07:53 30/09/2021

Chứng khoán Mỹ tăng điểm nhẹ, giá dầu giảm liền hai phiên

Bình Minh

Ngoài mối lo về chính sách tiền tệ, nhà đầu tư còn đang dõi theo những tin tức mới nhất liên quan đến cuộc khủng hoảng trần nợ của Mỹ...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.

Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Tư (29/9), trong lúc nhà đầu tư tiếp tục dõi theo cuộc khủng hoảng trần nợ ở Washington. Giá dầu giảm phiên thứ hai liên tiếp, khi mối lo về nguồn cung dịu đi.

Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones tăng 0,3%, đạt 34.390,72 điểm, đánh dấu phiên tăng thứ 5 trong vòng 6 phiên trở lại đây. Chỉ số S&P 500 tăng 0,16%, đạt 4.359,46 điểm, sau hai phiên giảm liên tiếp.

Trong khi đó, chỉ số Nasdaq giảm phiên thứ tư liên tiếp, với mức giảm 0,24%, còn 14.512,44 điểm. Từ đầu tuần tới nay, Nasdaq đã giảm 4%.

Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng mạnh là nguyên nhân gây áp lực giảm lên cổ phiếu công nghệ. Phiên ngày thứ Tư, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đạt đỉnh mới của 3 tháng ở 1,56%, sau khi đạt 1,567% trong phiên ngày thứ Ba.

Lợi suất tăng do giới đầu tư tăng đặt cược rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ sớm cắt giảm chương trình mua tài sản và tăng lãi suất để chống lại đà leo thang của lạm phát.

Ngoài mối lo về chính sách tiền tệ, nhà đầu tư còn đang dõi theo những tin tức mới nhất liên quan đến cuộc khủng hoảng trần nợ của Mỹ. Hạ viện Mỹ ngày 29/9 đã thông qua một dự luật đình chỉ trần nợ quốc gia của Mỹ, sau khi Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen trước đó một ngày nói với Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi rằng Quốc hội phải nâng hoặc đình chỉ trần nợ trước thời hạn 18/10, nếu không Chính phủ có thể vỡ nợ.

Tuy nhiên, phe Cộng hoà trong Thượng viện Mỹ đã tuyên bố sẽ bác dự luật này.

“Dù các phe cánh chính trị vẫn chưa đi đến thống nhất, chúng tôi cho rằng cuộc đàm phán trần nợ của Mỹ sẽ thành công kịp thời và Chính phủ Mỹ sẽ không phải đóng cửa”, ngân hàng UBS nói trong một báo cáo. “Kịch bản chính của chúng tôi là kinh tế Mỹ tiếp tục tăng trưởng vững và các điều kiện tiền tệ sẽ dần thắt lại”. Dựa trên dự báo này, UBS khuyến nghị nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu thay vì trái phiếu.

Diễn biến chỉ số S&P500. Nguồn Tradingview
Diễn biến chỉ số S&P500. Nguồn Tradingview

Trên thị trường năng lượng, giá dầu đi xuống sau khi số liệu từ Bộ Năng lượng Mỹ cho thấy tồn kho dầu thô của nước này tăng nhiều hơn dự báo. Trong tuần trước, tồn kho dầu thô của Mỹ tăng 4,6 triệu thùng, nhờ sản lượng dầu trên Vịnh Mexico tiếp tục hồi phục sau bão Ida.

Lúc đóng cửa, giá dầu Brent giảm 0,51 USD/thùng, tương đương giảm 0,6%, còn 78,58 USD/thùng. Trong phiên ngày thứ Ba, giá dầu Brent có lúc đạt 80,75 USD/thùng, cao nhất gần 3 năm.

Giá dầu WTI giao sau tại New York giảm 0,45 USD/thùng, tương đương giảm 0,6%, còn 74,84 USD/thùng.

Giá dầu tăng mạnh gần đây khi các nền kinh tế trên thế giới hồi phục từ đại dịch Covid-19 và nhu cầu tiêu thụ xăng dầu tăng mạnh, trong khi sản lượng dầu không phục hồi kịp. Sản lượng dầu của Mỹ hiện ở mức khoảng 11,1 triệu thùng/ngày, gần ngang với mức sản lượng khi bão Ida xuất hiện cách đây 1 tháng, nhưng vẫn chưa đạt tới mức 13 triệu thùng/ngày như trước đại dịch.

Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và đồng minh, tức nhóm OPEC+, dự kiến giữ nguyên mức tăng sản lượng 400.000 thùng/ngày trong tháng 11, cho dù các nước khách hàng gây sức ép đòi nhóm này nâng sản lượng mạnh hơn. Tuy nhiên, chính OPEC+ dự báo rằng nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu sẽ tăng mạnh trong mấy năm tới và thế giới sẽ cần phải duy trì đầu tư vào sản xuất dầu, cho dù các quốc gia dịch chuyển sang các nguồn năng lượng ít gây ô nhiễm hơn.

“Trong khi bức tranh nguồn cung chưa có nhiều thay đổi, việc giá dầu lên 80 USD/thùng sẽ gia tăng sức ép buộc các nước OPEC+ tăng hạn ngạch sản lượng”, một báo cáo của ANZ Research nhận định.