10:11 11/04/2025

Thương chiến đang căng thẳng, lạm phát ở Mỹ bất ngờ giảm

Điệp Vũ

Lạm phát lõi ở Mỹ thấp nhất 4 năm, nhưng thuế quan được dự báo sẽ làm gia tăng áp lực lạm phát ở nước này trong thời gian tới...

Ảnh minh họa - Ảnh: Bloomberg.
Ảnh minh họa - Ảnh: Bloomberg.

Lạm phát ở Mỹ bất ngờ giảm trong tháng 3 vừa qua, giữa lúc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đối mặt với những động thái thuế quan khó lường của Tổng thống Donald Trump.

Báo cáo do Cục Thống kê lao động (BLS) thuộc Bộ Lao động Mỹ công bố ngày 10/4 cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 của nước giảm 0,1% so với tháng 2, đánh dấu tháng giảm đầu tiên kể từ tháng 3/2020, sau khi tăng 0,2% trong tháng 2. Trước đó, các nhà kinh tế được Reuters khảo sát dự báo CPI tăng 0,1% so với tháng trước.

Nếu so với cùng kỳ năm ngoái, CPI tháng 3 của Mỹ tăng 2,4%, thấp hơn so với mức tăng 2,8% của tháng 2 và cả mức dự báo tăng 2,5% mà giới chuyên gia dự báo.

Chỉ số CPI lõi tăng 2,8% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn so với mức tăng 3,1% của tháng 2 và thấp hơn dự báo tăng 3% mà giới chuyên gia đưa ra trước khi báo cáo được công bố. Mức lạm phát lõi này là mức thấp nhất kể từ tháng 3/2021.

Fed - ngân hàng trung ương có ảnh hưởng lớn nhất thế giới - đang ở trong một tình thế tiến thoái lưỡng nan về việc có nên tiếp tục cắt giảm lãi suất, và bao giờ hành động, để ngăn chặn rủi ro nền kinh tế sụt tốc do tác động từ chính sách thuế quan của ông Trump. Nếu Fed hạ lãi suất để cứu tăng trưởng, lạm phát có thể trỗi dậy, phá hỏng thành quả cuộc cuộc chiến chống lạm phát mà Fed đã theo đổi trong 3 năm qua. Nhưng nếu Fed giữ lãi suất cao quá lâu để ngăn ngừa sự trở lại của lạm phát, tăng trưởng kinh tế có thể gặp bất lợi.

Ngày 9/4, thuế suất cao hơn của thuế đối ứng, lên tới 50%, chính thức có hiệu lực. Nhưng cũng ngay trong ngày hôm đó, ông Trump tuyên bố hạ các mức thuế này về mức cơ sở 10%, áp dụng trong 90 ngày để có thời gian cho đàm phán thương mại. Tuy nhiên, ngày 9/4, ông Trump tuyên bố tăng thuế suất đối với hàng Trung Quốc lên 125%. Ngày 10/4, Nhà Trắng xác nhận với hãng tin CNBC rằng hàng hóa Trung Quốc đang bị áp thuế 145% vì cộng thêm cả 20% mà ông Trump đã áp vào đầu nhiệm kỳ thứ hai này.

Mức tăng/giảm hàng tháng của chỉ số CPI toàn phần của Mỹ so với cùng kỳ năm trước - Nguồn: BLS/FT.
Mức tăng/giảm hàng tháng của chỉ số CPI toàn phần của Mỹ so với cùng kỳ năm trước - Nguồn: BLS/FT.

Trao đổi với tờ báo Financial Times, nhà kinh tế trưởng Eric Winograd của công ty AllianceBernstein gọi dữ liệu CPI mới nhất của Mỹ là “tin rất tốt”. “Áp lực lạm phát giảm xuống sẽ tạo điều kiện để Fed giảm lãi suất”, ông Winograd nói, dự báo rằng đợt giảm lãi suất đầu tiên trong năm 2025 của Fed sẽ được tiến hành vào tháng 6 năm nay.

Theo nhà kinh tế này, lạm phát lõi thấp đồng nghĩa “Fed có dư địa” để ứng phó với rủi ro tăng trưởng kinh tế xấu đi vì thuế quan.

Việc lạm phát dịu đi củng cố đặt cược của thị trường rằng Fed sẽ có ít nhất 4 lần giảm lãi suất trong năm nay, với mức giảm mỗi lần là 0,25 điểm phần trăm.

Tuy nhiên, giới phân tích cũng nhấn mạnh rằng số liệu CPI tháng 3 của Mỹ phản ánh tình hình lạm phát trước khi mức thuế đối ứng cơ sở 10% bắt đầu được thực thi vào hôm 5/4 và tổng mức thuế khổng lồ 145% áp lên hàng hóa Trung Quốc từ ngày 9/4. Những thuế quan này dược dự báo sẽ khiến áp lực lạm phát ở Mỹ gia tăng trong thời gian tới.

Biên bản cuộc họp tháng 3 của Fed, được công bố trong tuần này, cho thấy “đa số các thành viên dự họp lưu ý rằng hiệu ứng lạm phát tiềm ẩn từ các yếu tố khác nhau có thể sẽ dai dẳng hơn so với dự kiến”.

Trưởng chiến lược lãi suất Mỹ tại ngân hàng Societe Generale, ông Subadra Rajappa, nhận định báo cáo CPI mới nhất của Mỹ là “thông tin đáng hoan nghênh” nhưng nói thêm rằng “điều mà thị trường thực sự quan tâm là sắp tới, thuế quan sẽ ảnh hưởng như thế nào đến lạm phát”.