Nhà Trắng xác nhận hàng Trung Quốc vào Mỹ bị áp thuế quan 145%, không phải 125%
Theo các nhà phân tích, đàm phán thương mại Mỹ-Trung thời gian tới, nếu có, cũng sẽ không dễ dàng...

Ngày 9/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh hành pháp nâng thuế quan bổ sung đối với hàng Trung Quốc lên 125%, từ mức 84% tuyên bố trước đó và có hiệu lực ngay lập tức.
Theo xác nhận của một quan chức Nhà Trắng với hãng tin CNBC vào ngày 10/4, hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ hiện chịu mức thuế quan bổ sung 145%. Con số này bao gồm cả thuế quan 20% đã áp dụng hai tháng qua do ông Trump cáo buộc Bắc Kinh không hành động đủ để ngăn chặn tình trạng buôn lậu chất gây nghiện fentanyl từ Trung Quốc vào Mỹ.
Trước khi có sự xác nhận này, nhiều nhà quan sát cho rằng thuế suất 125% đã bao gồm mức 20% nói trên. Tuy nhiên, theo xác nhận của Nhà Trắng, con số 125% chưa bao gồm 20% đó.
Cũng theo sắc lệnh ngày 9/4, hàng hóa giá trị thấp nhập khẩu vào Mỹ sẽ bị đánh thuế riêng ở mức 120% từ ngày 2/5. Đây những gói hàng có giá trị từ 800 USD trở xuống. Mức thuế quan này cao hơn 30 điểm phần trăm so với mức 90% ông Trump đưa ra trong sắc lệnh hành pháp hôm 8/4. Theo đó, thuế quan với hàng giá trị thấp từ Trung Quốc vào Mỹ sẽ tăng gấp 4 lần so với hiện tại.
Sắc lệnh cũng tăng chi phí "mỗi bưu phẩm" đối với các lô hàng giá trị thấp lên 100 USD từ ngày 2/5 và tăng lên 200 USD từ ngày 1/6. Các hãng vận chuyển được lựa chọn trả chi phí này tính theo tỷ lệ phần trăm hoặc theo mức phí cố định nhưng phải theo lựa chọn đó và chỉ được thanh đổi 1 lần mỗi tháng.
Cũng trong ngày 9/4, phản ứng với việc ông Trump quyết định hoãn thuế đối ứng cao với nhiều quốc gia trừ Trung Quốc, Người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc He Yongqian cho biết Bắc Kinh hy vọng Mỹ sẽ xuống thang căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất.
“Lập trường của Trung Quốc rất rõ ràng và nhất quán: Cánh cửa đàm phán luôn mở, nhưng việc đối thoại phải được tiến hành trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau", bà He phát biểu. “Trung Quốc sẽ kiên trì lập trường của mình đến cùng. Việc gây sức ép, đe dọa và tống tiền không phải là phương thức đúng đắn để đối phó với Trung Quốc. Chúng tôi hy vọng Mỹ sẽ hợp tác với Trung Quốc. Dựa trên các nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau, chung sống hòa bình và hợp tác cùng có lợi, chúng ta sẽ giải quyết thỏa đáng các bất đồng thông qua đối thoại và tham vấn".
Ông Trump trước đó cũng nói về việc đàm phán thương mại với Trung Quốc. Ông cho biết đang chờ đợi cuộc gọi từ Chính phủ Trung Quốc để đàm phán thương mại.
"Trung Quốc cũng rất muốn thương lượng, nhưng họ không biết phải bắt đầu như thế nào. Chúng tôi đang chờ cuộc gọi của họ. Điều này sẽ xảy ra”, ông Trump chia sẻ trên mạng xã hội Truth Social hôm 8/4.
Theo các nhà phân tích, đàm phán thương mại Mỹ-Trung thời gian tới, nếu có, cũng sẽ không dễ dàng.
“Dù Mỹ và Trung Quốc có thể muốn tìm cách quay trở lại bàn đàm phán, nhưng đây không phải con đường dễ dàng trong bối cảnh cả hai quốc gia đều đang gia tăng nỗ lực và tương tác song phương nhưng mọi chuyên gần như bế tắc”, bà Wendy Cutler, cựu quan chức Bộ Thương mại Mỹ và hiện là Phó Chủ tịch Viện Chính sách Xã hội châu Á (ASPI), nhận định.
Một số chuyên gia cho rằng Bắc Kinh dường như không muốn thương lượng trong khi hàng chục quốc gia khác - đặc biệt là các nước bị ông Trump áp thuế đối ứng ở mức cao - đã tiếp cận Nhà Trắng để khởi động đàm phán thương mại.
“Nếu Mỹ thực sự muốn giải quyết các vấn đề thông qua đối thoại và đàm phán, họ nên có thái độ bình đẳng, tôn trọng và cùng có lợi", Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lâm Kiến phát biểu đầu tuần này.
Bộ Văn hóa và Du lịch Trung Quốc ngày 9/4 ban hành khuyến cáo yêu cầu công dân nước này đánh giá rủi ro và thận trọng khi đến Mỹ với tư cách là khách du lịch. Khuyến cáo này được đưa ra ngay sau khi Trung Quốc thông báo về việc tăng thêm thuế quan trả đũa với hàng nhập khẩu từ Mỹ. Nguyên nhân đưa ra khuyến cáo là mối quan hệ kinh tế và thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc cũng như “tình hình an toàn” ở Mỹ.
Ở một diễn biến khác, cũng là một trong số ít nền kinh tế tuyên bố sẽ đáp trả thuế quan Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) ngày 10/4 cho biết sẽ hoãn kế hoạch trả đũa thuế quan Mỹ trong vòng 90 ngày, tương tứng với quyết định hoãn thuế đối ứng của ông Trump.
“Chúng tôi muốn có cơ hội đàm phán”, bà Ursula von der Leyen, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), viết trong một bài đăng trên mạng xã hội. “Dù việc triển khai các biện pháp trả đũa nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của các nước thành viên EU, chúng tôi sẽ hoãn kế hoạch này trong 90 ngày”.