Chứng khoán Mỹ tăng điểm trước cuộc gặp lịch sử
Thị trường đang hy vọng có một kết quả tốt đẹp từ cuộc gặp giữa Tổng thống Trump với nhà lãnh đạo Kim Jong Un
Cả ba chỉ số chính của thị trường chứng khoán Mỹ cùng đóng cửa trong trạng thái tăng điểm nhẹ phiên giao dịch ngày thứ Hai, khi các nhà đầu tư chờ đợi cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử giữa Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong Un tại Singapore vào ngày thứ Ba.
Những bất đồng về thương mại tại thượng đỉnh nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) vào cuối tuần dường như không có nhiều ảnh hưởng bất lợi đến tâm lý của thị trường - hãng tin Reuters cho hay.
Sau khi tuyên bố không ủng hộ tuyên bố chung G7, ông Trump tiếp tục đăng hàng loạt trạng thái (tweet) lên mạng xã hội Twitter công kích Thủ tướng Canada Justin Trudeau. Trong khi đó, nhà lãnh đạo Canada công bố áp thuế quan lên hàng hóa Mỹ nhằm trả đũa việc Mỹ áp thuế lên thép và nhôm Canada.
Tuy nhiên, giới đầu tư có vẻ như tạm gác mối bận tâm thương mại sang một bên, và thay vào đó chờ thượng đỉnh Mỹ-Triều, cuộc gặp được coi là nỗ lực lịch sử nhằm hóa giải bất đồng giữa hai nước địch thủ lâu năm và tránh một cuộc đối đầu hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.
"Với G7, ai cũng biết khối này đã có vấn đề, và có lẽ sẽ chẳng vấn đề gì được giải quyết cả", ông Bucky Hellwig, Phó chủ tịch cấp cao của BB&T Wealth Management, nhận định. "Tâm điểm giờ đây là khả năng có kết quả tốt đẹp nào đó từ cuộc gặp ở Singapore".
"Tâm lý của nhà đầu tư đã được cải thiện về vấn đề an ninh quốc tế, và phía Triều Tiên có vẻ đã sẵn sàng đàm phán", ông Hellwig nhấn mạnh.
Tuần này, thị trường còn dành sự chú ý cho các cuộc họp của ba ngân hàng trung ương lớn, gồm Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ).
FED được dự báo sẽ nâng lãi suất vào ngày thứ Tư, và ECB được dự báo sẽ tiến tới thu hẹp dần chương trình kích cầu hậu khủng hoảng vào ngày thứ Năm.
"Nếu FED tăng lãi suất vào ngày thứ Tư, thì lãi suất sẽ tiến gần đến mức lạm phát lõi hiện nay. Mặt khác, các số liệu kinh tế đang rất tốt", ông Hellwig nói.
Lúc đóng cửa phiên giao dịch đầu tuần, chỉ số Dow Jones tăng 0,02%, đạt 25.322,31 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 0,11%, đạt 2.782 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 0,19%, đạt 7.659,33 điểm.
Trong số 11 nhóm cổ phiếu ngành của S&P 500, có 4 nhóm đóng cửa trong trạng thái giảm điểm phiên này, gồm bất động sản, dịch vụ tiện ích, công nghệ và tài chính.
Cổ phiếu công ty năng lượng Sempra Energy tăng 15,5%, mạnh nhất trong S&P 500, sau khi có tin các nhà đầu tư hối thúc công ty thực hiện một đợt rà soát chiến lược và đưa thành viên mới vào Hội đồng Quản trị.
Cổ phiếu Boston Scientific Corp kéo nhóm y tế tăng điểm nhờ mức tăng 7,4%, sau khi có tin Stryker Corp tính mua lại hãng sản xuất thiết bị y tế này.
Cổ phiếu AT&T tăng 1% vào thời điểm một ngày trước khi tòa án ra quyết định về vụ sáp nhập được đề xuất giữa công ty này với Time Warner. Cổ phiếu Facebook tăng 1,3% sau khi các nhà phân tích nói Instagram có thể trở thành động lực tăng trưởng chính của mạng xã hội lớn nhất hành tinh.
Cổ phiếu hãng y tế UnitedHealth Group tăng 1,2%, trở thành cú huých tăng điểm mạnh nhất của Dow Jones.
Trên sàn NYSE, số cổ phiếu tăng giá nhiều gấp 1,23 lần số cổ phiếu giảm giá. Trên sàn Nasdaq, tỷ lệ này là 1,19 lần.
Có tổng cộng 6,05 tỷ cổ phiếu được chuyển nhượng ở Phố Wall phiên này, so với mức bình quân 6,62 tỷ cổ phiếu mỗi phiên của 20 ngày giao dịch gần nhất.