Chứng khoán Mỹ tăng mạnh, hoàn tất tuần biến động lịch sử
Phiên tăng ngày thứ Sáu khép lại một trong những tuần biến động mạnh nhất trong lịch sử ở Phố Wall...

Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu (11/4) dù Trung Quốc có động thái leo thang mới trong cuộc chiến thuế quan giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Giá dầu thô cũng tăng khá mạnh do khả năng Mỹ siết chặt trừng phạt đối với Iran.
Lúc đóng cửa, chỉ số S&P 500 tăng 1,81%, đạt 5.363,36 điểm. Chỉ số Dow Jones tăng 619,05 điểm, tương đương tăng 1,56%, đạt 40.212,71 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 2,06%, đạt 16.724,46 điểm. Giá cổ phiếu hồi nhanh vào buổi chiều sau khi Nhà Trắng nói rằng Tổng thống Donald Trump “lạc quan” rằng Trung Quốc sẽ tìm kiếm một thỏa thuận với Mỹ.
Phiên tăng này khép lại một trong những tuần biến động mạnh nhất trong lịch sử ở Phố Wall. Hôm thứ Năm, chứng khoán Mỹ bán tháo khi tâm lý thận trọng với rủi ro tăng cao vì những diễn biến khó lường của xung đột thương mại khiến giới đầu tư bi quan. Trước đó, thị trường đã có một phiên tăng thuộc hàng kỷ lục sau khi ông Trump tuyên bố tạm hoãn trong 90 ngày việc áp thuế suất cao hơn của thuế đối ứng.
Trong phiên ngày thứ Năm, S&P 500 giảm gần 3,5%, Dow Jones sụt hơn 1.000 điểm và Nasdaq trượt 4,3%. Ngày thứ Tư, S&P 500 tăng hơn 9,5%, đánh dấu phiên tăng mạnh thứ ba kể từ Chiến tranh Thế giới thứ hai, trong khi Dow Jones nhảy hơn 2.900 điểm.
Chỉ số VIX đo lường nỗi sợ hãi của nhà đầu tư ở Phố Wall có lúc nhảy vọt qua 50 điểm vào đầu tuần này, sau khi hạ về mức 37 điểm vào buổi chiều ngày thứ Sáu.
Dù hạ thuế đối ứng về mức cơ sở 10% cho tất cả các đối tác thương mại bị áp thuế này, Mỹ tăng thuế lên tổng cộng 145% đối với Trung Quốc - theo xác nhận của một quan chức Nhà Trắng với CNBC hôm thứ Năm. Ngày thứ Sáu, Trung Quốc tuyên bố áp thuế 125% lên hàng Trung Quốc để trả đũa, thay cho mức thuế 84% công bố trước đó.
Về phần mình, Liên minh châu Âu (EU) cho biết đại diện thương mại của họ sẽ sang Mỹ vào ngày Chủ nhật để “cố gắng đạt thỏa thuận”.
“Chúng ta đang ở vào giai đoạn đầu của sự thay đổi trong hệ thống thương mại toàn cầu. Việc tạm hoãn thuế đối ứng trong 90 ngày giúp đảo ngược tạm thời sự bán tháo trên thị trường, nhưng cũng chính sự tạm hoãn đó khiến tình trạng bấp bênh kéo dài hơn”, Chủ tịch Darrell Cronk của Viện Đầu tư Wells Fargo nhận định trong một báo cáo.
Sau những phiên trồi sụt chóng mặt trong tuần này, cả ba chỉ số chính của chứng khoán Mỹ đều hoàn tất một tuần tăng điểm mạnh. S&P 500 tăng 5,7% trong tuần, đánh dấu tuần tăng mạnh nhất kể từ tháng 11/2023. Nasdaq tăng 7,3%, tuần tăng mạnh nhất kể từ tháng 11/2022. Dow Jones tăng gần 5% cả tuần.
Dù vậy, cả ba chỉ số chính đều đã giảm nhiều so với trước ngày 2/4, thời điểm ông Trump công bố thuế quan đối ứng. Từ đó đến nay, S&P 500 đã giảm hơn 5%.

Cuộc chiến thuế quan đang phủ bóng lên triển vọng kinh tế Mỹ, khiến giới đầu tư lo ngại về khả năng tăng trưởng sụt tốc và lạm phát leo thang trở lại. Số liệu mới nhất về niềm tin người tiêu dùng Mỹ cho thấy tâm lý người tiêu dùng nước này trong tháng 4 xấu hơn so với dự báo. Đồng thời, kỳ vọng của người tiêu dùng Mỹ về lạm phát cũng tăng lên mức cao nhất kể từ năm 1981 - theo một cuộc khảo sát của Đại học Michigan.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao sau tại London tăng 1,43 USD/thùng, tương đương tăng 2,26%, chốt ở mức 64,76 USD/thùng. Giá dầu thô WTI giao sau tại New York tăng 1,43 USD/thùng, tương đương tăng 2,38%, đóng cửa ở 61,5 USD/thùng.
Dầu tăng giá sau khi Bộ trưởng Bộ Năng lượng Mỹ Chris Wright nói Mỹ có thể đặt dấu chấm hết cho hoạt động xuất khẩu dầu của Iran như một phần trong việc khiến Tehran chấm dứt chương trình hạt nhân.
“Việc thực thi nghiêm ngặt các hạn chế đối với hoạt động xuất khẩu dầu thô của Iran có thể khiến nguồn cung dầu toàn cầu suy giảm. Tôi không nghĩ là Trung Quốc sẽ tiếp tục mua dầu của Iran”, Chủ tịch Andre Lipow của công ty Lipow Oil Associates nhận định.
Tương tự như thị trường chứng khoán, giá dầu đã biến động mạnh trong tuần này do các động thái thuế quan của Mỹ và Trung Quốc. Nhà đầu tư trên thị trường năng lượng lo ngại xung đột thương mại giữa hai cường quốc sẽ gây áp lực suy giảm tăng trưởng kinh tế, dẫn tới giảm nhu cầu tiêu thụ dầu.
Dù ông Trump hoãn áp thuế đối ứng cao trong 90 ngày, “tổn thất đối với thị trường dầu đã xảy ra, khiến giá dầu khó lấy lại được sự ổn định” - chiến lược gia trưởng Ole Hansen của ngân hàng Saxo Bank nhận xét.
Hôm thứ Năm, Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu và cảnh báo rằng thuế quan có thể gây áp lực giảm mạnh lên giá dầu. EIA cũng hạ dự báo nhu cầu dầu ở Mỹ và trên toàn cầu trong năm nay và năm tới.
Trong một cuộc khảo sát của hãng tin Reuters, giới chuyên gia dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc - nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới - sẽ giảm tốc trong năm nay do tác động từ thuế quan của Mỹ.
Một báo cáo của ngân hàng ANZ dự báo tiêu thụ dầu toàn cầu sẽ giảm 1% nếu tăng trưởng kinh tế thế giới giảm dưới mức 3%.