Dow Jones “bốc hơi” 1.000 điểm, giá dầu lao dốc hơn 3%
Nhà đầu tư lo ngại rằng hoạt động kinh tế Mỹ có thể giảm tốc do ông Trump đánh mức thuế quan cao ngất ngưởng đối với Trung Quốc...

Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm mạnh trở lại trong phiên giao dịch ngày thứ Năm (10/4), xóa gần hết thành quả hồi phục của phiên tăng lịch sử hôm thứ Tư khi Tổng thống Donald Trump hoãn áp thuế suất cao của thuế đối ứng trong 90 ngày. Nhà đầu tư lo ngại rằng hoạt động kinh tế Mỹ có thể giảm tốc do ông Trump đánh mức thuế quan cao ngất ngưởng đối với Trung Quốc.
Lúc đóng cửa, chỉ số S&P 500 giảm 3,46%, còn 5.268,05 điểm. Chỉ số Nasdaq trượt 4,31%, còn 16.378,31 điểm. Chỉ số Dow Jones mất 1.014,79 điểm, tương đương giảm 2,5%, còn 39.593,66 điểm.
Những cổ phiếu giảm điểm mạnh trong phiên này bao gồm nhóm công nghệ vốn hóa lớn: Apple và Tesla giảm tương ứng 4,2% và 7,3%; Nvidia giảm gần 6% và Metal Platforms trượt khoảng 7%.
Các chỉ số càng tụt sâu hơn sau khi Nhà Trắng xác nhận với hãng tin CNBC rằng tổng thuế quan mà ông Trump đã áp lên hàng hóa Trung Quốc trong nhiệm kỳ này là 145%. Con số này gồm thuế suất 125% công bố ngày 9/4, cộng thêm 20% áp ban đầu khi ông gây sức ép đòi Trung Quốc hành động mạnh hơn để ngăn dòng chất gây nghiện fentanyl tràn vào Mỹ.
Phát biểu tại một cuộc họp nội các ngày 10/4, ông Trump tuyên bố không loại trừ khả năng kéo dài thời hạn hoãn thuế đối ứng. Hôm 9/4, ông bất ngờ hạ toàn bộ thuế suất thuế đối về mức cơ sở 10%, áp dụng trong 90 ngày để tạo điều kiện cho đàm phán thương mại.
“Chúng ta sẽ phải xem đến lúc đó mọi việc thế nào”, ông Trump nói.
Ở thời điểm hiện tại, Mỹ đang áp thuế quan 145% đối với tất cả hàng hóa từ Trung Quốc; 25% đối với tất cả nhôm, thép và ô tô nhập khẩu, và hàng hóa từ Canada và Mexico không đáp ứng tiêu chuẩn của thỏa thuận Mỹ - Mexico - Canada (USMCA); và 10% lên tất cả các hàng hóa nhập khẩu khác.
Phiên giảm điểm ngày thứ Năm làm mất đi phần lớn thành quả hồi phục của thị trường trong phiên trước đó. Ngày thứ Tư, S&P 500 tăng hơn 9%, đánh dấu phiên tăng mạnh thứ ba kể từ Chiến tranh Thế giới thứ hai. Dow Jones cũng tăng mạnh nhất kể từ tháng 3/2020, và Nasdaq ghi nhận phiên tăng mạnh nhất kể từ tháng 1/2021, đồng thời là phiên tăng mạnh thứ hai trong lịch sử của chỉ số này.
“Nhà đầu tư đã tỉnh táo hơn. Bất định đang là một vấn đề lớn vì mức thuế 145% có thể trở thành một con số khác vào ngày mai. Rất khó để xác định thị trường đáy hay đỉnh, vì mọi thứ thay đổi quá nhanh trên thực tế và trong cả kỳ vọng của nhà đầu tư”, Giám đốc nghiên cứu Melissa Brown của công ty SimCorp nhận định với hãng tin CNBC.
Sau niềm lạc quan ban đầu về việc ông Trump hoãn áp thuế suất cao của thuế đối ứng trong 90 ngày, nhiều nhà đầu tư ở Phố Wall đã nhìn nhận lại tình hình và cho rằng thị trường vẫn chưa thoát hiểm. Dù thuế suất cao được hoãn đối với các đối tác thương mại khác của Mỹ, việc tăng thuế quan lên 145% đối với hàng Trung Quốc đồng nghĩa rằng mức thuế quan thực tế của Mỹ đang cao lịch sử - theo một báo cáo của ngân hàng Stanley.
“Việc trì hoãn mang lại hiệu ứng tích cực, nhưng không làm giảm bớt sự bất định”, nhà kinh tế trưởng về Mỹ của Morgan Stanley - ông Michael Gapen - viết trong một báo cáo.
Phiên giảm mạnh nay của chứng khoán Mỹ diễn ra dù báo cáo từ Bộ Lao động nước này cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bất ngờ giảm trong tháng 3. Theo báo cáo, CPI của Mỹ giảm 0,1% trong tháng trước so với tháng 2, đánh dấu tháng giảm đầu tiên kể từ tháng 3/2020, sau khi tăng 0,2% trong tháng 2. Trước đó, các nhà kinh tế được Reuters khảo sát dự báo CPI tăng 0,1%.
Việc lạm phát dịu đi củng cố đặt cược của thị trường rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ có ít nhất 4 lần giảm lãi suất trong năm nay, với mức giảm mỗi lần là 0,25 điểm phần trăm.
Ngoài ra, còn có một tin tốt nữa là Liên minh châu Âu (EU) hoãn áp thuế quan trả đũa đối với hàng hóa Mỹ để bày tỏ thiện chí sau khi ông Trump hoãn thuế đối ứng. Các nước châu Âu đều đang nỗ lực nhằm đạt thỏa thuận thương mại với Mỹ - theo Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen.
Thị trường chứng khoán châu Âu và châu Á đều tăng điểm mạnh trong phiên ngày thứ Năm, tiếp nối phiên phục hồi vào ngày hôm trước của chứng khoán Mỹ. Tuy nhiên, do thị trường Mỹ giảm, chỉ số MSCI All Country World Index của chứng khoán thế giới giảm 0,77% trong phiên này.
“Nhà đầu tư nhận thấy rằng dù ngày hôm trước có tin tốt, chúng ta vẫn đang phải sống trong một thế giới đầy bất định”, chiến lược gia trưởng Art Hogan của công ty B Riley Wealth ở New York nhận định với hãng tin Reuters.
Tính đến hết phiên ngày thứ Năm, S&P 500 - thước đo rộng nhất của chứng khoán Mỹ - vẫn thấp hơn 7,1% so với thời điểm trước khi ông Trump công bố kế hoạch thuế quan đối ứng hôm 2/4.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao sau tại London giảm 2,15 USD/thùng, tương đương giảm 3,28%, chốt ở mức 63,33 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York giảm 2,28 USD/thùng, tương đương giảm 3,66%, còn 60,07 USD/thùng.
Hôm thứ Tư, giá dầu phục hồi mạnh sau động thái hoãn thuế đối ứng của ông Trump. Tuy nhiên, việc Trung Quốc bị áp mức thuế “khủng” 145% đã gây áp lực lên giá dầu trong phiên ngày thứ Năm.
“Thuế quan đối với Trung Quốc còn cao hơn so với những gì mọi người nghĩ lúc đầu. Đó là một vấn đề khá lớn. Đối với các quốc gia khác, việc đàm phán sẽ mất thời gian vì Mỹ không thể đàm phán cùng một lúc với 70 nước”, trưởng nghiêm cứu Jim Burkhard của công ty S&P Global Commodity Insights nhận xét.