng khoán Mỹ lập kỷ lục trước phiên điều trần của Chủ tịch Fed, dầu thô tụt giá
Cuộc điều trần của ông Powell được thị trường kỳ vọng sẽ mang đến những tín hiệu mới về đường đi của lãi suất trong những tháng tới...
Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Hai (8/7), với hai chỉ số S&P 500 và Nasdaq cùng lập kỷ lục đóng cửa mới, trong bối cảnh nhà đầu tư chờ cuộc điều trần về chính sách tiền tệ của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) Jerome Powell và số liệu lạm phát dự kiến công bố trong tuần này. Giá dầu thô giảm hơn 1% trong lúc thị trường đánh giá ảnh hưởng của cơn bão Beryl đối với hoạt động sản xuất dầu trên Vịnh Mexico.
Lúc đóng cửa, S&P 500 tăng 0,1%, đạt 5.527,85 điểm. Nasdaq tăng 0,28%, đạt 18.403,74 điểm. Riêng chỉ số Dow Jones giảm 31 điểm, tương đương giảm 0,08%, còn 39.344,79 điểm.
Tuần trước, S&P 500 ghi nhận tuần tăng thứ tư trong vòng 5 tuần trở lại đây, nhờ lạc quan rằng lạm phát dịu đi và những dấu hiệu suy yếu khác trong nền kinh tế có thể dẫn tới việc Fed bắt đầu cắt giảm lãi suất vào tháng 9. Kỳ vọng lãi suất này được củng cố vào tuần vừa rồi, khi báo cáo việc làm tháng 6 đến từ Bộ Lao động Mỹ cho thất tỷ lệ thất nghiệp tăng lên mức 4,1%, cao nhất gần 2 năm, từ mức 4% của tháng 5.
Tuần này, tâm điểm chú ý của nhà đầu tư sẽ hướng tới các phiên điều trần vào ngày thứ Ba và thứ Tư của ông Powell trước Ủy ban Ngân hàng thuộc Thượng viện và Ủy ban Tài chính thuộc Hạ viện. Cuộc điều trần định kỳ mỗi năm 2 lần về chính sách tiền tệ của Chủ tịch Fed được thị trường kỳ vọng sẽ mang đến những tín hiệu mới về đường đi của lãi suất trong những tháng tới.
Theo nhà phân tích chiến lược Ross Mayfield của ngân hàng đầu tư Baird, nhà đầu tư muốn được nghe ông Powell thừa nhận rằng “các rủi ro hai chiều trong nền kinh tế đã trở nên cân bằng hơn, nhất là về thị trường lao động”. Một sự thừa nhận như vậy sẽ cho thấy Fed đang tiến gần hơn tới giảm lãi suất vì không còn lo ngại quá mức về sự tăng trưởng nóng của nền kinh tế hay tiền lương.
Tiếp đó, vào ngày thứ Năm và thứ Sáu, mối quan tâm của nhà đầu tư sẽ đổ dồn vào hai báo cáo lạm phát do Bộ Lao động Mỹ công bố, lần lượt là chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và chỉ số giá nhà sản xuất (PPI). Nếu các báo cáo này tiếp tục cho thấy áp lực giá cả dịu đi, đặt cược vào khả năng Fed giảm lãi suất vào tháng 9 sẽ tăng cao hơn, dẫn tới tâm lý ham thích rủi ro cũng lớn hơn.
Theo dữ liệu từ công cụ FedWatch Tool của sàn giao dịch CME, thị trường đang đặt cược khả năng gần 73% Fed bắt đầu hạ lãi suất vào tháng 9. Các đây 1 tuần, khả năng này còn ở dưới mức 60%. Các nhà giao dịch cũng tin rằng Fed sẽ giảm lãi suất 2 lần trong năm nay, với đợt giảm thứ hai có thể diễn ra vào tháng 12.
“Chúng tôi tin rằng các yếu tố nền tảng vẫn đang tích cực đối với giá cổ phiếu, nhờ tăng trưởng kinh tế và tăng trưởng lợi nhuận vững vàng, Fed sắp giảm lãi suất và đầu tư vào trí tuệ nhân tạo ngày càng tăng”, một báo cáo của ngân hàng UBS nhận định.
Tuần này cũng khởi đầu mùa báo cáo tài chính quý 2/2024 ở Phố Wall, bắt đầu bằng loạt báo cáo từ các ngân hàng lớn gồm Citigroup, JPMorgan Chase và Wells Fargo vào ngày thứ Sáu.
“Nhà đầu tư đang thiết lập vị thế trên cơ sở kỳ vọng rằng xu hướng tăng điểm của thị trường sẽ tiếp diễn trong thời gian còn lại của năm nay”, Giám đốc điều hành Bruce Zaro của công ty Granite Wealth Management nhận định với hãng tin Reuters.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao sau tại London giảm 0,79 USD/thùng, tương đương giảm 0,9%, chốt ở mức 85,75 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York giảm 0,83 USD/thùng, tương đương giảm 1%, còn 82,32 USD/thùng.
Đây là mức giá đóng cửa thấp nhất của 2 loại dầu trong vòng 1 tuần trở lại đây.
Cơn bão Bery đã đổ bộ vào bang Texas - vùng sản xuất dầu lửa lớn nhất của Mỹ - của Mỹ với sức gió mạnh và gây mưa lớn. Các cảng dầu và nhà máy lọc dầu ở vùng bờ Vịnh Mexico phải đóng cửa do bão, nhưng thiệt hại được nhận định là không lớn.
“Nhiều nhà đầu cơ đặt cược vào sự tăng giá của dầu trước cơn bão Beryl đã đóng trạng thái khi cơn bão không gây ra ảnh hưởng đáng kể đối với các cơ sở dầu lửa ở khu vực mà bão đi qua. Đây là một phần nguyên nhân khiến giá dầu giảm phiên này”, một báo cáo của công ty tư vấn năng lượng Gelber and Associates nhận định.
Ngoài ra, thị trường còn đang kỳ vọng các bên liên quan trong cuộc chiến tranh đã kéo dài 9 tháng ở dải Gaza có thể đạt một thỏa thuận ngừng bắn. Nếu hòa bình được lập lại ở khu vực này, mối lo về sự gián đoạn nguồn cung dầu từ Trung Đông sẽ giảm bớt.
“Thị trường dầu khởi động tuần này với áp lực giảm giá đến từ triển vọng có một thỏa thuận ngừng bắn cho Gaza. Các cuộc đàm phán ngừng bắn có vẻ đã có bước tiến”, một báo cáo của công ty tư vấn năng lượng Ritterbusch and Associates viết.
Thỏa thuận ngừng bắn cho cuộc chiến giữa Israel và lực lượng Hamas của Palestine là thỏa thuận do Mỹ đề xuất và được Qatar và Ai Cập đứng ra làm trung gian.